"Nên để người dân tự lập quy hoạch đô thị"

06/04/2013 09:36 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Thoạt nghe có vẻ “ngang” song phương án của KTS Tee (thuộc Mạng lưới KTS Cộng đồng -CAN) là có lý. Theo anh, khi người dân tự lập bản đồ quy hoạch đô thị của mình, họ sẽ hiểu hơn ai hết những vướng mắc của hệ thống. Và chính người dân sẽ tự ngồi lại với nhau, dàn xếp khu phố mà không cần sự can thiệp sâu của chính quyền.

Đó là một trong những nội dung chính của buổi gặp mặt các kiến trúc sư cộng đồng tên gọi “Architect Night” tối 4/4 tại Align Cafe (10A Khúc Hạo, Hà Nội).

Chuyện từ “thị trấn tre”

Kiến trúc sư trẻ Tee kể: Sau thảm họa núi lửa vừa qua, Chính phủ Indone- sia đã yêu cầu các hộ dân địa phương di dời nhà cửa để đảm bảo an toàn. Nhưng người dân quyết không rời quê hương bản quán. Họ khẳng định họ sẽ tự xây lại thị trấn theo cách của họ và họ sẽ an toàn.

Sau đó, người dân nơi đây đã xây cả một thị trấn hoàn toàn bằng tre. Với vật liệu này, nham thạch dù chỉ “cựa quậy” trong lòng đất, tre sẽ tự vỡ trước. Đó cũng là lệnh báo động cho toàn thị trấn. Và cho đến lúc này, “thị trấn tre” vẫn an toàn sát miệng núi lửa.

Sân chơi như An Mỹ (Hội An) là một điển hình về sự tham gia của người dân vào thiết kế kiến trúc
“Đó là minh chứng điển hình về vai trò của người dân trong việc quy hoạch. Là mạng lưới kiến trúc sư cộng đồng quốc tế, đến bất cứ nơi đâu, chúng tôi đều thấy, người dân bản địa hiểu về vấn đề kiến trúc của mình nhất. Và nếu ta đặt họ làm chủ thể, để họ tự quy hoạch và thiết kế (KTS sẽ chỉ hỗ trợ kỹ thuật cơ bản), bộ mặt kiến trúc cộng đồng sẽ chóng hình thành và đầy bản sắc.”- Tee nói.

Một kiến trúc sư trẻ Việt Nam tiếp lời: “Quả vậy, đã quá lâu, chúng ta chỉ lo thiết kế những tác phẩm kiến trúc cộng đồng long lanh, lóng lánh. Song ta quên mất người dân nghĩ gì về chúng? Chúng có thực sự hiệu quả? Chúng có thể hiện hồn cốt, thẩm mỹ của cộng đồng dân cư ấy?”

Chuỗi câu hỏi này bật ra chuỗi câu hỏi khác khiến khán giả râm ran bàn luận.

Người dân thôi, chưa đủ!

Dẫu vậy, không thể phủ nhận, kiến trúc cộng đồng Việt Nam gần đây có nhiều khởi sắc. Minh chứng cụ thể là thiết kế độc đáo và hiệu quả của sân chơi An Mỹ cho trẻ ở Hội An. Hay dự án táo bạo biến bãi rác thành sân chơi cho trẻ em ở Hạ Đình (Hà Nội). Hoặc việc giải quyết khó khăn trong hạ tầng ở 16 đô thị Việt Nam của Liên minh châu Á vì Hành động cộng đồng (ACCA)...

Theo GS Hoàng Đạo Kính, nhiều kiến trúc sư Việt Nam nhận ra trách nhiệm của mình không chỉ là làm theo những đơn đặt hàng. Nghĩa vụ của kiến trúc sư còn là phụng sự xã hội.

GS Kính cho biết thêm: vấn đề giáo dục ngay các sinh viên kiến trúc ý thức về “thế đứng” của mình trong xã hội là rất quan trọng. Thiết kế những công trình công cộng chắc, bền, đẹp sẽ tạo hạ tầng để xã hội tiến lên (không chỉ về kinh tế mà còn cả về văn hóa) là vai trò của các kiến trúc sư.

“Các bạn trẻ phải hiểu: công trình công cộng không chỉ là tường rào, cống rãnh. Từ nhận thức cơ bản đó, các sinh viên, kiến trúc sư trẻ phải có khát khao xây dựng một thành phố cộng đồng. Nhờ những công trình công cộng chất lượng, con người sẽ gần nhau hơn. Và biết bao hệ lụy xã hội sẽ tránh được nếu ta thiết kế nhiều hơn những sân chơi như An Mỹ”- KTS Trần Duy Ánh chia sẻ.

Tuy chưa tới mức được tự tay lập bản đồ quy hoạch đô thị, song các kiến trúc sư tại tọa đàm đều đồng thuận rằng: càng ngày, các công trình công cộng của Việt Nam càng tập trung vào người dân làm chủ thể sáng tạo.

“Song dù vai trò của người dân là tối quan trọng nhưng mô hình chuẩn vẫn phải là 3C: Cộng đồng- chuyên gia- chính quyền. Chỉ khi ba thành tố này cân bằng, kiến trúc cộng đồng mới phát triển ổn định!”- Đại diện ACCA kết luận khép lại buổi trò chuyện.

Phạm Phú
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm