24/11/2012 07:00 GMT+7 | Phim
Vừa ra đời đã thay tên đổi chủ
Tổ chức lần đầu tiên năm 2010, LHP Quốc tế Hà Nội khi đó được lấy tên là Vietnam International Film Festival (VNIFF). Tuy nhiên, tới lần thứ hai tổ chức, VNIFF đột ngột đổi tên thành HANIFF với logo mới. Giải thích về lý do thay đổi này, TS Ngô Phương Lan, Trưởng BTC HANIFF cho biết do cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng đã có một LHP có tên tương tự nên từ năm nay VNIFF sẽ chính thức mang tên mới và Hà Nội cũng được ấn định là địa điểm tổ chức LHP quốc tế riêng của Việt Nam, với định kỳ 2 năm một lần. Đây được coi là một lựa chọn phù hợp, theo đúng thông lệ quốc tế bởi hầu hết các LHP quốc tế trên thế giới đều chọn một địa điểm cố định tổ chức từ Venice đến Cannes, từ Toronto đến Busan.
Nói là lần thứ hai tổ chức nhưng giới chuyên môn coi đây mới chính thức là LHP quốc tế đúng nghĩa đầu tiên được tổ chức tại VN bởi VNIFF 2010 chỉ giống như một sự kiện chạy thử, có quá nhiều sạn, từ chuyện MC tệ hại trong lễ bế mạc với “sự cố dịch thuật” của MC Lại Văn Sâm đến việc các bộ phim được chọn tranh giải có chất lượng thấp cùng một sự kiện thảm đỏ “quê mùa” diễn ra ở quảng trường Cách mạng Tháng 8 khiến nhiều người phì cười. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng bằng quan hệ của mình, BHD, đơn vị đồng tổ chức của VNIFF, đã mời được những nhà làm phim danh tiếng vào BGK như đạo diễn Người Mỹ trầm lặng - Phillip Noyce, Giám đốc LHP Venice - Marco Muller... để gây tiếng vang cho VNIFF 2010.
Một cảnh trong phim Amour, Cành cọ vàng 2012, tham dự LHP quốc tế Hà Nội 2012 |
Sự thay đổi thành phần lãnh đạo của Cục Điện ảnh cách đây hơn một năm thực sự có ảnh hưởng quan trọng đến định hướng, quy mô cũng như cách vận hành của HANIFF lần này. Là người đề xuất và làm một đề án chi tiết về sự cần thiết tổ chức một LHP quốc tế tại VN cách đây nhiều năm, tuy nhiên việc nhà phê bình Ngô Phương Lan đột ngột chuyển công tác sang Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ VH,TT&DL trong thời gian diễn ra VNIFF 2010 khiến bà không thể tham gia trực tiếp vào công tác tổ chức. Trở lại nắm giữ cương vị cao nhất của Cục Điện ảnh vào tháng 9/2011, sau scandal thất thoát hơn 40 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh cũng là lúc TS Ngô Phương Lan tiếp quản VNIFF và thực hiện một cuộc cải cách LHP này.
Từng ngồi ghế giám khảo của nhiều LHP quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực phim ngắn, có nhiều mối quan hệ với cộng đồng các nhà làm phim và BTC LHP uy tín trên thế giới, TS Ngô Phương Lan khiến nhiều người ngỡ ngàng khi có thể kêu gọi được hàng loạt nhà làm phim tên tuổi gửi phim tới BTC HANIFF ngay ở lần thứ hai tổ chức khi nó còn chưa kịp được ghi tên trên bản đồ LHP quốc tế. Ở thời điểm cuối tháng 9/2012, đã có hơn 200 phim đăng ký dự thi. Đặc biệt, tại hạng mục toàn cảnh điện ảnh thế giới - Panorama, HANIFF đã thu hút được hàng loạt bộ phim đỉnh cao từng gây chú ý tại hàng loạt LHP và giải thưởng danh giá năm qua tham gia. Đó là: Amour (Tình yêu) - Cành cọ Vàng 2012, A Separation (Ly thân) - Oscar 2012 cho Phim nước ngoài hay nhất, We Need To Talk About Kevin (Chúng ta cần nói chuyện về Kevin) - Phim Anh xuất sắc nhất 2011..., những bộ phim mà “đến trong mơ tôi cũng không nghĩ tới việc có nhiều bộ phim mới và lớn như vậy tham gia” như chia sẻ của TS Ngô Phương Lan.
Cắp sách đi học tổ chức LHP
Lần đầu tiên, tại HANIFF, người ta được thấy một mô hình quy chuẩn của một LHP quốc tế với các sự xuất hiện của phim tranh giải (14 phim điện ảnh), hạng mục Panorama, chương trình chiếu phim tâm điểm điện ảnh Hàn Quốc cùng hàng loạt chương trình chiếu phim dành riêng cho điện ảnh Việt Nam được lựa chọn kỹ càng qua một hội đồng tuyển chọn làm việc liên tục trong nhiều tháng qua. Và lần đầu tiên, một trại sáng tác trẻ cũng được tổ chức song song với các chương trình chiếu phim, hội thảo và trao đổi trong 5 ngày diễn ra LHP thu hút sự tham gia của nhiều đạo diễn, nhà sản xuất có uy tín trên thế giới. Đây thực sự là nỗ lực của những nhà tổ chức trong việc tiệm cận với một LHP chuyên nghiệp.
Đạo diễn Lê Hoàng trở lại với bộ phim Cát nóng đại diện nước chủ nhà |
Để chuẩn bị cho HANIFF, trước đó, thông qua Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Đức tại VN, đã có 4 suất học bổng về quản lý LHP đã được dành cho các đại diện đến từ VN, trong đó có chuyên viên của Cục Điện ảnh. Hai tháng ở Đức và tham gia nhiều hoạt động của LHP Berlin, trực tiếp xem quy trình vận hành của một LHP quốc tế với những bài học thực tế đã giúp cho các học viên của VN rất nhiều. Năm nay, thay vì BHD, một trong đối tác tham gia HANIFF là Redbridge được giao phụ trách trại sáng tác. Người đứng đầu công ty này là bà Thục Vân, phu nhân của TS Michael Di Gregorio, nguyên Giám đốc Quỹ Ford (đơn vị từng tài trợ nhiều năm cho dự án Chúng ta làm phim của Trung tâm TPD). Cùng với đạo diễn Đỗ Thanh Hải của VFC, bà Thục Vân cũng mới tham dự các chương trình của LHP Berlin 2012 theo học bổng của Bộ Ngoại giao Đức. Do vậy, có thể nói HANIFF đã được chuẩn bị khá kỹ về mặt nhân sự vận hành. Ít nhất, một chương trình cho toàn bộ 6 ngày diễn ra LHP đã được lên chi tiết trước sự kiện 2 tháng là một điểm cộng cho BTC.
Và nếu như ở kỳ trước, phim được chọn khai mạc là phim hoạt hình Pháp, phim VN tranh giải là phim VN mới nhất vừa hoàn thành thì lần này đã có những bộ phim được nhắm riêng cho HANIFF. Bên cạnh 2 phim VN tranh giải là Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ) và Đam mê (Phi Tiến Sơn) được hội đồng duyệt tuyển chọn từ số 8 phim đạt tiêu chuẩn được trình lên, phim Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng được tuyển lựa riêng cho đêm khai mạc 25/11 tại Cung Việt-Xô Hà Nội. Phim chọn khai màn tại các LHP quốc tế luôn là những phim chất lượng và được chờ đợi, do vậy Cát nóng có thể coi là “bộ mặt” của nước chủ nhà. Tuy nhiên, có một băn khoăn là Cung Việt- Xô chưa bao giờ được dùng làm điểm chiếu phim nên không hiểu hiệu quả của buổi chiếu khai mạc đến đâu.
Vừa đợi vừa run
Ngoài chất lượng phim của nước chủ nhà tham dự LH, thì hai sự kiện thuộc loại “bộ mặt” của nước chủ nhà là đêm khai mạc (25/11) và bế mạc trao giải (29/11) đang khiến dư luận băn khoăn không biết sẽ được tổ chức thế nào cho hấp dẫn và xứng tầm của một LHP quốc tế, nhất là với những gì đã bày ra ở kỳ LHP trước. Từ những gì đã thấy ở các lễ trao giải điện ảnh ở ta từ Cánh diều đến Bông sen, những lễ trao giải vừa khô cứng, vừa dài lê thê lại thiếu chất điện ảnh, có thể tiếp tục kỳ vọng vào một HANIFF đột phá? Hiện tại còn trong vòng bí mật nhưng MC của lễ khai mạc và đêm trao giải đang rất được quan tâm, nhất là khi kỳ trao giải trước có quá nhiều sạn khiến chủ nhà phải đỏ mặt vì người dẫn kém ngoại ngữ.
Lần này tất cả các phim tham gia HANIFF đều được chiếu tại hầu hết các cụm rạp ở Hà Nội. Khác với kỳ trước, BTC quyết định chỉ phát 20% giấy mời cho đại biểu, còn lại 80% lượng vé sẽ bán phục vụ công chúng yêu điện ảnh từ ngày 24-28/11 để khuấy động không khí điện ảnh của Hà Nội trong những ngày diễn ra LHP.
LHP Quốc tế Hà Nội 2012 với thông điệp “Điện ảnh châu Á - Thái Bình Dương thống nhất và phát triển”, do Bộ VH,TT&DL, Cục Điện ảnh phối hợp tổ chức sẽ diễn ra từ 25 đến 29/11/2012 tại Hà Nội. Các giải thưởng chính thức của LHP gồm: Phim truyện xuất sắc nhất, Phim ngắn xuất sắc nhất, Đạo diễn phim truyện xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc. Lễ khai mạc và bế mạc tại Cung văn hóa Hữu nghị được truyền hình trực tiếp trên VTV2 và VTV4 (20h). |
Hoàng Vy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất