25/04/2013 07:44 GMT+7 | Lễ trao giải
Từ cổ điển đến đương đại
Có lẽ cũng lâu rồi Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (khoảng 50 nhạc công) mới được chơi trên một sân khấu tổ chức cho riêng họ, nơi ý niệm về dàn dựng và sự tôn vinh từng nhạc công là rất rõ rệt. Vị trí của từng người đều có góc quan sát và ánh sáng tương đối tốt, giúp nhạc trưởng và nhạc công giao hòa, giúp dàn nhạc và khán giả giao lưu dễ dàng hơn cách bố trí truyền thống. Những chiếc ghế của nhạc công và cả nhạc cụ được đạo diễn biến thành tiết mục sắp đặt sân khấu, nên khi dàn nhạc nghỉ chơi, vẫn không thấy trơ trọi hay “cứng đờ”. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam làm được điều này, một phần nhờ rút kinh nghiệm từ các mùa giải trước, của các chương trình khác, một phần nhờ hiệu ứng đèn LED thay đổi thị giác. Chính hình ảnh sắp đặt kiểu đấu trường này gợi cho chúng ta về những buổi hòa nhạc, những nhạc kịch ngoài trời thời xa xưa ở Âu châu, nơi mà khoảng cách giữa bác học và phổ thông đã có cơ hội sự tương thông.
Hơn nữa, trong môi trường âm nhạc mà Cống hiến chọn lựa, với biên tập của nhạc sĩ Đức Trí, rõ ràng là một cuộc chơi hòa trộn thể loại và phong cách. Ngoài tác phẩm nhạc phim Pi- rates Of Caribean tranh giải trong hạng mục Chương trình của năm, rất cuốn hút, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM còn chơi tấu khúc Xuân tàn rất trang trọng cho nữ ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện và Tháng Tư về rất trong trẻo, thanh khiết cho Mỹ Linh - Tùng Dương. Chỉ nhìn riêng vào sơ đồ âm nhạc này đã thấy nỗ lực bắt nhịp cầu cổ điển - đương đại mà Cống hiến đã và đang có tham vọng tạo thành một tiền lệ tốt đẹp là có cơ sở thực tế. Đây còn chưa kể đến các tiết mục thuộc chương trình In The Spotlight, Luala Concert Thu Đông, Rock Storm 2012… nếu biểu diễn hết, sẽ rất thú vị, bên cạnh đó là nỗ lực bức phá hoặc làm mới của Nguyễn Đình Thanh Tâm, Hương Tràm, Tạ Quang Thắng...
Kết quả Giải Âm nhạc Cống hiến lần 8-2013 |
Xét về độ tốn tiền hay hoành tráng bề ngoài, Lễ trao giải Cống hiến 2013 còn thua xa nhiều chương trình bạc tỷ khác, nhưng xét về sự chấp nhập va chạm thể loại âm nhạc, sự chung đụng phong cách khác biệt thì khó có live show hay chương trình nào so bì được. Sự hoành tráng của Cống hiến nằm ở khả năng dung nạp và giao hòa các thể loại, với ước muốn tạo nên môi trường dân chủ trong âm nhạc đại chúng.
Phạm Thu Hà nhận giải Album của năm với Classic meets Chillout |
Một phần vì tính công minh, bất khả mua chuộc của giải kể từ mùa đầu tiên đến nay, một phần vì con đường đến với giải còn gian nan hơn việc được giải (nghĩa là phải có một cống hiến nào đó nổi bật trong năm, theo tiêu chí), nên các nghệ sĩ, các đại diện chương trình khá thong dong, vui vẻ khi chờ nghe xướng tên mình hoặc đồng nghiệp. Dù bí mật đến phút cuối, hay có công khai kết quả trước một hai ngày thì đa phần nghệ sĩ và chương trình vẫn muốn đến dự đêm trao giải, bởi họ xác định đây là một phần công việc trong hoạt động chuyên nghiệp của mình. Viết những dòng này mà không sợ dị nghị, vì sau mấy mùa lắng nghe tâm tư của các nghệ sĩ, các đại diện chương trình, đa phần đều muốn góp sức xây dựng một giải thưởng âm nhạc danh giá cho Việt Nam trong tương lai. Một hai năm gần đây, Cống hiến được nhiều nơi gọi là giải Grammy của Việt Nam, rõ ràng, cũng đã phản ánh một phần của nỗ lực chung mà nền âm nhạc đại chúng đang muốn hướng đến.
Bỏ qua phần MC vốn luôn có nét riêng của giải Cống hiến, mà năm nay Trấn Thành và Hồ Ngọc Hà đã tung tẩy rất lý thú. Bỏ qua những tiết mục lớn và giọng ca của các ngôi sao, được dàn dựng công phu, chắc chắn sẽ được nhiều nơi đề cập, tán thưởng, thì chọn những nhân tố mới cho chương trình cũng tỏ rõ sự vi tế của báo giới. Nghe Phạm Thu Hà hát Xuân tàn (tức La Chanson De Solveig - Khúc hát nàng Solveig) với dàn nhạc, một tấu khấu trong đại nhạc kịch Peer Gynt của thi hào Henrick Ibsen mà Edward Hagerup Grieg soạn nhạc đệm, nhìn thấy ở đây một gương mặt kế thừa của những thế hệ hát nhạc cổ điển giao thoa như cố NSND Lê Dung.
Xem Nguyễn Đình Thanh Tâm thể hiện lại ca khúc Giọng mưa đàn bà mà nhạc sĩ Ngọc Đại phổ từ thơ Guillaume Apollinaire từ những năm 1977-79, do Hoàng Hưng dịch, mới thấy rằng, mặc cho những khoảng cách, sự đứt đoạn, tất cả vẫn có lý lẽ để tiếp nối. Điều này cũng không khác mấy việc Tùng Dương làm mới mình bằng việc hát lại ca khúc “lớn tuổi” Chiếc khăn piêu của Doãn Nho, làm cho người nghe các thế hệ xúc động.
Đây đó vẫn còn có thể tranh luận về nghĩa hay tiêu chí của từ “cống hiến”, nhưng mau chóng nhận diện và khích lệ những nhân tố mới (dù chỉ một với một vài ca khúc) như Tùng Dương, Uyên Linh trước đây, hay Phạm Thu Hà, Đình Thanh Tâm, Thái Trinh, Hương Tràm bây giờ là việc mà một giải và một chương trình âm nhạc có đủ sự vi tế phải làm kịp thời.
Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL Vương Duy Biên: Âm nhạc Cống hiến là một sự kiện có uy tín “Lần đầu tiên tham dự Lễ trao giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, tôi háo hức khi chưa rõ ai sẽ đạt giải và đứng quan sát người hâm mộ giao lưu với các nghệ sĩ cùng công chúng khi đến sự kiện này. Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến tôi mới quan tâm đến, giờ lần đầu có dịp tới dự. Theo dõi thông tin trên báo chí, tôi biết đây là giải thưởng thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, các nhà chuyên môn, báo giới và những người làm nghệ thuật. Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến là một thương hiệu, một sự kiện có uy tín trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Từ đó, hi vọng giải thưởng trong lần tổ chức tới đây ngoài giá trị truyền thông, tính chuyên môn ngày càng chuyên nghiệp và các giá trị đích thực của âm nhạc được đặt lên hàng đầu. Trong Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần này, bên cạnh việc đề cử tốt cho mỗi hạng mục, việc các nhà báo công tâm khi bình chọn và đưa yếu tố chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu sẽ làm cho giải thưởng ngày một uy tín hơn”. Nhà báo Tạ Bích Loan: “Ngồi trong khán phòng này phải nói là tôi có nhiều cảm xúc dâng trào: xúc động vì những nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật, cho khán giả của nhiều thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ. Đây là một giải thưởng rất hay. Cách thức bầu chọn rất độc đáo, khách quan. Chương trình trao giải hôm nay thực sự sang trọng, lại gợi nhiều suy nghĩ sâu sắc và cũng không thiếu yếu tố giải trí. Nếu có được bổ sung cho hoàn hảo hơn thì ngoài 4 chữ “H” (“hot”, “hút”, hốt”, “hát”) mà các nghệ sĩ đi trước tặng cho người nghệ sĩ mới thì tôi muốn được chúc thêm các nghệ sĩ mới một chữ “H” nữa là “học” vì có học mới có được những thành tựu. Học không ngừng nghỉ các bạn sẽ có được thành công”. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất