Không còn chuyện 'của chùa mất một đền mười'

04/12/2013 07:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thu hút tối đa sự chú ý của dư luận, những sai phạm tại chùa Chân Long (Hà Nội) một lần nữa đặt ra câu hỏi: vì sao, giữa xã hội hiện đại, di tích đền chùa lại dễ dàng bị xâm phạm đến vậy?

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, các di tích Phật giáo luôn có cấu trúc mở, thân thiện với cộng đồng, thật sự nhận về sự ngưỡng vọng của nhân dân - mà câu khẩu ngữ “của chùa mất một đền mười” là minh chứng điển hình. Thế nhưng, trong sự vận động mới của xã hội, cấu trúc mở ấy bỗng trở thành điểm yếu nhất để xảy ra các câu chuyện lùm xùm, khi vai trò “chủ nhân trực tiếp” quản lý chùa không được phân định rõ ràng. 

Chuyện “vứt tượng cổ, đúc tượng mình” của sư trụ trì Thích Minh Phượng tại chùa Chân Long (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) - cũng như hàng loạt câu chuyện trong cả chục năm nay về mất cắp tượng cổ, quản lý tiền công đức hoặc tự ý cơi nới, chỉnh sửa trái phép di tích thừa tự… - là những hệ quả của vấn đề ấy.


Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền


Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật VN) trao đổi với TT&VH Cuối tuần. Anh nói:

- Trong lịch sử, hầu hết các ngôi chùa đều được cộng đồng tạo dựng trên làng xã của mình và cung tiến các hiện vật theo thời gian - chứ không phải người tu hành nào bỏ tiền ra xây cả. Người tu hành khi đó đóng vai trò đại diện tôn giáo, truyền bá giáo lý, dẫn dắt người dân thụ hưởng các giá trị tâm linh. Với ngôi chùa, nhà tu hành có thể coi là đại diện của cộng đồng để quản lý tài sản đó, nhưng không bao giờ có quyền coi đó là sở hữu riêng của mình.

Trong chiều dài lịch sử, cuộc sống tại chùa chiền gắn với sự thanh đạm, khổ hạnh của các vị chân tu. Nhưng trong giai đoạn hiện tại, cách nhìn về hệ thống cơ sở vật chất tại chùa đã thay đổi nhiều, với những giá trị cụ thể về cổ vật tại chùa, hoặc những giá trị tiềm năng về tiền công đức… Bởi thế, trong sự lỏng lẻo, nhiều nhà tu hành mặc nhiên cho mình cái quyền coi cơ sở thờ tự là sở hữu của riêng mình.

Tất nhiên, để câu chuyện ở chùa Chân Long xảy ra một cách ngang nhiên như vậy, việc đầu tiên phải nhắc tới là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhưng, cái khó hiện nay là những hệ thống cơ sở thờ tự là tài sản của nhân dân - hoặc rộng hơn là tài sản của quốc gia - nhưng lại không có sự chi phối của một hệ thống văn bản dưới luật nào để xử phạt hoặc quản lý thật chặt chẽ cả. Nói rộng ra, đây còn là chuyện về văn hóa và ý thức của cộng đồng nữa, khi một lượng của cải vật chất rất lớn vẫn được đổ vào chùa hàng năm và trở thành cám dỗ lớn với một số người.

* Anh có thể nói cụ thể hơn?

- Nếu nói câu chuyện xảy ra tại chùa Chân Long là sự xuống cấp về đạo đức thì chưa đủ. Về bản chất, đó là việc lợi dụng hoạt động thờ tự để trục lợi. Thực tế, đây là điều xuất hiện rất nhiều  trong cuộc sống hiện nay: Tôn giáo, tín ngưỡng bị bóp méo và hiểu sai không chỉ ở những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự mà còn từ chính chúng ta nữa.

Có thể hiểu thế này: là một tôn giáo lớn trên thế giới với tư tưởng triết học, giáo lý rất chặt chẽ, Phật giáo tưởng như cao siêu nhưng lại trong sáng và dễ hiểu. Vắn tắt, đây là một kho tàng tri thức dạy con người ta tu tâm hướng thiện, không được vụ lợi và hy sinh vì cộng đồng. Căn cứ vào giáo lý tốt đẹp ấy thì không thể có chuyện cả phía nhà sư, lẫn người đi chùa dùng nó để trục lợi được. Bởi Phật giáo với thuyết nhân quả/luân hồi vĩ đại của nó dạy con người ta phải tu tâm sửa tính, gieo nhân nào thì nhận quả ấy về mình, không hề có chuyện “phù hộ”, xin/cho dân dã…

Chúng ta thì sao? Rất nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa một tôn giáo như Phật giáo với tín ngưỡng dân gian nguyên thủy, vẫn hướng về đó để cầu phúc lợi cho mình với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Đơn cử như chuyện nườm nượp đổ lên chùa để cúng sao giải hạn vào ngày rằm tháng Giêng chẳng hạn. Đạo Phật dạy người ta gieo nhân tốt mới có quả tốt, chứ sao thay đổi được số phận qua một lễ cúng vài trăm ngàn đồng? Tôi khẳng định trong giáo lý Phật giáo không hề có điều ấy. Nhưng trong giai đoạn này, khi mọi thứ trở nên hỗn loạn, con người ta ngày càng có xu hướng nườm nượp đổ về chùa với tâm thức sai lầm này.

Thế nhưng ở rất nhiều nơi, các cơ sở thờ tự lại đứng ra tổ chức dâng sao giải hạn hay cầu siêu cho vong… như một dịch vụ thương mại thật sự. Chưa kể tới chuyện tiền công đức hiện giờ vẫn chưa có một cơ chế chặt chẽ để quản lý, nghiễm nhiên được coi như tài sản của cá nhân người trông coi. Từ đó, chuyện đi ô tô, dùng điện thoại di động xịn, sống xa hoa… như trường hợp nhà sư chùa Chân Long cũng không phải cá biệt. Thậm chí việc diêm dúa hóa, tu bổ bừa bãi kiến trúc của chùa cho hoành tráng, bắt mắt hơn cũng không đúng với giáo lý nhà Phật, chưa kể việc bất chấp Luật Di sản quốc gia…


Những di tích chùa chiền như chùa Chân Long không hề là tài sản riêng của người tu hành

* Có thể giải thích rằng những chuyện như vậy xuất hiện ngày càng nhiều từ khi kinh tế thị trường phát triển...?

- Từ giai đoạn cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỷ XX, học giả Phan Kế Bính đã ghi lại trong cuốn Việt Nam phong tục khá rõ về cảnh buôn thần bán thánh cùng với tâm lý mê muội, bảo gì làm ấy mà không hiểu gì về đạo Phật của cộng đồng.

Còn thời nay, dân số đông hơn, kinh tế phát triển mạnh hơn, truyền thông sôi động hơn nên chúng ta được nghe nói nhiều hơn về những câu chuyện ấy. Tất nhiên, khi xã hội phát triển quá nhanh, con người cũng dễ rơi vào trạng thái mất niềm tin và có nhu cầu khỏa lấp sự yếu đuối tinh thần của mình.

Điều mà tôi muốn lưu ý là việc chúng ta phục dựng lại các hệ thống di sản văn hóa từ thời mở cửa. Bên cạnh mặt tích cực cũng có những phục dựng quá đà, làm sống dậy tính vụ lợi, thực dụng trong tín ngưỡng nguyên thủy của con người cổ xưa. Điều đó tạo nên sự pha tạp hổ lốn, làm mất đi bản chất nhân văn tốt đẹp sẵn có của tôn giáo và tín ngưỡng.

* Vậy, chúng ta có những biện pháp khẩn thiết nào để khắc phục được điều này không, theo anh?

- Trước tiên, chúng ta cần xác định rõ đạo Phật dạy con người tu tâm hướng thiện, không phải là nơi để người ta tới cầu xin phù hộ kiểu cúng nhiều/hưởng lợi nhiều... Mong muốn mọi chuyện thay đổi trong một sớm một chiều là rất khó. Hiện tại, văn hóa và ý thức của khách hành hương, cũng như của một bộ phận sư trụ trì đang đi ngược với giáo lý căn bản. Và, thật khó có thể bắt họ dừng ngay không bị cuốn theo dòng chảy vụ lợi tâm linh này.

Bởi vậy, cái cần nhất bây giờ vẫn là một hệ thống văn bản dưới luật về việc quản lý di sản tại các cơ sở thừa tự, quản lý tiền công đức, và xử lý các trường hợp cung tiến lố lăng, không hợp lý tại chùa. Thậm chí, Giáo hội Phật giáo cũng cần có kỷ luật nghiêm minh, thậm chí cần cho hoàn tục những nhà sư phạm giới để bảo vệ đạo pháp. Chúng ta phải thực hiện những điều ấy trong một thời gian dài.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.


Vụ việc chùa Chân Long bắt đầu từ tháng 11/2013, khi các hộ dân tại Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) phản ánh việc sư trụ trì Thích Minh Phượng tự ý thay pho tượng cổ tại đây bằng một pho tượng mới có... khuôn mặt giống mình. Tiếp đó là hàng loạt thông tin khác về việc sư Phượng tự ý chặt hạ các cây cổ thụ trong khuôn viên chùa, sử dụng ô tô đắt tiền và các vật dụng xa hoa, từng uống bia rượu và hành hung người khác.

Bước đầu, trong cuộc họp báo ngày 14/11, đại diện cơ quan quản lý tại Thạch Thất đã xác nhận một số sai phạm đang xảy ra tại chùa Chân Long là có thật. Sở VH,TT&DL Hà Nội hiện đang yêu cầu các cơ quan địa phương kiểm điểm về việc này, đồng thời điều tra tiếp các sai phạm để có biện pháp xử lý phù hợp.


Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm