Kỷ niệm 1.300 năm sinh “Thi thánh” Đỗ Phủ

29/12/2012 13:38 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Đỗ Phủ là tác gia Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Hội thảo nhân 1.300 năm năm sinh của ông (712-2012) được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 29/12.



GS Mai Quốc Liên (đứng) nói lời đề dẫn hội thảo. Bên cạnh là nhà thơ Hữu Thỉnh (giữa) và ông Lưu Tam Chấn - Tham tán Văn hoá Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam (ngoài cùng bên trái) tại Hội thảo về Đỗ Phủ sáng 29/12 ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì hội thảo cùng GS Mai Quốc Liên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và ông Lưu Tam Chấn - Tham tán Văn hoá Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Một số nhà thơ, nhà phê bình, giáo sư đại học chuyên nghiên cứu về thơ Đỗ Phủ của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản đã có mặt tại buổi lễ. Đây là hội thảo song ngữ có phiên dịch, các đại biểu phát biểu về thơ Đỗ Phủ bằng hai thứ tiếng Việt, Trung.



Các khách mời – nhà nghiên cứu về Đỗ Phủ đến từ Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó có các giáo sư Đại học Bắc Kinh.

Trong dịp này, tuyển tập Đỗ Phủ tinh tuyển cũng được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học liên kết với Nhà xuất bản Văn học ra mắt. Cuốn sách do GS Mai Quốc Liên làm chủ biên, tập hợp các bản dịch thơ Đỗ Phủ của các nhà thơ, học giả lớn của Việt Nam như Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Thế Lữ, Xuân Diệu, Phan Ngọc, Khương Hữu Dụng, Trần Huy Liệu…

Tuyển tập Đỗ Phủ tinh tuyển bìa cứng ra mắt nhân dịp này.

Cũng chính các nhà thơ trên là đại diện cho các thế hệ trí thức Việt Nam đã đọc và yêu mến thơ Đỗ Phủ. Cũng chính họ góp phần tạo nên diện mạo thơ ca Việt Nam trong suốt thế kỷ 20.

“Đỗ Phủ đã viết lên những câu thơ kinh điển nói về sự bất công xã hội”, theo nhà giáo Nguyễn Khắc Phi, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Chẳng hạn, bài Binh xa hành (Bài hành xe trận, theo bản dịch của nhà thơ Việt Nam Khương Hữu Dụng) có thể coi là bài thơ chống chiến tranh vĩ đại nhất Trung Quốc.

Sau 1300 năm tính từ thời của Đỗ Phủ, đất nước Trung Quốc của ông đã có nhiều biến chuyển lớn, có những cải cách rất nhanh chóng tạo nên nhiều thay đổi. Nhưng GS Mai Quốc Liên nhận định, đất nước này cũng đang đứng trước những thách thức, nhất là “phân cực giàu - nghèo, thành thị - nông thôn”. “Tiếng khóc của Đỗ Phủ “Không tiếng già này khóc rỏ huyết” vẫn còn chưa tắt trên đất nước Trung Hoa rộng lớn”, theo GS Liên.

Đỗ Phủ (712 - 770), tự Tử Mỹ, quê ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông sống trong một thời đại loạn lạc, điêu đứng vì Loạn An Lộc Sơn năm 755. Vì thế, thơ Đỗ Phủ là tiếng kêu chống chiến tranh, lòng thương cảm đối với thân phận con người và lòng yêu nước.

Năm nay, tại Trung Quốc, 1.300 năm năm sinh của ông cũng được kỷ niệm long trọng, trong đó có một đại lễ ở Thành Đô. GS Khang Chấn, Viện trưởng Viện văn học Đại học Bắc Kinh, chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Đỗ Phủ, ca ngợi: “Đỗ Phủ là nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc cổ đại”. Nói đúng hơn, cùng với “Thi tiên” Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm