Huyền thoại ma cà rồng vẫn ăn khách

22/07/2013 12:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ma cà rồng là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong nền văn hóa đại chúng. Huyền thoại về ma cà rồng đang được khảo sát rất kỹ lưỡng trong một triển lãm được chuẩn bị công phu tại Bảo tàng Điện ảnh Dusseldorf (Đức).

Trong đó, nhiều đồ dùng sử dụng trong bộ phim rùng rợn Hollywood Prince Of Darkness (tạm dịch: Hoàng tử bóng đêm, ra mắt năm 1987) lần đầu tiên được trưng bày ở Đức.

Được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tài trợ, triển lãm này còn có những hình ảnh về nhân vật ma cà rồng do nam tài tử Đức Max Schreck thủ diễn trong bộ phim câm Nosferatu của Murnau.

Nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều nghệ sĩ

Thời gian này, nhiều hãng phim ở Hollywood đang đua nhau đưa nhân vật ma cà rồng lên màn bạc. Năm ngoái, tài tử Johnny Depp đã khiến khán giả khiếp sợ với nhân vật ma cà rồng khát máu trong phim Dark Shadows của đạo diễn Tim Burton. Tuy nhiên, ma cà rồng thực tế có nguồn gốc từ văn học và lịch sử chứ không phải điện ảnh.

Họa phẩm The Vampire (1895) của danh họa Na Uy Edvard Munch
Huyền thoại về ma cà rồng bắt đầu xuất hiện vào giữa thế kỷ 15. Ở nơi mà hiện nay thuộc Rumani có Vlad III, hoàng tử xứ Wallachia, được biết đến nhiều hơn với tên Vlad the Impaler. Tương truyền, ông ta có sở thích uống máu các nạn nhân của mình. Câu chuyện này thực hư thế nào vẫn còn là điều bí ẩn. Thế nhưng, huyền thoại về Vlad vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ qua.

Sau 7 năm “thai nghén”, nhà văn Ireland Bram Stoker đã xuất bản cuốn Dracula vào năm 1897. Stoker “vẽ” ra hình ảnh của ma cà rồng sinh động hơn bất cứ nhà văn nào khác. Stoker qua đời năm 1912. Đến nay, nhiều nhà biên kịch và đạo diễn nổi tiếng vẫn lấy cảm hứng từ cuốn truyện của ông.

Trước khi Bram Stoker xuất bản cuốn Dracula, danh họa Na Uy Edvard Munch đã hoàn thành một bức tranh vào năm 1895. Ban đầu, ông đặt tên cho họa phẩm đó là Love and Pain (tạm dịch: Tình yêu và nỗi đau khổ). Nhưng sau khi bạn bè của ông bình luận nhiều về hành động cắn cổ người đàn ông của người phụ nữ trong tranh, Munch đã đổi tên bức tranh thành The Vampire (Ma cà rồng).

Được mô tả đa dạng trên màn bạc

Giống như nam tài tử Max Schreck của Đức, nhiều diễn viên đã trở nên nổi tiếng khi hóa thân thành ma cà rồng trên màn bạc. Tuy nhiên, diễn viên người Mỹ gốc Hungary Bela Lugosi đã có một kết cục đầy bi kịch sau thời gian thủ vai ma cà rồng trong phim Dracula trong những năm 1930. Sau khi những bộ phim về ma cà rồng trở nên lỗi thời, Lugosi nghiện ma túy và rượu. Khi qua đời, người ta đã chôn ông với thi hài mặc chiếc áo choàng không tay, đặc trưng của ma cà rồng.

Sau Max Schreck, diễn viên đầy tranh cãi của Đức Klaus Kinski cũng hóa thân thành nhân vật ma cà rồng khát máu trong bản phim Nosferatu mới của đạo diễn Werner Herzog. Trong phim, nữ diễn viên Pháp Isabelle Adjani là nạn nhân đầy bi kịch của Kinski.

Không chỉ có các diễn viên da trắng lột tả ma cà rồng trong phim. Trên màn bạc còn có các nhân vật ma cà rồng là người da màu, là nữ giới và cả người đồng tính. Nhiều công ty lớn thậm chí cũng khai thác hiện tượng ma cà rồng. Năm ngoái, công ty ô tô khổng lồ Audi đã tổ chức một chương trình gồm toàn hình ảnh ma ca rồng nữ khi kết thúc sự kiện Super Bowl ở Indianapolis.

Hollywood đã sản xuất những quả bom tấn về ma cà rồng. Năm 1994, đạo diễn Ireland Neil Jordan đã nối gót người đồng hương của mình là Bram Stoker và làm phim Interview With A Vampire (tạm dịch: Phỏng vấn một ma cà rồng). Phim do các tài tử Brad Pitt và Tom Cruise thủ vai chính, song tác phẩm điện ảnh này không thành công thương mại.

Trong khi đó, loạt phim Chạng vạng được dàn dựng theo bộ truyện cùng tên của nữ văn sĩ Mỹ Stephanie Meyer gặt hái thành công lớn, đã thu về được hơn 3,3 tỷ USD từ lượng vé bán ra trên toàn cầu. Phim có sự thủ diễn chính của Robert Pattinson, Kristin Stewart và Taylor Lautner.

Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm