Không bất ngờ, "Mùi cỏ cháy" đi Oscar

26/09/2012 07:12 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Gần 20 phim đủ điều kiện đã được Cục Điện ảnh gửi thư mời tham gia vòng tuyển chọn phim Việt dự tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Oscar 2013. 2 phim gửi hồ sơ tham dự. Và cuối cùng, vượt qua Cưới ngay kẻo lỡ, Mùi cỏ cháy chính thức trở thành đại diện của điện ảnh Việt tại giải thưởng danh giá - Oscar lần thứ 85.

Từ Oscar 2006, Việt Nam chính thức nhận được thư mời tham dự tranh giải ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”. Năm 2007, Bộ VH,TT&DL cũng ban hành Quy chế tuyển chọn phim tham dự giải thưởng Oscar. Từ đó, thông lệ hàng năm, trước ngày 1/10, Việt Nam đều chọn ra ứng viên tranh Bức tượng vàng danh giá này.

Cuộc đua… không gay cấn

Thông tin từ Cục Điện ảnh cho biết, năm nay có gần 20 phim Việt đủ điều kiện trở thành ứng viên tranh giải tại Oscar 2013 (được chiếu thương mại ít nhất 7 ngày tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1/10 của năm trước đến 30/9 của năm sau). Theo tìm hiểu riêng của TT&VH, vòng đua chính thức có 2 ứng viên là Cưới ngay kẻo lỡ (bộ phim thứ ba của Charlie Nguyễn sau Để Mai tính Long ruồi, ra mắt tháng 4/2012) và Mùi cỏ cháy (Công ty TNHH Một thành viên Phim truyện VN sản xuất, biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn: Hữu Mười).

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nhận giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 17

Nếu như “cuộc đua” ở vòng tuyển chọn năm ngoái, 3 ứng viên được xem là “ngang ngửa” gồm: Long thành cầm giả ca, Khát Vọng Thăng LongCánh đồng bất tận, thì vòng tuyển chọn năm nay… không gay cấn lắm. Cưới ngay kẻo lỡ là bộ phim giải trí nhẹ nhàng giống như hai tác phẩm trước của Charlie Nguyễn. Dù trở thành “hiện tượng” phòng vé mùa phim Hè vừa qua, thì Cưới ngay kẻo lỡ vẫn bị mang tiếng… hài nhảm kiểu Hong Kong.

Trong khi đó, Mùi cỏ cháy có một “bảng vàng” thành tích: Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (không có Bông sen Vàng); Cánh diều Vàng 2011… Mùi cỏ cháy cũng là bộ phim hiếm hoi gắn “mác” phim nhà nước có độ “phủ sóng” rộng với 35 bản phim nhựa được in ra và lần lượt chiếu tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Tâm hồn mẹ - một phim khác của Công ty TNHH Một thành viên Phim truyện VN – cũng đã được đơn vị sản xuất tính tới trong quá trình chọn phim. Tuy nhiên, giống như trường hợp của Rừng đen trước kia, Tâm hồn mẹ bị mắc vì chưa chiếu thương mại.

Hơn nữa, chiểu theo tiêu chuẩn trong Quy chế tuyển chọn phim tham dự giải thưởng Oscar, gồm: Phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc và có những tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện; Đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, sử dụng thời thoại gốc chủ yếu bằng tiếng Việt… thì rõ ràng, Mùi cỏ cháy có rất nhiều lợi thế. Thực tế, trong cuộc chấm chọn của Hội đồng tuyển chọn phim tham dự giải Oscar nhiệm kỳ 2012-2014 diễn ra hôm qua (25/9), Mùi cỏ cháy đã giành điểm rất cao.

Cảnh phim Mùi cỏ cháy

Biên kịch Hoàng Nhuận Cầm: Tin ở thông điệp nhân văn

Như vậy là trước Mùi cỏ cháy, điện ảnh Việt đã từng có những đại diện: Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Đừng đốtKhát vọng Thăng Long được gửi tham dự Oscar. Sau bộ phim dựa theo cuốn nhật ký chiến trường của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, lần này đến lượt phim về 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường tại Thành cổ Quảng Trị và hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc “đi” Oscar.

Chia sẻ cảm xúc khi vừa nhận tin vui này, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cho biết, ông rất vui và xúc động. “Tôi ký tên là biên kịch, nhưng câu chuyện của Mùi cỏ cháy được biết bởi cả một thế hệ thanh niên tình nguyện xếp bút nghiên để lên đường chiến đấu vì Tổ quốc, trong đó có Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn, Hoàng Thượng Lân... Người tôi muốn chia sẻ tin vui này đầu tiên chính là những đồng đội đã không bao giờ trở về ấy. Sau khi nhận được tin báo từ một người bạn, tôi đã gọi điện cho anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là anh Nguyễn Văn Thục. Thực sự, tôi rất xúc động. Phim dù có được giải hay không với tôi không còn là điều quan trọng nữa, bởi chân dung một thế hệ sẵn sàng hy sinh, đặt Tổ quốc lên trên hết đã không chỉ xuất hiện ở trong nước mà còn trong mắt bạn bè quốc tế” – nhà thơ – biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nói thêm.

Với Hoàng Nhuận Cầm, bất cứ bộ phim nào, về số phận đất nước hay gia đình thì cốt lõi là chất nhân văn. “Chất nhân văn trong Mùi có cháy thấm đẫm từ đầu đến cuối. Cái này tôi không nghĩ ra được. Mà đó chính là từ mong muốn của thế hệ chúng tôi rằng người nào trở về được thì hãy kể lại câu chuyện này… Câu chuyện đã được kể, không chỉ cho chúng tôi mà cho những thế hệ sau này. Tôi nghĩ rằng, đi tận cùng của dân tộc sẽ gặp nhân loại. Những bộ phim của bạn bè quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ba Lan, Nga… cũng thế. Khi họ đi đến tận cùng dân tộc họ thì nó cũng thấm đẫm trong trái tim tôi. Bài ca người lính ấn tượng với tôi ghê gớm lắm. Vì thế chất nhân văn trong Mùi cỏ cháy có thể sẽ là cầu nối duy nhất, ngắn nhất để nối những trái tim với trái tim” – biên kịch nói.

Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm