Liên hoan Đờn ca tài tử TP.HCM 2013: 20 năm mới có tên gọi giải thưởng

25/07/2013 15:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 24/7, tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) đã diễn ra cuộc họp báo về Liên hoan Đờn ca tài tử TP.HCM 2013. Lần đầu tiên liên hoan này chính thức có tên gọi giải thưởng: Giải “Hoa sen vàng”.

1. Liên hoan Đờn ca tài tử TP.HCM được Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức trong khoảng 20 năm nay. Đây là sân chơi của tất cả các CLB đờn ca tài tử đóng trên địa bàn các quận, huyện của địa phương này. Tuy nhiên, trong các lần liên hoan trước đây, chỉ mới là dịp gặp nhau để các CLB giao lưu, học hỏi và điểm danh các “tài tử” trong nghề.

Liên hoan lần này chính thức trở thành nơi để các “tài tử ca”, “tài tử đờn” tranh tài với các giải thưởng “Hoa sen vàng”. Đã có 27 CLB đờn ca tài tử với hơn 300 tài tử đăng ký dự thi ở 13 buổi thi Vòng bán kết vào các ngày Chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ ngày 4/8 đến 27/10 và 7 buổi thi Vòng chung kết từ ngày 3/11 đến 15/12. Lễ tổng kết và trao giải diễn ra lúc 19h30 ngày 31/12 tại Sân khấu Công viên 23/9, được truyền thanh trực tiếp trên kênh AM 610 KHz của VOH và truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 Đài Truyền hình TP.HCM.


GS-TS Trần Văn Khê trong một buổi nói chuyện về nghệ thuật đờn ca tài tử

So với các lần liên hoan trước đây chỉ diễn ra từ 2 buổi đến 2 ngày là bế mạc vì kinh phí tổ chức eo hẹp, giải “Hoa sen vàng” lần này kéo dài lâu hơn với hơn 20 buổi thi diễn được truyền thanh trên VOH. Dự kiến, Liên hoan Đờn ca tài tử TP.HCM - giải “Hoa sen vàng” sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần một cách bài bản, chuyên nghiệp chứ không còn “tài tử” chơi vui nữa.

2. Năm nay, Trung tâm Văn hóa TP.HCM đã kết hợp với VOH và Công ty Sen Vàng tìm nhà tài trợ, nên cuộc thi được hoành tráng hơn. Mỗi CLB sẽ trình diễn một chương trình của mình từ 30 - 35 phút (khoảng 5 - 6 tiết mục) để tranh giải: Sen Vàng, Sen Bạc, Sen Đồng cùng các huy chương cho từng tiết mục và các giải phụ, như: giải kiến thức âm nhạc tài tử, giải phong cách biểu diễn, giải chương trình được đông đảo khán giả yêu thích…

Ban giám khảo “Hoa sen vàng” gồm các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ nhân dân gian uy tín: Thạc sĩ, nhạc sĩ Huỳnh Khải - Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM; Nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn - Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử, Trung tâm Văn hóa TP.HCM; tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - Phó trưởng khoa Sau đại học, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, nhà nghiên cứu âm nhạc tài tử Nam bộ; nghệ nhân dân gian Bạch Huệ; nhạc sĩ Tấn Nhì. Liên hoan lần này do GS-TS Trần Văn Khê làm cố vấn.

Ở ta hiện nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” tập trung nhiều ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Trong khi đó, ở Nam bộ chưa có loại hình nghệ thuật truyền thống nào nhận được danh hiệu này. Với người Nam bộ, mặc dù đờn ca tài tử không còn được nhiều người trẻ yêu thích, song việc hát được một vài câu vọng cổ hay một “chặp” cải lương là điều rất đỗi bình thường, điều này chứng tỏ nghệ thuật đờn ca tài tử đã ăn vào máu thịt của từng người dân.

Tuy vậy, đờn ca tài tử chỉ mới được công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. BTC giải “Hoa sen vàng” mong muốn sẽ mở rộng liên hoan đến các tỉnh, thành trong khu vực và nghệ thuật đờn ca tài tử hy vọng sẽ trở thành loại hình nghệ thuật truyền thống đầu tiên của Nam bộ được nhận danh hiệu “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Chuông vàng vọng cổ vào hồi nước rút

Cũng trong ngày 24/7, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) đã họp báo về cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần 8 - 2013, một loại hình gần gũi với đờn ca tài tử. Vòng chung kết sẽ diễn ra ở bốn khu vực: miền Tây Nam bộ (tại tỉnh Bạc Liêu ngày 1/8), khu vực phía Bắc (Hà Nội, 8/8), miền Trung (Khánh Hòa, 15/8) và miền Đông Nam bộ (Long An, 22/8). Tại Vòng chung kết ở bốn khu vực, BGK sẽ chọn ra 12 thí sinh vào Vòng chung kết xếp hạng. Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức từ năm 2006 dành cho các thí sinh ở các tỉnh thành phía Nam. Từ năm 2009 đã mở rộng sân chơi này ra cả nước và số lượng thí sinh ngày càng tăng, riêng năm 2013 có khoảng 500 thí sinh tham gia. Chuông vàng vọng cổ qua các kỳ thi đã bổ sung vào đội ngũ nghệ sĩ cải lương nhiều gương mặt mới, trong đó có: Võ Minh Lâm, Hồ Ngọc Trinh, Nguyễn Ngọc Đợi, Võ Thành Phê, Cao Thúy Vy, Lê Văn Gàn, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Văn Mẹo, Huyền Trang…


Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm