Khăn đội đầu

15/02/2013 07:38 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Khăn đội đầu của phụ nữ có lẽ là một đề tài quan trọng trong lịch sử phục trang. Nó thể hiện vẻ đẹp, tập tục và sự thích nghi với khí hậu địa lý, gợi mở hay che đậy những khuôn mặt mang vẻ đẹp bí ẩn.

Phụ nữ Việt (Kinh) không có nhiều kiểu khăn đội đầu, nhưng một tập tục có lẽ trở thành hình ảnh đặc trưng đó là chít khăn mỏ quạ, trong khi với phụ nữ của các sắc tộc khác thì kiểu khăn đội đầu cũng phong phú không kể sao cho xiết và khăn đội đầu giới thiệu ngay họ thuộc nhóm nào, tộc nào.

Ảnh chụp nhìn thẳng một phụ nữ nông dân Bắc Kỳ. Ảnh P.Dieulefils. Bưu ảnh Pháp đầu thế kỷ 20. Người phụ nữ đi mò này quấn khăn vuông chặt và gọn lên đầu, quần áo cũng xắn, bó vào thân thể tiện cho việc lội bùn, bắt cua ốc.

Người Mường được coi là cư dân bản địa lâu đời nhất trên mảnh đất này, nên có thể nói lối vấn khăn của phụ nữ Mường là một nét cổ xưa. Thực ra khăn đội của người phụ nữ Mường khá đơn giản, chỉ là một miếng vải trắng quấn cao ở phía trán và buộc lại phía sau gáy. Lối khăn này thấy nhiều ở phụ nữ Mường Hòa Bình, trong khi đó phụ nữ Mường Phú Thọ ngày xưa vấn một tấm khăn vuông che kín đầu như lối vấn khăn của người Kinh. Giữa tộc Mường ở hai khu vực này, áo cũng khác nhau: áo khóm Mường Hòa Bình ngắn như áo người Thái, còn áo Mường Phú Thọ dài hơn và có khuy cài chéo về vạt bên phải. Ba tấm quấn gồm: váy quấn dưới, tấm quấn ngực (sau trở thành cạp váy Mường, cạp váy được chia 3 phần gọi là rang trên, rang dưới và cao) và khăn quấn đầu rất đặc trưng cho trang phục cổ xưa vùng Đông Dương và Nam Á, khi con người biết dệt vải và hoa văn, nhưng không may mặc mà chỉ có quấn. Những tư liệu ảnh và hình vẽ mà người phương Tây sang Đông Nam Á cho thấy rõ điều này.

Trên thực tế xa xưa thì nhiều nơi xứ nóng phụ nữ mặc váy có khăn đầu nhưng mình trần, cả trẻ lẫn già đều như vậy. Các chạm khắc trong điêu khắc Champa đã khắc họa lại sinh động những hình ảnh phụ nữ mặc váy ngực trần. Trên trống đồng Đông Sơn, chạm khắc hình ảnh nhiều người cắm lông chim dài trên đầu, nhưng để cắm vật gì đó trên đầu người ta phải vấn một cái khăn vòng quanh đầu. Những chiếc dao găm Đông Sơn có chuôi hình người cho thấy phụ nữ Đông Sơn có vấn một chiếc khăn vành quanh đầu.

Phụ nữ Việt Nam. Bưu ảnh Pháp đầu thế kỷ 20. Cô gái vấn khăn vành và để một lọn tóc nhỏ buông phía sau

Lối vấn khăn của người Kinh khá phức tạp. Thoạt tiên tóc phải chải và duỗi thành một lọn lớn và dài, từ lọn này người phụ nữ quấn vào một chiếc khăn nhỏ, bọc tóc được vấn tròn thành vành quanh đầu. Một lọn nhỏ khác, được tách trước buông xuống phía thái dương hoặc tùy chỗ trên đầu, có khi hơi lệch về phía sau (cái lọn nhỏ này còn được gọi là đuôi gà và kiểu vấn tóc này gọi là tóc đuôi gà). Có người thưa tóc dùng thêm một thoi vải quấn chặt sẵn như một con rắn đệm vào tóc. Con rắn kết nối với lọn tóc rồi được cài ngược vào trong vành khăn. Sau đó người phụ nữ trùm ra ngoài một chiếc khăn vuông, đỉnh khăn nhô như vòm cửa nhọn trên trán, đuôi khăn rủ nhọn sau lưng như mỏ con quạ (nên còn được gọi là khăn mỏ quạ, hai bên khăn ôm chặt lấy đầu có thể trùm cả tai hoặc trên tai. Rất chặt và gọn gàng. Nếu xem tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh có thể thấy rất rõ lối vấn khăn này. Tất nhiên còn nhiều cách vấn khăn khác tùy trạng thái sinh hoạt, lao động. Nhưng lối trên là phổ biến nhất khi phụ nữ tham gia lễ hội, hiếu hỷ. Khăn của đàn ông, chúng tôi đã nhắc đến trong một bài văn hóa tập tục trước, chủ yếu là lối khăn đóng, rồi chuyển qua thành khăn xếp (làm sẵn) cho tiện. Trên đường Nam tiến, từ thế kỷ 15 - 19, những người đàn ông Việt đã ảnh hưởng lối quấn khăn của người Champa vấn thành búi lớn vành rộng trên đầu. Hình ảnh này đã được người phương Tây vẽ lại ngay từ thế kỷ 17.

Những phụ nữ người Thổ (Nùng) ở Quảng Uyên, Cao Bằng. Bưu ảnh Pháp đầu thế kỷ 20. Những cô gái người Nùng và cách vấn khăn chít chặt phía trán và quấn về hai bên và phía sau.

Xem một vài bức ảnh chụp người Tày và vài nhóm Nùng ở Lạng Sơn và Cao Bằng, thấy rằng cả nam lẫn nữ đều đội khăn sát đầu. Nam thì vấn khăn chặt vào đầu như cái mũ, nữ thì bên trong cũng vấn khăn vành, bên ngoài trùm khăn vuông nhưng không buông mỏ quạ mà buông đều về hai phía sau gáy, theo cách chít chặt mép khăn vào trán, hoặc buộc chặt phía sau rồi hất khăn trùm lên đầu buông đuôi ra sau gáy.

Cái khăn vuông của phụ nữ Kinh được sử dụng trong nhiều trường hợp. Khi làm đồng nắng họ hạ khăn quấn kín cả mặt, chỉ hở đôi mắt. Khi thong thả hoặc nóng thì hạ khăn xuống vai, buộc nút phía cổ. Nếu trẻ con đi đường lạnh có thể dùng khăn vuông quấn cho chúng, gặp bà đẻ rơi thì cởi khăn đỡ đẻ và bọc trẻ sơ sinh. Cần túi đựng thì kết khăn thành tay nải khoác vai. Trên khăn dưới khố còn là một băng vải dài khác, rồi lại có bao tượng - một ống vải dài đựng túi tiền kiêm thắt lưng, bao tượng, hay ruột tượng (ruột voi) thường bằng lụa, cũng nhiều tác dụng. Ba tấm vải dài - khăn, khố, ruột tượng với đàn ông, ba tấm vải một vuông, hai dài - khăn vuông, khố, ruột tượng với phụ nữ là cái không thể thiếu với phục trang người Việt cổ, đi với họ cho suốt cuộc đời, thậm chí đi vào văn học: Miệng cười như thể hoa ngâu/Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

Trước kia con gái lên ba, lên bốn thì đầu cạo trọc, nhưng để một cái “cút” ở phía trước. Từ 16 tuổi trở đi, thì vấn khăn. Tức rẽ giữa trán rồi trải sang hai bên mới vấn khăn ra ngoài, quấn chặt cho thật lẳn. Khăn chít một vòng quanh đầu. Nên tóc ít hoặc ngắn thì phải độn thêm cho vành khăn khỏi bé. Hoặc độn bằng món tóc khác, hoặc bằng vải quấn chặt. Chỗ tóc thừa ở đầu khăn, khi chít thì rủ xuống vai, gọi là đuôi gà. Đuôi gà làm cho người đẹp thêm và để người ngoài biết mình là “tóc tốt”, khỏe mạnh. “Một thương bỏ tóc đuôi gà”. Nếu tóc ngắn, không có đuôi gà thì các cô mượn tóc ngoài để nối vào tóc mình, làm “đuôi gà giả”. Nhà văn Nguyễn Công Hoan (Nhớ gì ghi nấy)


Bài: Phan Cẩm Thượng; Ảnh: Tư liệu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm