29/04/2013 07:03 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Được xem là một đại diện cho thế hệ quay phim trẻ của Việt Nam, sau thời của những Phạm Hoàng Nam, Đinh Anh Dũng, Lý Thái Dũng…, vào nghề năm 2005, với bộ phim truyện nhựa 1735 km, đến nay tay máy K’Linh gắn liền với những bộ phim “bom tấn” Việt. Anh đủ điều kiện để thay thế vị trí của những quay phim nước ngoài trong đoàn phim của một số đạo diễn Việt kiều và có mức cát-sê cao vào hàng nhất trong giới quay phim hiện nay.
K’Linh vừa trở lại TP.HCM sau chuyến đi vùng miền núi phía Bắc khảo sát bối cảnh quay bộ phim mới của đạo diễn Lưu Huỳnh, dự kiến bấm máy vào mùa Thu tới đây. Anh ít thay đổi so với hồi làm 1735 km, quần jeans áo thun, nước da đen giòn, mà có gặp K’Linh ở những sự kiện ra mắt phim hay lễ trao giải thì cũng hiếm thấy anh đóng bộ trang trọng. Anh bảo chỗ của mình là đứng sau máy quay, nên chẳng bao giờ thấy thoải mái khi đến những nơi ồn ào và cần phô diễn.
K'Linh (phải) trên hiện trường
Vào nghề lận đận
* Anh vào nghề quay phim vì thi “chống cháy” khi các trường anh định học là kiến trúc, mỹ thuật đã hết hạn nộp đơn mà anh vẫn mải đi chơi chưa về. Nhưng sẽ khó mà có được vị trí hiện nay nếu anh không đam mê với công việc này. Điều gì đem lại cho anh niềm đam mê?
- Đúng là chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm điện ảnh mà dự định nối nghiệp mẹ, trở thành họa sĩ (mẹ K’Linh là họa sĩ vẽ tranh lụa Hoàng Minh Hằng - PV). Tôi vào học trường sân khấu - điện ảnh hết một năm đầu với tâm thế của kẻ mải chơi, ham vui, cùng với những người bạn cũng rất mải chơi, ham vui khác. Đến năm thứ hai thì bắt đầu thấy có sự gắn bó với công việc này và không còn nghĩ rằng mình học tạm để rồi thi lại vào trường mỹ thuật hay kiến trúc nữa. Học xong cũng lên bờ xuống ruộng với nghề này chứ đâu suôn sẻ gì.
* Anh kể về thời kỳ lên bờ xuống ruộng đó đi.
- Ra trường tôi đi vác máy, phụ quay mãi rồi được quay chính, chủ yếu là quay karaoke, ca nhạc thiếu nhi, cải lương rồi clip cho ca sĩ. Nghĩ mình không thể mãi đi quay những thứ đó, muốn quay phim, tôi xin vào VTV thường trú tại TP.HCM làm ở Ban Văn nghệ. Đang quay chính lại xuống vác máy, chán nản lắm nhưng vẫn cố với hy vọng được quay phim. Làm một thời gian, được lên quay chính nhưng mãi không được quay phim, vì cơ quan thường trú ít làm phim truyền hình lắm, tôi mới xin qua Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS). Lại bắt đầu từ chân vác máy. Rồi sau 3 tháng phụ quay, 9 tháng phó quay, tôi cũng được quay bộ phim đầu tiên. 5 năm ở TFS, cũng được quay phim đều đều nhưng vì một vài chuyện không vui, tôi rời đó. Vậy là trở về con số 0 tròn trĩnh. Đang lúc lao đao, tôi gặp Nguyễn Nghiêm Đăng Tuấn, nhà sản xuất của 1735 km. Tuấn mời tôi quay chính còn tôi thì nghi ngại “anh chưa bao giờ quay phim nhựa đâu”. Tuấn hỏi tôi: “Vậy anh có dám làm không?”. Thế là làm.
* 1735 km đã thất bại ở phòng vé và cũng không được báo chí đánh giá cao. Cảm giác của anh thế nào về đứa con đầu lòng của mình khi ấy?- Nói thật là so với những bộ phim nhảm bây giờ, 1735 km tốt hơn rất nhiều. Tất nhiên nó cũng có những cái còn non nhưng đã được làm rất kỹ. Đây cũng là bộ phim Việt đầu tiên được quay theo kiểu Hollywood, quay nguyên một phân đoạn rồi về cắt lại chứ không quay từng cảnh để tiết kiệm phim. Cách quay này giữ cho diễn viên cảm xúc khi diễn nhưng nó tiêu tốn gấp đôi số phim mà các bộ phim Việt thông thường vẫn sử dụng.
Làm việc với Vân Trang, nữ diễn viên chính của Scandal- Bí mật thảm đỏ
Chưa dám thử với phim 3D
* Sau 1735 km anh bắt đầu có “số má” trong làng điện ảnh khi thực hiện Huyền thoại bất tử, Thiên mệnh anh hùng, được giải Quay phim xuất sắc của 2 kỳ Cánh diều, nhưng lại cũng có Chuông reo là bắn, Lệnh xóa sổ, Tối nay 8h... bị báo chí kêu là “thảm họa”. Tiêu chí lựa chọn phim để quay của anh là gì?
- Thế nào là tiêu chí phim thảm họa và phim siêu phẩm? Tôi nghĩ cái này ở nước ta vẫn còn quá xa vời, còn nói thật thì thị trường phim Việt Nam quá nhỏ nên tất cả những phim tôi nhận quay đều trên mối quan hệ với các đạo diễn, bạn không có sự lựa chọn trong vấn đề này và tôi cùng ê-kíp cũng đã cố gắng hết sức để làm những gì chúng tôi có thể giúp được cho đạo diễn và nhà sản xuất.
* Anh học chung với Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng và ở ngoài đời các anh cũng có quan hệ bạn bè hữu hảo, tại sao anh chưa bao giờ quay phim của họ vậy?
- Chúng tôi là bạn, có thể nói là cũng thân, nhưng chúng tôi có cái nhìn không đồng nhất. Giữa chúng tôi dường như có một thỏa thuận ngầm là không làm việc chung để khỏi bất đồng quan điểm.
* Tôi từng nghe rằng anh làm việc rất “khó chịu”, có phải đó là lý do?
- Tôi làm việc tương đối khó, nếu đạo diễn không thuyết phục được tôi thì họ sẽ rất khó chịu, còn ngược lại thì mọi việc sẽ tốt. Có lẽ cũng chính vì thế nên những người chưa làm việc với tôi thấy rằng tôi rất khó bảo. Mà các đạo diễn thường ngại những người quay phim như vậy.
* Anh lại rất được lòng Victor Vũ, 2 người đã làm chung những dự án quan trọng, như Chuyện tình xa xứ, Giao lộ định mệnh, Thiên mệnh anh hùng, Scandal. Phải chăng vì Victor chấp nhận được sự khó bảo của anh?
- Thật ra thì sự khó bảo hay khắt khe của tôi có cái lý riêng. Các sản phẩm của Việt Nam đều thiếu chuyên nghiệp trong mọi khâu, nếu tôi không khắt khe với khâu của mình thì mọi thứ sẽ vỡ hết. Victor hiểu được tôi nên chúng tôi hợp tác rất tốt. Hầu như tất cả những người đã từng làm việc với tôi không ai khó chịu đâu, từ Đỗ Phú Hải, Lưu Trọng Ninh đến Lưu Huỳnh. Nhưng sự khó chịu của tôi đúng là cũng không hay. Cuối năm ngoái, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh về nước tìm người quay bộ phim mới, anh ấy tìm gặp nhiều người quay phim lắm, và tôi là người cuối cùng. Anh Minh nói rằng trước đó anh không hề muốn gặp tôi vì nghe mọi người nói về tôi rất khó chịu, cho đến khi nghe Victor Vũ nói về tôi.
* Anh và Victor Vũ đã làm được một Thiên mệnh anh hùng với những cảnh quay rất ấn tượng, đến mức được so sánh với... phim Tàu. Các anh có kế hoạch gì với phim 3D không, khi mà Mỹ nhân kế rất thành công về doanh thu?
- Thật ra tôi và Victor đã từng bàn với nhau một dự án 3D nhưng rồi cùng quyết định là thôi. Kỹ thuật xử lý hiệu ứng 3D sau khi quay rất khó, cần phải có chuyên viên kỹ xảo giỏi mới làm được. Điều này không hiện thực với điều kiện Việt Nam. Nếu cố làm mà không tới, sản phẩm đưa ra không đạt chất lượng thì không nên vì xem xong thì mình sẽ tự nhục chứ không chờ bị khán giả hay báo chí lên tiếng. Bây giờ, nếu bất kỳ đạo diễn nào muốn làm phim 3D với tôi, tôi đều khuyên không nên làm vì mình sẽ không kiểm soát được chất lượng.
Muốn có hiệp hội quay phim
* Anh không còn bận rộn quanh năm như trước, mỗi năm làm chỉ 2 phim nhựa là đủ sống thong dong rồi sao?
- Tôi đang sống rất chật vật đấy. Không phải vì tôi chê việc mà vì không ai thuê tôi. Nếu phim nhỏ thì họ không kêu mình mà phim lớn thì họ thuê quay phim nước ngoài. Tôi lưng chừng ở giữa nên không có nhiều việc để làm.
* Sao anh không làm phim truyền hình? Cát-sê quay mỗi tập phim truyền hình cho người thường thường cũng 5-6 triệu rồi.
- Cũng lại không nhà sản xuất nào mời tôi nữa vì nghe giá của tôi là họ bỏ chạy. Mấy năm trước còn có BHD “chịu chơi” thuê tôi quay vài phim như Bà mẹ nhí, Cô gái xấu xí, Thiên thần áo trắng. Nay thì hết luôn rồi.
* Tại sao anh không hạ giá một chút để có việc làm đều đều?
- Đây là một bi kịch của tôi. Phim truyền hình đến nay vẫn giữ nguyên mức chi phí sản xuất của mấy năm trước trong khi vật giá leo thang. Nhà sản xuất lại không cần chất lượng cao quá nên nếu giá của tôi cao thì họ sẽ thuê “lính” của tôi. Mặt khác, tôi không thể hạ giá xuống bằng “lính” của mình để lấy hết việc của họ. Tôi đang làm một việc rất khó khăn là lập ra một hiệp hội cho những người quay phim. Tôi nhận việc về, phân loại theo thang bậc với mức thù lao tương ứng rồi giao cho người có trình độ phù hợp làm.
* Để “làm giá” với nhà sản xuất?
- Không phải vậy. Tôi muốn có một đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp. Ở mình, mọi thứ phát triển không đồng bộ, tôi lập ra hiệp hội này để hướng đến sự đồng bộ. Lứa của chúng tôi coi như bỏ đi rồi, bây giờ cần đầu tư cho lớp trẻ. Khi làm việc theo hiệp hội như vậy, anh em sẽ không bị ép giá thiệt thòi, hiệp hội cũng chỉ trích lại số ít phần trăm để làm quỹ cuối năm cho mọi người đi học thêm những khóa ngắn hạn ở một số nước lân cận như Thái Lan, Philippines...
* Hiệp hội gồm những ai? Làm việc theo tiêu chí nào?
- Hiệp hội quy tụ gần 10 người, toàn là những người trẻ như: Vũ Trung Hiếu (quay phim Cô dâu đại chiến 2), Nguyễn Ngọc Cường (quay phim Cát nóng) và một số anh em khác đang làm phim truyền hình. Trên cơ sở các phim các bạn đã quay cũng như sự tiến bộ hay thụt lùi về mặt nghề, anh em sẽ ngồi lại với nhau bàn bạc và thống nhất phân chia công việc cho phù hợp. Còn hiện nay thì trước mắt ai có việc gì thì nhận và giúp đỡ lẫn nhau.
* Nhận việc theo cách của hội, các anh có bị ít việc đi hoặc bị nhà sản xuất tẩy chay vì “o ép” họ?
- Chắc chắn là có nhiều khó khăn vì nước ta chưa quen cách làm việc theo kiểu nghiệp đoàn như vậy nhưng tất cả đều đồng lòng vượt qua thời gian này. Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ từ một số nhà sản xuất có tâm huyết nhưng cũng có nhà sản xuất khó chịu về chuyện này. Vấn đề ở đây không phải là o ép họ mà là chúng tôi cung cấp nhân lực trên cơ sở năng lực công việc chứ không trên cơ sở mối quan hệ như tình trạng chung hiện nay.
* Nếu lập hội để hướng đến sự chuyên nghiệp, đồng bộ cho đội ngũ quay phim như anh nói thì sự chuyên nghiệp, đồng bộ đó thể hiện ở chỗ nào?
- Đồng bộ ở đây không có nghĩa là chỉ một vài cá nhân mà nó đòi hỏi sự đồng nhất từ mọi thành phần. Mục đích chính của anh em trong hội là trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, người giỏi hơn sẽ giúp đỡ truyền đạt lại kinh nghiệm cho người mới vào nghề, đào tạo anh em nhân viên kỹ thuật đạt tiêu chuẩn và biết cách làm việc khoa học. Và quan trọng nhất là giúp mọi người phát triển tư duy sáng tạo và làm việc nhóm. Sự thành công của một bộ phim là sự đóng góp tập thể trong khuôn khổ kịch bản và ý đồ của người đạo diễn.
* Anh cũng đang tìm bối cảnh cho một dự án mới của Lưu Huỳnh. Nghe phong thanh, Lưu Huỳnh đã chuyển từ dự án phim nghệ thuật sang một dự án có hơi hướng xã hội đen. Anh đánh giá thế nào về sự chuyển hướng này?
- Tôi thấy tiếc cho họ. Họ bị lung lay trong thời buổi điện ảnh thương mại đang thắng thế. Nếu cứ giữ khư khư quan điểm làm nghề, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính nhưng để chuyển hẳn sang làm phim thị trường thì họ lại không đành. Vì thế mà phim của họ cứ lơ lửng ở giữa, không nghệ thuật mà cũng chẳng thương mại.
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất