Kiệt tác nghệ thuật phương Tây ào ạt chảy về Trung Quốc

02/12/2013 12:15 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Một bức tranh chân dung của Rembrandt trị giá 50 triệu USD nằm ở một vị trí trang trọng trong một khách sạn ở Bắc Kinh, xung quanh là các họa phẩm của Picasso và Renoir. Chúng thực tế không thuộc về cuộc triển lãm quy mô nào mà nằm trong khuôn khổ một hoạt động đấu giá tư nhân.

Các bức tranh kể trên thuộc về một cuộc triển lãm tư nhân phục vụ đấu giá do hãng đấu giá quốc tế Sotheby's tổ chức, đã kéo dài tới tận ngày 1/12.

Những bức tranh không phải ai cũng mua được

Cuộc đấu giá còn gồm các bức tranh của Chagall, Toulouse-Lautrec và Delacroix, bên cạnh nhiều tranh quý khác. Ngoại trừ bức Portrait of a Man with Arms Akimbo của Rembrandt, vẽ năm 1658, mức giá của các bức tranh khác không được nêu ra. Tuy nhiên chắc chắn chúng phải nằm trong hạng mục các bức tranh mà "nếu bạn phải hỏi giá, có nghĩa bạn không đủ tiền mua".

Một người yêu nghệ thuật Trung Quốc ngắm kiệt tác Portrait of a Man with Arms Akimbo của Rembrandt
Nhờ thế mạnh tài chính từ một nền kinh tế tăng trưởng nóng, các nhà sưu tập Trung Quốc đã khiến giá các di sản văn hóa của nước này tăng giá không ngừng. Giờ họ đã hướng sự quan tâm tới cả các sản phẩm văn hóa phương Tây.

"Những gì chúng tôi chứng kiến được trong 5 năm qua là có rất nhiều người châu Á hứng thú với nghệ thuật phương Tây. Hoạt động mua sắm tác phẩm nghệ thuật phương Tây của người mua Trung Quốc đã tăng tới 500%" - Patti Wong, chủ tịch Sotheby's Châu Á cho AFP biết - "Khi ngày càng có nhiều người Trung Quốc tới xem các cuộc triển lãm và họ có khả năng ra nước ngoài nhiều hơn, mối quan tâm của họ chắc chắn sẽ mở rộng thêm. Theo thời gian, thị hiếu của họ trở nên đa dạng hơn, mở rộng ra quy mô quốc tế".

Hàng loạt kiệt tác đổ tới Trung Quốc

Sotheby's đã thiết lập liên kết với một công ty nghệ thuật thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc là GeHua Art. Hoạt động hợp tác nhằm mở cánh cửa tiến vào thị trường nghệ thuật ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong khi đó, đối thủ của Sotheby's là Christie's đã tổ chức cuộc đấu giá độc lập đầu tiên ở Trung Quốc đại lục trong tháng 9.

Cuộc đấu giá diễn ra sau khi chủ sở hữu Christie's là tỷ phú người Pháp Francois Pinault, tặng 2 bức tượng đầu con giáp bị cướp từ Di Hòa Viên ở Bắc Kinh trong năm 1980 về cho nhà chức trách Trung Quốc. Các bức tượng này lâu nay đã là biểu tượng về sự cướp phá của phương Tây với di sản văn hóa Trung Quốc.

Cho dù có bán được các bức tranh trên hay không, Sotheby's tin rằng chỉ riêng việc mở được cuộc triển lãm bán tranh đã là một sự thành công. "Việc chúng tôi không nhận được phản ứng tức thời cũng không có vấn đề gì. Nhưng anh thấy rằng đã có những mối quan tâm xuất hiện và không sớm thì muộn, những người mua đó sẽ tới các phòng bán hàng của chúng tôi ở London và New York" - Wong nói.\

Một số người tới triển lãm của Sotheby's hoàn toàn chỉ vì mục đích nghệ thuật. "Trước kia để ngắm các kiệt tác này, chúng tôi phải ra nước ngoài" - một người xem tranh tên Hou Jie nói - "Chúng tôi phải tới Paris và những nơi như điện Louvre. Giờ tôi nghĩ dạng triển lãm này sẽ giúp người Bắc Kinh nói riêng, người Trung Quốc đại lục nói chung, hiểu hơn về nghệ thuật phương Tây.

Nhưng Nancy Murphy, một chuyên gia về thị trường nghệ thuật Trung Quốc, nói rằng các nhà đấu giá chỉ có động lực thu lời, chứ không có mục đích giáo dục về văn hóa. "Tôi đã chứng kiến người Trung Quốc ở Bắc Kinh xêp hàng nhiều giờ để vào xem triển lãm các tác phẩm nghệ thuật phương Tây lớn trong các cuộc trưng bày ở nhiều triển lãm và bảo tàng. Người ta thực sự có nhu cầu nhìn ngắm các tác phẩm nguyên gốc và Christie's cùng Sotheby's có thể tận dụng việc này để thu lời" - Murphy nói.

Những bức tranh quý khiến người ta tưởng chúng thuộc một cuộc triển lãm quy mô, thay vì một cuộc mua bán

Làn sóng mua tranh, nhưng không cần hiểu về nghệ thuật

Hồi tháng 11 năm nay, người giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin đã mua bức Claude and Paloma Picasso vẽ năm 1950 với giá 28 triệu USD trong một cuộc đấu giá ở New York. Wang, người được Forbes ước tính có gia sản khoảng 14 tỷ USD, gần đây cũng có nhiều động thái gây chú ý khác trong giới văn hóa nghệ thuật Trung Quốc.

Ông đã có trong tay các tác phẩm do nhiều nghệ sĩ hiện đại Trung Quốc vẽ. Việc thêm một bức tranh Picasso lên tường của ông nằm trong xu thế rộng hơn, giống nhiều nhà sưu tầm Trung Quốc khác đang thêm các bức tranh tầm vóc quốc tế vào bộ sưu tập của họ.

Nhưng những mối quan hệ như thế thường không phải lúc nào cũng vui vẻ. Làn sóng mua sắm ồ ạt các tác phẩm phương Tây như thế đã từng xảy ra ở châu Á, lần trước đó là ở Nhật Bản, trong những năm 1980. Làn sóng này lên tới đỉnh điểm vào năm 1990, khi trùm giấy người Nhật Ryoei Saito mua bức Portrait of Dr Gachet của Van Gogh với giá 82,5 triệu USD và bức Bal du Moulin de la Galette của Renoir với giá 78,1 triệu USD. Ông đã khiến giới nghệ thuật thế giới tức giận khi tuyên bố sẽ đặt các bức tranh này trong quan tài của mình và hỏa táng khi qua đời.

Gu Xunming, một cựu họa sĩ giờ làm việc cho một bảo tàng nghệ thuật Bắc Kinh đã đứng đóng đinh trước các bức tranh được triển lãm ở Bắc Kinh. "Tôi nghĩ những người muốn mua các bức tranh nhất đều là nghệ sĩ đích thực. Nhưng dù muốn tới đâu, họ cũng chẳng có tiền mua" - ông nói - "Người mua tranh đều giàu có, nhưng không nhất thiết phải hiểu về nghệ thuật. Đây là xu hướng hiện nay ở Trung Quốc".

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm