12/12/2012 09:59 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đời sống văn hóa nghệ thuật năm qua gắn chặt với chính trị, trong mối liên quan hai chiều phức tạp. Nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải Nobel chứng tỏ "quyền lực mềm" của Trung Quốc, triển lãm American Wing ghi nhận một nước Mỹ lo toan...
Các câu chuyện văn hóa do tờ báo Anh Guardian tổng kết đều là những hoạt động có ảnh hưởng đối với hơn một quốc gia và có tính dự báo một khía cạnh nào đó của đời sống nhân loại đương đại và tương lai.
Tháng 1: Triển lãm American Wing ở New York, Mỹ
Đầu năm nay, đời sống kinh tế chính trị New York vẫn quay cuồng do ảnh hưởng của phong trào Chiếm lấy phố Wall. Cùng lúc đó, cuộc bầu cử sắp tới của nước Mỹ đã bắt đầu với sự cạnh tranh trong nội bộ Đảng Cộng hòa.
Trong hoàn cảnh đó, khi Bảo tàng Nghệ thuật Đô thị ở New York mở lại triển lãm mang nhiều giá trị lịch sử American Wing (hay The New American Wing) vào tháng 1, sau 4 năm khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế, sự kiện nghệ thuật này có ý nghĩa lớn hơn một bài học lịch sử.
American Wing tập hợp nhiều bức tranh vẽ lại những thời khắc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, chẳng hạn bức Washington Crossing the Delaware (Washington vượt qua bang Delaware) chiếm một vị trí đẹp ở trung tâm triển lãm. Rất nhiều tác phẩm khắc họa cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Tổng thống Washington trong triển lãm cho thấy một sự so sánh ngầm với nhiều đời tổng thống Mỹ sau này.
Các phòng tranh rất tỉnh táo khi mở triển lãm nhưng sự kiện vẫn khiến dư luận xôn xao. Không đáng ngạc nhiên lắm khi trong năm qua, nền nghệ thuật quốc tế gắn bó khá mật thiết với các yếu tố chính trị.
Bức Washington vượt qua bang Delaware tại triển lãm American Wing tại New York, Mỹ hồi tháng 1. |
Tháng 2: Phim Caesar Must Die giành giải Gấu vàng
Trong năm 2012, khi các diễn viên trẻ của Italy có vẻ như chưa chứng tỏ được mình, các đạo diễn đã quyết định bỏ qua họ và tìm kiếm tài năng ở nơi khác: nhà tù.
Tháng 2, Caesar Must Die (Caesar phải chết), một phim nửa tài liệu nửa hư cấu (docudrama) của hai anh em nhà làm phim Paolo và Vittorio Taviani (Italy) đã giành giải Gấu vàng. Phim nói về các tù nhân tại một nhà giam ở Rome đã cùng nhau dựng vở kịch Julius Caesar của Shakespeare. Bộ phim còn được chọn làm đại diện của điện ảnh Italy dự giải Oscar lần thứ 85 vào năm sau.
Giới phê bình rất khen ngợi việc các đạo diễn sử dụng những tù nhân thật trong bộ phim khiến cảm xúc và độ chân thực thể hiện rõ hơn. Phim được đánh giá là có giá trị nhân văn sâu sắc, pha trộn sự hài hước nhẹ nhàng với cảm xúc đau khổ mãnh liệt.
Đồng đạo diễn Paolo Taviani nói: "Chúng tôi hy vọng khi bộ phim ra mắt trước công chúng, khán giả sẽ tự nhủ hoặc nói với những người xung quanh họ rằng, kể cả những người phạm tội rùng rợn và đang phải sống trong tù thì vẫn là con người".
Tháng 6: Vở kịch Playing Cards 1: Spades ở Canada
Spades là phần đầu tiên trong chuỗi 4 vở kịch Playing Cards do Robert Lepage - một trong những nhà soạn kịch, đạo diễn, nhà làm phim lớn nhất Canada hiện nay.
Robert Lepage, đạo diễn gốc Québec, đã mang đến cho khán giả một vở diễn không thể nào quên, đưa họ đi theo cuộc hành trình của các nhân vật từ các sòng bạc ở Las Vegas đến những sa mạc ở Iraq, ngay trên sân khấu kịch. Không phải Lepage biến sân khấu thành một thế giới thu nhỏ, mà ngược lại, ông khiến người xem hiểu rằng chính thế giới chúng ta đang sống cũng chỉ là một sân khấu nhỏ.
"Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều sự va chạm văn hóa, điều đã xảy ra với nhân loại từ thời những cuộc Thập tự chinh" - đạo diễn nói. Lepage nhìn thấy sự tái sinh ở châu Âu và Trung Quốc.
Tháng 10: Đại nhạc hội quốc tế Sound Central ở Afghanistan
Năm nay là lần thứ hai nhạc hội Sound Central diễn ra ở thủ đô Kabul của Afghanistan, một thành phố vốn được biết đến với chiến tranh, quân sự và các kế hoạch viện trợ quốc tế hơn là văn hóa. Với nhạc rock là “gia vị” chủ đạo, Sound Central có sự tham gia của Sousan Firuz - nữ rapper đầu tiên của Afghanistan, các nhạc sĩ đến từ 9 quốc gia khác và trình chiếu được vào danh sách rút gọn của Oscar năm sau có tên Buzkashi Boys.
“Hãy lắng nghe câu chuyện của tôi! Hãy lắng nghe nỗi đau của tôi!” - Firuz hát trên sân khấu trong màn biểu diễn sẽ đi vào lịch sử Afghanistan. Ở Afghanistan, Taliban từng ban hành lệnh cấm biểu diễn âm nhạc từ năm 2001. Buổi biểu diễn thu hút vài trăm khán giả, trong đó có nhiều phụ nữ.
Sound Central do Travis Beard, một nhạc sĩ kiêm nhiếp ảnh gia người Australia, tổ chức trong hai năm 2011 và 2012. Beard hy vọng đây sẽ trở thành một sự kiện thường niên.
Nhà văn Mạc Ngôn giành giải Nobel Văn chương vào tháng 10. |
Tháng 10: Nhà văn Mạc Ngôn giành giải Nobel Văn chương
Sự kiện nhà văn đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc được trao giải Nobel đúng như dự đoán lâu nay khiến đất nước Trung Quốc như "ngây ngất" vì tham vọng về quyền lực mềm (văn hóa) đã được củng cố.
"Đây là sự công nhận mà Trung Quốc đã chờ đợi lâu lắm rồi" - Eric Abrahamsen, phiên dịch viên từng làm việc với Mạc Ngôn tại nhiều sự kiện ở Bắc Kinh nói - "Không phải là bây giờ người ta mới phát hiện ra giá trị các tác phẩm của Mạc Ngôn mà là bây giờ tác phẩm của ông đã được dán tem chấp nhận và mở rộng tầm ảnh hưởng của văn chương Trung Quốc".
Trung Quốc hy vọng giải thưởng danh giá này sẽ giúp thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với cả nền nghệ thuật Trung Quốc nói chung. Abrahamsen cho rằng, điều này đang xảy ra, khuyến khích các nhà văn, nhà xuất bản và các cơ quan Chính phủ của Trung Quốc trong việc quảng bá và bán tác phẩm ra nước ngoài.
Huyền Mi
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất