Khi nhà văn tự... PR cho tác phẩm

19/03/2013 07:49 GMT+7 | Đọc - Xem

Không muốn "đứa con tinh thần" của mình bị "chết yểu", thời gian gần đây, các nhà văn, đặc biệt là các cây bút trẻ, đã khá sáng tạo trong cách giới thiệu tác phẩm của mình.

Không chỉ đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng để buổi ra mắt ghi dấu ấn tới độc giả, mà họ còn có xu hướng biến cuộc "PR" sách thành một không gian văn hóa độc đáo.



Khi nhà văn tự... PR cho tác phẩm Nhà thơ Vi Thùy Linh chia sẻ về hai cuốn sách mới và đêm diễn "Bay cùng ViLi".


Hình thức mời tác giả cùng một vài nhà nghiên cứu, phê bình đến nói chuyện về tác phẩm của những cuộc ra mắt sách mới do các đơn vị phát hành thực hiện, đã trở thành lối mòn và khó để lại dấu ấn.

Thế nên, khoảng một năm trở lại đây, các nhà văn đã chủ động, tự mở ra các cuộc PR cho tác phẩm, tìm con đường ngắn nhất cho tác phẩm đến được với bạn đọc.

"Ngoạn mục" nhất phải kể đến cuộc ra mắt 2 tác phẩm "ViLi&Paris" và "ViLi tùy bút" mang tên "Bay cùng ViLi" của Vi Thùy Linh tại Nhà hát Lớn Hà Nội cuối năm ngoái. Để có được "bữa tiệc liên hoàn" này, ViLi đã mất cả năm trời chuẩn bị kinh phí, mời các nghệ sĩ nổi tiếng, luyện tập các tiết mục…

Nỗ lực của nhà văn "dệt tầm gai" đã được đền đáp xứng đáng khi chương trình được đánh giá là độc đáo, xúc động và hội tụ được nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn.

Khác với ViLi, nhà văn Đặng Thân không kết hợp văn xuôi với kịch hay âm nhạc. Anh trình làng tiểu thuyết "3.3.3.9 (Những mảnh hồn trần)" bằng cách độc thoại nội tâm kết hợp với phê bình văn học (do nhà phê bình Lã Nguyên phụ trách) và bút thoại thư pháp (do nhà thư pháp Trịnh Tuấn trình diễn).

Buổi trình diễn này được làng văn coi như một cuộc chơi văn chương chưa từng có. Việc Đặng Thân "sân khấu hóa" tâm tưởng của mình khi viết cuốn tiểu thuyết đã giới thiệu cho công chúng một hình thức trình diễn văn chương mới.

Thậm chí, sau buổi ra mắt sách của Đặng Thân, nhiều người trong giới văn chương còn cho rằng, có thể dùng hình thức này cho tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Trần Dần, Lê Đạt...

Cách đây không lâu, trong một không gian nhỏ bé của quán café Trung Nguyên (số 3 Ngô Quyền, Hà Nội), "Adam & Eva" của Di Li đã trình làng ấn tượng bằng cách phá môtíp truyền thống của một buổi họp báo. Khách mời của buổi giới thiệu sách chủ yếu là chủ nhân các trang mạng xã hội như: Facebook, Wordpress, Blogspot, Google+, Tamtay.vn... và các web cá nhân hạng "hot".

Có người đã gọi đây là cuộc gặp mặt của những tay "chém gió" chuyên nghiệp. Thế nên, những câu chuyện vui, triết lý, bí mật và cả chuyện hậu trường xung quanh cuốn sách đã được chia sẻ một cách cởi mở, vui tươi.

Ngược lại với sự ồn ã mang tính thời thượng này, buổi ra mắt tập thơ "Một thời tôi từng có" tại Thư viện Hà Nội của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng lại cho người ta thấy sứ mệnh của nhà thơ là thức tỉnh lương tâm, tình yêu và lòng trắc ẩn nơi con người.

 Người yêu thơ và bạn cũ của tác giả đến chật kín khán phòng, cùng nhau hát những ca khúc về nước Nga thể hiện niềm tự hào về thời thanh niên tươi đẹp.

Một người bạn của nhà thơ đã không giấu nổi sự xúc động: "Nguyễn Huy Hoàng viết "Một thời tôi từng có", đó cũng là một thời chúng tôi từng có". Và "khép mình" lại để trở thành nơi gặp gỡ của những người yêu văn chương, chia sẻ về chủ đề cùng quan tâm, cũng là một sự phá cách.

PGS TS Văn Giá cũng chọn cách này khi "bí mật" tổ chức buổi ra mắt tập chân dung - tiểu luận, phê bình "Người khác và tôi" tại Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa. Ông chỉ mời một số ít bạn bè đến để chia sẻ cảm nghĩ, không treo phông bạt rùm beng, đơn giản là gặp bạn và tặng sách…

Vậy là, dù ở Nhà hát Lớn hay một góc nhỏ trong quán cà phê thì những người cầm bút đều đã dụng công để tạo được không gian văn hóa của riêng mình. Đó không chỉ thể hiện nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của các nhà văn mà còn tạo ra "mắt xích" quan trọng gắn kết công chúng với văn chương.

Theo KTĐT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm