Loay hoay tìm bản sắc văn học hậu hiện đại

16/01/2013 11:12 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trên thế giới, nghiên cứu hậu hiện đại không còn là mới, nhưng ở nước ta, nó vẫn đang là “hot”. Có hay chưa cái gọi là “văn học hậu hiện đại ở Việt Nam”? Nếu có, trào lưu này là ngoại lai hay nội sinh? Hay bản sắc của văn học hậu hiện đại Việt Nam là gì?

Hội thảo Khoa học quốc gia về văn học hậu hiện - Đại lý thuyết và thực tiễn được tổ chức sáng qua (15/1) tại Đại học Sư phạm Hà Nội để tìm cách giải đáp cho những câu hỏi trên.

Song đúng như bản chất của hậu hiện đại (hồ nghi trước tất cả, kể cả bản thân), cuộc hội thảo kết thúc mà những sự luẩn quẩn trong việc tìm hướng đi cho văn học đương đại vẫn chưa có hồi kết.

Mông lung quan niệm

“Đây là hội nghị quốc gia đầu tiên về văn học hậu hiện đại ở Hà Nội. Tôi là một người sáng tác, khi được lý thuyết đưa ra đón nhận tác phẩm của mình, tôi thấy hệ thống lý luận đã đi theo hướng tốt đẹp. Tuy vẫn chậm so với thực tiễn nhưng ta vẫn phải ghi nhận sự chuyển động tích cực này”- nhà văn Đặng Thân, người vẫn được đánh giá là “ngọn cờ tiên phong” trong văn học hậu hiện đại Việt Nam trao đổi với TT&VH.

Theo nhà văn Đặng Thân, hậu hiện đại ngợi ca sự khác biệt và tinh thần dân chủ. Trước đây, người sáng tác hay đi theo những chủ nghĩa lớn lao. Còn ở hậu hiện đại, người ta đi vào cái nhỏ, cá thể, bên ngoài. Và khi người viết đi sâu vào những phân mảnh, những thân phận hồ như vô nghĩa, ta lại sáng tạo ra những giá trị rất thú vị.

Nhà thơ Bảo Sinh phát biểu tại cuộc tọa đàm.

Còn nhà thơ "dân gian" Bảo Sinh thì triết lý theo cách của mình: “Hậu hiện đại là sai đúng không quá rõ ràng. Hậu hiện đại là đời sống của chúng ta. Ta không cần phải phân tích mới ra giá trị của hậu hiện đại. Ví như: "Văn không tải đạo, văn là đạo/ Nước không chở sóng, nước là sóng". Ông chơi chữ: "Mọi thứ văn chương hậu hiện đại đều theo những "đạo" riêng. Song đấy là "đạo lý" hay "đạo chích" thì tùy thuộc hoàn toàn vào người tiếp nhận. Vì đây là “cuộc chơi” của cả tác giả, tác phẩm và người đọc”.

Song cũng có ý kiến cho rằng, sự hồ nghi của văn học “hậu hiện đại” chẳng có gì mới. Có chăng chỉ là cách đổi tên, đánh tráo khái niệm của văn học hiện đại.

Phản bác những ý kiến này, nhà phê bình Lã Nguyên cho rằng: “Trước tiên, ta khẳng định nước ta đã có trào lưu hậu hiện đại. Sau nữa, văn học hậu hiện đại không chỉ hồ nghi sự vật hiện tượng như văn học hiện đại mà nó còn tự hồ nghi chính bản thân mình. Cuối cùng, văn học hậu hiện đại của Việt Nam là nội sinh từ những vỉa tầng văn hóa truyền thống”.

PGS.TS Lê Huy Bắc đưa ra quan điểm mang đầy tính triết lý: “Với hậu hiện đại, không có gì là chân lí vĩnh cửu. Chân lí với các nhà hậu hiện đại là không có chân lí”.

Cảnh báo dạng tác phẩm “lẩu thập cẩm”

Bỏ qua một bên những tranh luận gay gắt, nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Văn Thành tỏ ra ái ngại: “Hậu hiện đại là sản phẩm của quá trình “lạm phát” học thuyết. Bởi con người đã sản xuất ra quá nhiều học thuyết rồi ta lại chóng “chán” chúng. Điều này thúc đẩy chúng ta tìm tòi những cái mới. Nhưng khi đã đến độ bão hòa, ta chỉ có thể làm mới một cách hoang mang. Làm mới song hồ nghi ngay bản thân quá trình đang vận động và trào lưu đang xây dựng”.

Ông còn cảnh báo, việc chưa có tiền đề vững chắc về những tác phẩm hậu hiện đại sẽ dễ dẫn đến những ngộ nhận: Nguy hiểm hơn, điều này sẽ dẫn đến việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hỗn mang dạng “lẩu thập cẩm”. Nhiều người đã sáng tác tùy tiện lấp lửng và tự xưng là "hậu hiện đại". Và những tác phẩm dán mác “hậu hiện đại” này không phải là sản phẩm nghệ thuật.

GS Nguyễn Đình Chú đồng quan điểm: “Chẳng còn nghi ngờ gì những cái tôi hoang mang trong văn học hậu hiện đại. Cũng bởi những cái tôi hậu hiện đại đó quá mạnh đã dẫn đến loạn quan điểm, hướng nhìn cũng như hướng đi.

Sự bế tắc và “loạn” hướng đi cho văn chương đương đại còn thể hiện khi chính người "hậu hiện đại" Đặng Thân cũng chia sẻ chân tình: Tôi đã nghĩ đến những lối viết khác ngoài hậu hiện đại như văn chương đa chiều, chủ nghĩa ảo thực…”

Trưa muộn, buổi hội thảo văn học hậu hiện đại tìm hướng đi cho văn học Việt Nam mới kết thúc. Chân lí rút ra có lẽ là… không có chân lí gì cả!

Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm