'Làn sóng Nhật Bản' lấn sân hallyu

26/08/2013 14:40 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Thành công vang dội của loạt phim truyền hình Bản tình ca mùa Đông đã giúp nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc giành ưu thế ở nhiều thị trường. Nhưng nay nó lại đang vấp phải sức cạnh tranh mới từ Nhật Bản.

1. Kể từ sau phim Bản tình ca mùa Đông, hallyu (Làn sóng Hàn Quốc) đã phát triển thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu với nhiều sản phẩm như phim truyền hình, K-pop, điện ảnh, ẩm thực… Trước đó, nền văn hóa xứ kim chi từng bị các sản phẩm văn hóa của Nhật Bản như truyện tranh, phim và tiểu thuyết lấn át.

Tuy nhiên, do quá mải mê tìm kiếm lợi nhuận trước mắt, chẳng hạn như áp giá cao cho nhiều sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, nên ở nhiều nước đang có trào lưu chống hallyu. Khán giả cũng đã thấy mệt mỏi với kiểu bắt chước giống hệt nhau của các ca sĩ K-pop.

Trong khi đó, nền văn hóa đại chúng Nhật Bản lại đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Chẳng hạn, loạt truyện tranh nổi tiếng Attack On Titan của Hajime Isayama đang được bàn tán nhiều và đã tiêu thụ được hơn 230 triệu cuốn kể từ khi phát hành.

Cảnh trong Attack On Titan

Attack On Titan kể về những hiểm nguy của loài người khi bị những người khổng lồ tấn công. Từ năm 2009 đến nay đã có 10 tập truyện được tung ra thị trường.

Haksan Culture, Inc., nhà xuất bản truyện tranh ở Hàn Quốc, bắt đầu phát hành tập đầu tiên của bộ truyện này bằng tiếng Hàn, từ tháng 2/2011. Mới đây, một kênh truyền hình cáp ở xứ kim chi đã phát sóng phim hoạt hình được dàn dựng theo bộ truyện tranh trên. Sau khi phim phát sóng, bộ truyện đã tiêu thụ được 434 ngàn cuốn ở Hàn Quốc.

Theo nhà xuất bản Haksan, cách đây vài năm, bộ truyện tranh Nhật Bản Drops Of The God đã trở thành một hiện tượng văn hóa. Song lượng sách bán ra của Attack On Titan trong thời gian đầu còn vượt cả Drops Of The God. Thông thường ở thị trường Hàn Quốc, những đầu sách mới chỉ tiêu thụ được khoảng 3 ngàn cuốn trong những ngày đầu phát hành, tuy nhiên Attack on Titan đã bán được hơn 50 ngàn cuốn.

Cơn sốt Attack On Titan đã khiến một số kênh truyền hình Hàn Quốc dàn dựng nhiều chương trình hài “nhái” theo bộ truyện này, như Infinite Challenge trên kênh MBC.

Thành viên U-Know của nhóm nhạc K-pop TVXQ cho biết anh là một fan cuồng nhiệt của Attack On Titan và trong chương trình hòa nhạc diễn ra ở Yokohama (Nhật Bản) hôm 17/8, anh đã có một màn diễn bắt chước theo truyện.

2. Trong xu hướng "lấn sân" của văn hóa Nhật Bản, tiểu thuyết mới của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương, cũng thu hút được lượng độc giả đáng kể ở Hàn Quốc. Cuốn sách này đã chiếm vị trí đầu trong danh sách các tiểu thuyết bán chạy nhất Hàn Quốc suốt 5 tuần liền, kể từ khi được phát hành hồi tháng 7.

Trước khi sách được xuất bản ở Hàn Quốc, nhiều nhà xuất bản nội địa đã giành nhau bản quyền in tác phẩm này, với số tiền đặt cọc lên tới 150 triệu yên. Khi sách được tung ra thị trường, người hâm mộ Hàn Quốc đã xếp hàng nhiều giờ ở các cửa hàng sách lớn ở trung tâm Seoul để có được những cuốn sách đầu tiên. Đến nay Tsukuru Tazaki đã bán được hơn 6 triệu cuốn, cao gấp 3 lần so với cuốn tiểu thuyết trước của Murakami là 1Q84.

Nhật Bản đang thực hiện nhiều chương trình nhằm quảng bá nền văn hóa của mình. Cụ thể vào ngày 12/6, Thượng viện Nhật Bản đã phê duyệt 500 triệu USD cho quỹ quảng bá văn hóa Nhật Bản ở hải ngoại. Có thể thấy sự trỗi dậy của làn sóng văn hóa đại chúng Nhật Bản - mối đe dọa mới cho hallyu.

Việt Lâm (theo Korea Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm