"Mở" - cuộc triển lãm về đề tài Đồng Tính

28/11/2009 10:38 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Khai mạc tại TP.HCM vào chiều qua 27/11/2009 tại Nhà văn hóa Thanh niên, cuộc triển lãm Open (Mở) có quy mô khá khiêm tốn với 56 tác phẩm. Nhưng, chừng đó cũng là đủ để người xem hiểu hơn về những xúc cảm trong thế giới của người đồng tính - một thế giới đang tồn tại cạnh chúng ta hàng ngày.

1. Diễn ra từ 27- 29/11/2009, đây là cuộc triển lãm các tác phẩm hội họa, đồ họa và nhiếp ảnh, được tổ chức bởi ISEE (Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam) và ICS (nhóm đại diện cho một số diễn đàn của người đồng tính). 1/3 trong số tác phẩm trưng bày là của những họa sĩ quan tâm tới đề tài đồng tính như Nguyễn Kim Hoàng, Trương Tiến Trà... 2/3 còn lại được thực hiện bởi chính “người trong cuộc”: thành viên của các diễn đàn.


Một số tác phẩm tại triển lãm

Nguyễn Trần Minh Đức, tác giả của 2 bộ ảnh Mặt nạ, Táo xanh là người có số tác phẩm tham gia đông nhất tại triển lãm. 19 tuổi, đang là sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, anh đã trải qua quá trình commingout (lộ diện) được một thời gian. Bộ ảnh Mặt nạ được Đức thực hiện với sự giúp đỡ của 2 người bạn, trong đó một cũng là người trong giới.

“Bạn em chưa lộ diện hoàn toàn nên cũng ngần ngại khi “lên hình”. Nhưng, cũng như em, cậu ấy muốn làm một cái gì đó cho cuộc triển lãm này” - Đức kể. Rồi, anh lặng lẽ nói thêm: Nếu bắt buộc phải lên báo, anh nên chọn một bức Mặt nạ nào không rõ mặt bạn.

Kể bằng chuỗi 17 tấm ảnh, tác phẩm của Đức là câu chuyện về hai chàng trai xuất hiện trên đường với chiếc mặt nạ trùm kín trên khuôn mặt. Rồi, tới lúc gặp nhau, xúc cảm và một chút tình cờ đã khiến họ lưỡng lự rồi dần cởi bỏ mặt nạ, tay trong tay với khuôn mặt thật của mình. “Với người đồng tính, chuyện cô đơn và che giấu thân phận mình là điều dễ hiểu. Không có sự giúp đỡ và cảm thông của mẹ, em cũng khó lòng cởi bỏ được chiếc mặt nạ của mình”.


Người xem trước tác phẩm Mặt nạ tại triển lãm

Cảm xúc, Bên nhau, Hạnh phúc là sống thật... mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng cho những số phận rất riêng, như sự muôn hình vạn cảnh trong thế giới của những người đồng tính. Ở đó có tình yêu, có nỗi buồn, có nghị lực và có cả suy tư - giống như một câu đề từ được trích dẫn trong triển lãm: Có phải chúng ta sẽ đi tới tận cùng của câu hỏi vậy tôi là ai? Vẫn biết không dễ dàng gì chấp nhận chính mình? Thì sao có thể để lòng mình chấp nhận người khác đây?

2. Không phải, tất cả các thành viên tham gia triển lãm này đã thật sự công khai về giới tính của mình với những người xung quanh. Bởi thế, bên cạnh ý nghĩa ủng hộ cộng đồng, có thể xem Mở là cơ hội trong đời sống thật để họ có dịp bộc bạch mọi suy tư, tâm sự của mình, sau những thời gian dài chia sẻ điều đó bằng những nick name trên mạng.

“Cũng có bạn mang tới tác phẩm dưới một cái tên giả. Nhưng thực tế, khi đăng ký xin Sở VH,TT&DL thành phố cấp phép cho cuộc triển lãm này, các thành viên đều phải cung cấp tên thật của mình”, một thành viên BTC cho biết. Nghĩa là, một cách bị động, việc tham gia triển lãm cũng trở thành cơ hội để họ chuẩn bị cho quá trình lộ diện của mình .

Trước Mở, một cuộc triển lãm của giới đồng tính nữ đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/ 2009 với tên Góc. Đăng Linh, một thành viên từng tham gia triển lãm này, kể: cái tên ấy được chọn với hàm ý: triển lãm chỉ là một góc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, nơi những người bạn đồng tính nữ muốn sẻ chia tâm sự riêng của mình. Còn triển lãm lần này, cái tên Mở có lẽ thích hợp hơn.

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm