LH hát Then toàn quốc 2012: Đừng để “đi một dặm” bởi hiểu “sai một li”

08/11/2012 10:34 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, sau 4 ngày diễn ra tại TP Lạng Sơn, Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 4 năm 2012 đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân và đông đảo du khách.

Tuy nhiên, ngoài những dấu ấn đẹp, liên hoan lần này cũng đã để lại không ít trăn trở về then, về cách bảo tồn, phát huy cũng như lộ trình đưa loại hình nghệ thuật này trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Từ việc hiểu “lẩu then”... là món lẩu

Liên hoan lần này với sự tham gia của hơn 500 nghệ nhân, diễn viên đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái đến từ 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Điện Biên, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Lạng Sơn và Đắk Nông.

Tuy nhiên, chỉ có 2 đêm khai mạc và bế mạc tại Quảng trường Hùng Vương, được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình trung ương là thu hút được đông công chúng hơn cả. Nhưng đông không có nghĩa là ai cũng thích, ai cũng hiểu then. Bằng chứng là trên sân khấu, hễ các nghệ nhân hát then cổ bằng nhiều tiếng dân tộc khác nhau (chủ yếu là bằng tiếng Tày, Nùng, Thái) thì hầu hết khán giả người Kinh hoặc người không phải là người của dân tộc có sử dụng ngôn ngữ như các nghệ nhân hát thì không hiểu nổi. Còn khi các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn then mới, những ca khúc sáng tác dựa trên chất liệu then bằng cả tiếng dân tộc và tiếng Việt, nhiều khán giả lại không mấy thích thú vì hầu hết các làn điệu then mới đều mang nặng tính tuyên truyền một cách đơn điệu.

Trình diễn then cổ của các nghệ nhân đoàn Hà Giang tại Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 4 tại Lạng Sơn

Còn trong hai ngày 4-5/11, các đoàn biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị tỉnh thì không nhiều khán giả đến xem, phần lớn là các nghệ nhân, diễn viên của các đoàn... xem của nhau. Đặc biệt, có những đoàn mà nhiều nghệ nhân biểu diễn xong tiết mục của mình rồi không xem đoàn bạn biểu diễn, mà tranh thủ ra hành lang hoặc xuống sân trung tâm... chụp ảnh lưu niệm.

Đặc biệt, trong một tiết mục, khi người dẫn chương trình trên sân khấu mời công chúng thưởng thức "lẩu then" - một nghi lễ mang tính chất tôn giáo trang trọng nhất của sinh hoạt văn hóa then, đã có khán giả ở dưới vì không hiểu biết đã hỏi lớn: "Lẩu then nấu bằng gì mà không thấy bếp núc đâu cả thế?". Có thể đó chỉ là một câu hỏi đùa, nhưng vì nó được phát ngôn từ hàng ghế của khán giả, lại không đúng nơi, đúng lúc đã khiến không ít người ồ lên cười, nhưng cũng không ít người hiểu biết về lẩu then phải ngậm ngùi…

...đến "hiểu nhầm" Tuyên Quang "đơn phương" lập hồ sơ then

Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc được tổ chức 2-3 năm một lần tại các tỉnh có then. Năm 2015, Tuyên Quang sẽ là địa phương tiếp theo đăng cai Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ 5.

Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nói: "Từ nay đến kỳ Liên hoan lần thứ 5, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh có then sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VH,TT&DL công nhận then là di sản văn hóa quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ then trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới".

Hiện cả nước có 14 tỉnh có then. Nhưng vừa qua, nhiều thông tin trong giới truyền thông cho hay, tỉnh Tuyên Quang "đã đi trước một bước" trong việc xin Thủ tướng cho phép tỉnh lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu then của tỉnh Tuyên Quang trình UNESCO. Ngay lập tức, dư luận đặt câu hỏi, nếu chỉ giao cho một tỉnh giữ trọng trách xây dựng hồ sơ có dễ xảy ra tình trạng "trống làng nào làng đấy đánh", sẽ bỏ sót nghệ nhân và nét tinh túy của giá trị di sản nằm ngoài Tuyên Quang.

Trao đổi với TT&VH, bà Việt khẳng định: "Tôi xin khẳng định là tỉnh Tuyên Quang chưa bao giờ có ý định đứng ra xây dựng hồ sơ then trình UNESCO một mình cả. Vì đơn giản là, then không chỉ có ở Tuyên Quang, ở vùng Đông Bắc mà còn có ở rất nhiều địa phương khác trên cả nước. Và theo tôi, cái gốc của then là ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Then ở Tuyên Quang cũng chỉ là một bộ phận rất nhỏ có then mà thôi. Vì vậy, nếu xây dựng hồ sơ trình UNESCO thì phải có sự tham gia của tất cả các địa phương có then, chứ không riêng gì Tuyên Quang".

Chỉ mình Tuyên Quang làm hồ sơ thì tỉnh khác sẽ... không phục

“Việc xây dựng hồ sơ then trình UNESCO là việc làm đáng mừng. Nhưng để thực sự hiệu quả, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương có then khác trong cả nước, bởi then không chỉ là di sản có gốc ở Tuyên Quang mà cả Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên cũng có then”- Phát biểu của ông Hà Huy Ấm, nhà nghiên cứu then trên 30 năm ở Lạng Sơn.

Phải hiểu “hát then” chỉ là một phần của “văn hóa then”

"Muốn xây dựng hồ sơ then trình UNESCO, trước tiên chúng ta phải nhận thức được then là một tổng thể nguyên hợp, là văn hóa then chứ không chỉ là nghệ thuật hát then vì nếu hát then thì mới chỉ xét đến khía cạnh âm nhạc của nó. Thứ nữa là, hồ sơ này ai làm cũng được nhưng phải được toàn dân hưởng ứng, tất cả các tỉnh có then đều phải (được) tham gia và phải chỉ rõ ra được sắc thái riêng của then từng địa phương" - Phát biểu của TS Trần Hữu Sơn, GĐ Sở VHTT&DL Cao Bằng.

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm