Khi Nguyễn Huy Thiệp vẽ

16/06/2013 13:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả Tướng về hưu tiếp khách đến nhà bằng bộ chén trà đựng trên chiếc đĩa gốm do chính ông vẽ trang trí bằng men xanh. Trong hình vẽ một con chim đậu ngoài cửa sổ, ghi dòng chữ “Kỷ niệm nhà hàng Hoa Ban 1997”.

“Tôi vẽ bức này trong một hôm vắng khách. Vẽ trên gốm có cái hay là lúc nào cũng trông như mới” – ông nói. Bức vẽ năm 1997 gắn với ký ức về nhà hàng Hoa Ban ở Gia Lâm, Hà Nội, nơi nhà văn từng làm chủ trong 6 năm trời cho đến khi phải đóng cửa.


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Mi Ly.

Vừa là hàng hóa, vừa là trò chơi văn hóa

Hầu hết những bức vẽ trên gốm khác của Nguyễn Huy Thiệp đều chứa đựng những câu chuyện riêng rất ý nghĩa với bản thân ông. Ông bắt đầu vẽ từ hơn 20 năm trước, khoảng năm 1991-1992, ở làng gốm Bát Tràng vì: “Hồi đó tôi cũng phải sống”. Vẽ gốm và làm việc trong lò gốm từng là nghề kiếm sống của tác giả Tướng về hưu, sau này trở thành một thứ nửa kiếm sống, nửa thú chơi. Còn qua cách nhà văn tự diễn đạt thì “vừa là hàng hóa, vừa là trò chơi văn hóa”.

“Tôi không phải là họa sĩ” – ông nói. “Đây chỉ là một số đĩa gốm vẽ khi nhàn rỗi, gọi là tranh người ta cười cho. Cũng có một số bức không bán vì đã có người chọn và trả giá hữu nghị để động viên”. Mức giá “hữu nghị” đó từng có lúc lên đến 2.000 USD cho một chiếc bình gốm cỡ lớn, trên đó, nhà văn vẽ các thế võ Sumo. Khách mua là người nước ngoài.

Trước đây, Nguyễn Huy Thiệp thỉnh thoảng vẽ trên bình gốm cao bằng người thật, chủ đề là các tích Tam quốc hoặc các ông tướng. Trong phòng khách nhà ông hiện vẫn đặt một chiếc bình như vậy, vẽ hình một ông tướng do chính nhà văn tưởng tượng ra (từ sau truyện ngắn Tướng về hưu năm 1987, nhiều chuyện trong đời ông cứ gắn với chữ “tướng”).

Nhưng, các sản phẩm gốm cỡ lớn khiến nhà văn tốn khá nhiều sức lực khi vẽ và công sức vận chuyển (từ làng gốm Bát Tràng ở ngoại thành về đến nhà ông ở phố Bùi Xương Trạch, Hà Nội). Hiện Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu vẽ trên đĩa gốm. Đến nay, số lượng bức vẽ trên gốm của ông đã lên đến hàng nghìn.

Nếu nói là một thú chơi thì thú chơi này không rẻ chút nào. “Ở Bát Tràng, cứ động đến cái gì là đều phải tiền cả ấy mà” – ông cười. Nhà văn mua hàng trăm cái đĩa mộc chưa tráng men từ Bát Tràng, vẽ xong, lại vận chuyển về Bát Tràng để cho vào lò nung, đợi khoảng 2, 3 ngày lại đi lấy đĩa về. Nhưng thế là vẫn còn nhanh, vì ngày nay người ta đã dùng lò ga để in, còn ngày trước khi dùng lò than, thời gian đợi đĩa tráng men là hàng tuần lễ.



Bức vẽ của Nguyễn Huy Thiệp mô phỏng bìa bản dịch tiếng Pháp tuyển tập Tội ác, tình yêu và trừng phạt của ông. (Dưới) Một số bức vẽ chân dung của Nguyễn Huy Thiệp về Tagore, Bùi Giáng.

Những nét vẽ chứ a đựng suy tưởng

Nguyễn Huy Thiệp bảo, bức vẽ gốm hoàn thành nhờ “50% sức người, 50% sức giời”, vì sau khi tráng men, đường nét trên bức vẽ gốc trên đĩa mộc luôn thay đổi do kích thước đĩa bị thu nhỏ.

Những bức vẽ của ông có thể coi là “độc bản”, có thể vẽ cùng một vật thể nhưng mỗi bức có một sắc thái khác nhau, tùy vào tâm trạng của ông khi vẽ. Đó là kiểu làm nghệ sĩ, khác với nghệ nhân gốm khi đau ốm hay khỏe mạnh đều phải vẽ không sai khác. Ông không làm được như họ, có lẽ đó là lý do ông “thất bại” trong nghề vẽ gốm, như chính ông thừa nhận, không phải là nghệ nhân, mà chỉ là nhà văn vẽ.

Nếu nói là “nhà văn vẽ” thì có hai cách hiểu: nhà văn vẽ không thể có sự chuyên nghiệp như họa sĩ, nhưng vì là nhà văn nên các bức vẽ lại đậm chất văn chương và suy tưởng, đặc biệt là họa nhiều trích dẫn hay. “Bạn hãy đấm vào trái tim bạn đi vì đó là chỗ của thiên tài” – ông viết vào mặt sau của chiếc đĩa vẽ Charlie Chaplin và bảo đó là một trong những danh ngôn ông đã đọc và không thể nào quên.

Chủ đề của Nguyễn Huy Thiệp thì nhiều: các vĩ nhân (ông tự hào giới thiệu chiếc đĩa vẽ Tagore, Charlie Chaplin), các bạn văn nghệ sĩ (Văn Cao, Tô Hoài, Trần Đăng Khoa, Lê Lựu, Bảo Ninh… đều đã là nhân vật của ông), vẽ lại tranh của các danh họa (có cả bức Tiếng thét)… Vẽ chân dung, nhà văn bảo quan trọng nhất là làm bật lên cái thần, còn vẽ có khi chỉ 2 phút là xong một bức nhỏ. Ông vẽ nhà thơ Bùi Giáng vì ấn tượng về gương mặt đó trong một bức ảnh, còn ngoài đời họ chưa hề gặp nhau.

Bạn văn thân thiết của Nguyễn Huy Thiệp cũng nhiều, nhưng người có tác phẩm đi vào “tranh” ông nhiều nhất có lẽ là Nguyễn Bảo Sinh và Đồng Đức Bốn. Ông họa thơ lục bát của Bảo Sinh và họa những câu chuyện trong thơ Đồng Đức Bốn.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ trưng bày và đấu giá một số bức tranh gốm tại nhà riêng của bạn ông, “nhà thơ dân gian” Nguyễn Bảo Sinh vào lúc 17h ngày 15/6 tại 167 Trương Định - Hà Nội.

Vẽ về chính kỷ niệm của mình

Nhưng đặc biệt nhất, trong cảm nhận của tôi, là những chủ đề liên quan đến cá nhân nhà văn. Mới đầu, ông khoe một bức mới hoàn thành, họa thơ Nguyễn Bính, vẽ khi ông nhớ người con trai thứ hai đang vào TP. HCM lập nghiệp. Hay bức vẽ một góc nhà hàng Hoa Ban như đã nói ở trên cũng là một ví dụ.

Ở tuổi 64, dường như Nguyễn Huy Thiệp sống cho ký ức nhiều hơn là hiện tại. Ông luôn nói “Sự nghiệp của tôi coi như đã xong rồi” và nếu có dịp kể chuyện quá khứ, ông lại tỏ ra hào hứng chưa từng thấy.

Trong số hàng trăm, hàng nghìn đĩa gốm mà nhà văn đã vẽ có một bộ sưu tập đặc biệt: khoảng 30 chiếc đĩa vẽ lại bìa những cuốn sách của ông đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Pháp, ngoài ra là Đức, Ý, Mỹ… Các tác phẩm gồm: Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tập truyện Tướng về hưu, tập truyện Muối của rừng, tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu… Có vài bìa sách khi ông vẽ lại trông thú vị hơn bìa gốc.

Xem mới biết, tập Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp được in tại Pháp từ hồi năm 1990, bìa sách vẽ một ông tướng, nhưng lại theo tạo hình rất… Tây, với hàng ria mép vểnh lên và đeo đầy huy chương cũng kiểu Tây. Đó là thời nước ngoài vẫn chưa biết nhiều về cuộc sống của người Việt Nam sau đổi mới nên vẽ bìa sách một cách… hú họa. Một bìa sách khác của bản dịch Tuổi hai mươi yêu dấu in ảnh một người đàn ông Việt đi xe máy, nhưng chở hàng hóa đầy xe và không có vẻ gì là đang trẻ trung tuổi 20.

Mặc dù vậy, những ấn bản đó vẫn có nhiều ý nghĩa với cá nhân nhà văn và có lẽ không chỉ với cá nhân ông. Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn Việt Nam có nhiều ấn phẩm xuất bản nhất ở trong nước, nhưng nếu thống kê đầy đủ, có lẽ ở nước ngoài cũng vậy. Ông bảo, những ấn bản đó bây giờ chỉ có ông lưu giữ, chắc về sau người ta cũng quên đi vì đâu có quan trọng gì với người khác. Riêng chuyện này, tôi hy vọng ông nhầm.

            Mi Ly
 Thể thao & Văn hóa

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm