Kim Ki-Duk: 'Đạo diễn tâm thần', 'quái thai thời đại' hay 'tượng đài điện ảnh Hàn'?

15/09/2012 06:30 GMT+7 | Phim


(TT&VH Cuối Tuần) - Kẻ từng bị báo chí Hàn Quốc gọi là “đạo diễn tâm thần”, “quái thai thời đại”… tiếp tục trở thành “kẻ lập dị” khi đi đôi giày cũ nát lên nhận giải thưởng lớn nhất tại LHP Quốc tế Venice 2012, Sư tử Vàng cho bộ phim mới nhất của ông, Pietà. Pietà bạo liệt, trong đó nhân vật chính làm đảo lộn những điều tưởng như chắc chắn: cái đẹp trở nên xấu xí, cái xấu lại trở thành tuyệt vời, còn Kim vẫn là Kim, với những bộ phim mà đằng sau vẻ ngoài xù xì thô ráp là một bữa tiệc tràn đầy tính nhân văn.

Nếu muốn giải trí trong một buổi tối dễ chịu, đừng tìm đến Kim Ki-duk. Những bộ phim của ông thường tàn nhẫn, gây cảm giác khó chịu, làm rối loạn hệ thần kinh, chống chỉ định cho những người xem phim để ngủ! Nhưng nếu sẵn sàng cho những thử thách tinh thần, muốn lục lại những ký ức được ẩn giấu trong chiếc hộp tinh thần mà lâu rồi không mở ra, muốn nhìn lại mình một cách rõ ràng nhất, hãy xem một cuốn phim của Kim. Phim Kim Ki-Duk luôn tạo ra một thế giới đầy ắp những ẩn dụ kinh người, những đối thoại tối giản, những vai diễn hỗn loạn nhưng logic đến ngạc nhiên…

Đạo diễn Kim Ki-Duk với giải thưởng Sư tử Vàng lần thứ hai trong sự nghiệp...

Một tài năng đi lạc?

36 tuổi Kim mới có bộ phim đầu tay và quãng đời trước đó chẳng dính dáng gì đến điện ảnh.

Sinh ra tại một ngôi làng ở vùng núi Bonghwa, Hàn Quốc, theo cha mẹ lên Seoul khi 9 tuổi, nghịch ngợm và cứng đầu, năm 17 tuổi Kim bỏ học trung học sau khi chứng kiến anh trai mình bị đuổi khỏi trường. Sau đó Kim mài đũng quần trong các xí nghiệp. Tới khi sắp thành một chàng công nhân lành nghề thì Kim quyết định đi lính hải quân. 5 năm trời binh ngũ, sau khi ra quân (1985), Kim quyết định vào… nhà thờ, muốn trở thành linh mục. Nhưng tôn giáo dường như không khóa nổi những cuộc đi của Kim...

Năm 1990 Kim dốc hết tiền đủ mua vé máy bay đi Paris. Chi tiết này làm nhớ đến bộ phim năm 2004 của Kim, Samaritan Girl, khi hai cô gái muốn đi châu Âu cuối cùng phải bán thân để kiếm tiền và rồi ước mơ bị chặt đứt khi một người nhảy lầu tự tử. Kim không tự tử nhưng bế tắc. Nước Pháp đón chàng trai 30 tuổi người Hàn Quốc với vẻ hờ hững. Kim vẽ và bán tranh, nghề nghiệp duy nhất mà ông biết và yêu thích nhất thời điểm đó. Tranh bán lay lắt, cuộc sống đủ trôi, bế tắc vẫn ngập tràn trong lòng và rồi trong một lần cuốn chân đi, Kim lạc vào một rạp chiếu bóng, hôm ấy rạp chiếu bộ phim Sự im lặng của bầy cừu. Đó là bộ phim rạp đầu tiên Kim đi xem và nó khiến ông thay đổi mãi mãi.

... và đôi giày cũ trên thảm đỏ Venice 2012

Không ưa đàn bà

Cuộc đời cho Kim nhiều bài học, như một kẻ chìm xuống đáy hồ nước chỉ mong tợp được vài hớp không khí, Kim luôn đẩy cảm giác ấy vào những bộ phim của mình. Những nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh của Kim toàn những người thấp cổ bé họng, lính trơn, gái điếm, những nhân vật bị gạt ra ngoài lề xã hội, những kẻ bị tước quyền công dân hay những người vẫn còn quyền công dân nhưng không bao giờ được đứng trong hàng ngũ trung lưu hay thượng lưu. Thế giới của Kim dường như chỉ có mỗi ông tạo ra được, để vào được thế giới đó bạn phải gạt bỏ hết mọi thứ bên ngoài…

Kim về nước năm 1993, lao vào viết kịch bản kiếm sống và giành giải thưởng đặc biệt của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho kịch bản Họa sĩ và gã tội phạm bị kết án tử (A Painter And A Criminal Condemned To Death) ngay trong năm này. 3 năm sau, Kim được hãng phim Joyoung bỏ tiền sản xuất bộ phim đầu tay mang tên Crocodile (Cá sấu). Phim kể về một gã đàn ông sống ven bờ sông Hàn ở Seoul một ngày nọ cứu được một phụ nữ đang tìm cách tự vẫn. Cứu sống được người đàn bà đáng thương, gã đàn ông này liên tục lạm dụng và hãm hiếp người này cho đến khi giữa hai người chợt nảy nở tình cảm. Bộ phim không xuất sắc nhưng ở thời điểm đó bắt đầu cho thấy một Kim Ki-Duk “không ưa” đàn bà một cách… thậm tệ. Những người đàn bà trong giai đoạn này của Kim Ki-Duk đều là nạn nhân của những trò tiêu khiển, của những đối xử tàn nhẫn khiến người xem có thể phải dựng tóc gáy...

Poster bộ phim mới nhất của Kim, Pietà trên đường phố Hàn Quốc

Thời điểm ấy, các nhà hoạt động xã hội, những người đòi quyền bình đẳng nam nữ gọi Kim là “đạo diễn tâm thần”, “quái thai thời đại” hay “gã làm phim vô dụng”. Sự việc căng thẳng tới mức Kim từng thề không trả lời báo chí Hàn Quốc nữa! Lời buộc tội nhiều nhất thường nhắm vào The Isle (tựa Việt: Cô lái đò, 1999). Nhân vật chính, một phụ nữ câm, chuyên phục vụ đồ mồi và thức ăn cho dân câu cá tại một bờ hồ. Người đàn bà này phục vụ tất, kể cả thân xác của mình, miễn có tiền. Cho đến một ngày người đàn bà gặp một người thuê lều khá đặc biệt: một gã tội phạm giết người đang trên đường trốn chạy. Họ gặp nhau và từ từ nảy sinh một mối quan hệ kỳ lạ. Kết phim, người đàn ông lên thuyền đi vào bờ, người đàn bà ở lại trên lều ngoài hồ và đã quyết định tự sát khi móc lưỡi câu vào người để chiếc thuyền kéo đi. Kết thúc một cuộc tình, chấm dứt một cuộc đời với những mảng màu bạo liệt…

Bóng tối và sự tàn ác

Từ năm 1997, Kim bắt đầu cho thấy rõ xu hướng làm phim của mình như một liều thuốc cân đo nồng độ phản ứng của xã hội Hàn Quốc thông qua lăng kính cuộc đời của những người nghèo hèn, sống bên lề xã hội. Bóng tối và sự tàn ác là trung tâm của phần lớn tác phẩm và thường gây tranh cãi. Phim của ông lúc nào cũng dính đến tự sát, cảnh phim bị cắt liên tục, nhịp điệu cũng thay đổi, chiến thuật gây sốc có chủ ý. Kim dường như không cần tới sự tinh tế. Cái mà ông thể hiện trong các tác phẩm của mình thật “nhẫn tâm” nhưng là sự thật, rằng sự tàn ác là một phần của bản chất con người và mọi hành động đều để lại hậu quả. Tất cả những bộ phim thời kỳ này của Kim như The Isle, Real Fiction, Address Unknown hay Bad Guy, The Coast Guard (có sự tham gia của Jang Dong-Gun, ngôi sao điện ảnh hàng đầu của Hàn Quốc duy nhất xuất hiện trong phim của Kim) thể hiện rất rõ tư tưởng đó.

Cảnh trong Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring, bộ phim được xem là đánh dấu giai đoạn chuyển mình của Kim Ki-duk và là một trong những tác phẩm hay nhất của điện ảnh Hàn Quốc

Đến khi Spring, Summer, Fall, Winter... And Spring (Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân) ra đời vào năm 2003 thì người ta mới nhìn thấy Kim ở một góc mềm mại hơn. Bộ phim diễn ra trên một cái hồ cách biệt với thế giới bên ngoài, nơi có một vị sư già sống trên một thủy am nhỏ. Vị sư nuôi một chú tiểu và dạy dỗ cậu để trở thành một vị hòa thượng. Người xem nhìn thấy những mùa và năm tháng trôi qua, mỗi mùa tượng trưng cho một giai đoạn khác nhau trong cuộc đời chú tiểu. Phim chậm, không cắt cảnh liên tục. Đây bắt đầu giai đoạn mà Kim “yêu” đàn bà hơn. Spring, Summer, Fall, Winter... And Spring là một gạch nối chuyển tiếp. Tất cả những bộ phim sau đó của Kim: Samaritan Girl, The Bow, Time, Breath, Dream, Arirang, Amen, Pietà đều được đón nhận khắp nơi và đem lại cho Kim rất nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá.

Pietà là bộ phim thứ 4 của Kim Ki-Duk được mời dự tranh tại LHP Venice. Pietà là tên một bức tượng nổi tiếng thời Phục hưng của họa sĩ điêu khắc thiên tài người Ý Michelangelo. Bức tượng mô tả cảnh Đức mẹ Maria ôm lấy thi thể Chúa Jesus khi người được đưa xuống từ cây thánh giá. Phim sử dụng nhiều biểu tượng Thiên Chúa giáo và có nhiều cảnh tình dục nóng bỏng, Ủy ban Phân loại truyền thông Hàn Quốc đã phân loại bộ phim dành cho khán giả trên 19 tuổi.

Cho đến bây giờ bản chất bạo liệt trong phim của Kim vẫn vậy, chỉ là liều lượng đã khác đi. Vẫn là những nhân vật ngoài lề, vẫn có tình dục xếp ngang với tôn giáo, tình yêu đi cạnh cái chết, có những chi tiết đôi khi vượt quá sự cảm nhận thông thường, cho thấy một cách nhìn, một thế giới quan khác lạ của riêng ông.

Trong bộ phim 3-Iron (Căn phòng trống, 2004, giải Sư tư Vàng 2004) Kim làm về một câu chuyện khá thú vị: một anh chàng vô gia cư chuyên sống bằng cách ngủ chui (mở khóa những gia đình mà chủ đi vắng) nhưng anh không bao giờ ăn cắp hoặc làm hư hại bất cứ thứ gì trong nhà. Một ngày nọ anh chàng này vô tình vào một căn nhà có một người đẹp đang ở và người đẹp này đang phải sống một cuộc sống héo hon, dưới sự kìm giữ của ông chồng vũ phu, trong ngôi nhà giàu có nhưng lạnh lẽo. Sự xuất hiện của chàng trai đã làm thay đổi cuộc đời người đàn bà đẹp. Cô theo anh đi dán những tờ rơi lên các ổ khóa và sống trong các căn nhà khác nhau. Cho đến khi, họ bước vào căn hộ có người chết và bị bắt. Cuối phim, khi chàng trai vào tù, cô gái về lại với người chồng vũ phu, lúc này Kim Ki-Duk nhẹ nhàng đưa một dòng chữ ngắn lên phim “Chẳng ai biết cuộc đời này là thật hay mộng”. Chỉ một dòng chữ mà nói được cả bộ phim. Người ta bảo ông đã làm một bộ phim đích thực là phim không phải để liên tưởng đến xúc giác hay cảm giác. Ông làm phim để người xem phải nghĩ về cuộc đời và kinh hãi trước những bi kịch tự nó sinh ra.

“Khi tôi làm Pietà, tôi nghĩ rằng tất cả những ai sống trong thế giới hiện đại này đều là những người cần phải chờ đợi lòng khoan dung của Chúa. Thế giới hiện đại hoàn toàn hỗn loạn vì các mối quan hệ của con người đã trở nên rối tung vì tiền bạc. Ở quy mô lớn, có những cuộc chiến tranh, và ở quy mô nhỏ chúng ta có những cuộc xung đột lẻ tẻ về tiền bạc và quyền lực. Tất cả những tình huống đó đều xảy ra vì tiền. Nhưng Pietà không chỉ nói về các vấn đề thời sự. Nó còn nói về gia đình và thù hận, về tiền bạc và các mối quan hệ. Khía cạnh quan trọng nhất của Pietà là khi mọi người được kết nối với nhau như một mạng nhện trong xã hội hiện đại, thì tất cả chúng ta đều là những kẻ đồng lõa trong chuyện này. Đó là một dấu hiệu cảnh báo, một sự tự miêu tả về bản thân chúng ta khi chúng ta càng ngày càng lún sâu vào một xã hội thiên về tiền bạc, hết sức xem trọng lợi nhuận. Chúng ta đang trở nên tàn ác hơn và niềm tin giữa mọi người với nhau đang biến mất nhanh chóng. Điều này khiến Pietà nghe có vẻ là một câu chuyện rất phức tạp nhưng tôi chỉ muốn đặt vào bộ phim vào ý tưởng “Lạy Chúa, xin người hãy khoan dung cho chúng con” - Kim Ki-Duk

Nguyên Minh - Kinh Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm