Hư cấu lịch sử - con dao hai lưỡi

15/11/2012 08:13 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Từng có những đóng góp rất quan trọng vào bước phát triển của sân khấu VN, vậy nhưng các vở diễn về đề tài lịch sử lại trở nên vô cùng héo hắt và nhợt nhạt trong thời điểm hiện tại. Đâu là giải pháp cho tình trạng này?

Cuộc tọa đàm “Nghệ thuật sân khấu sáng tác về đề tài lịch sử” (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức) diễn ra vào sáng 14/11 với nội dung xoay quanh câu hỏi trên. Gần 40 chuyên gia sân khấu đã đưa ra kiến giải của mình - cho dù, khá nhiều trong số đó rơi vào trạng thái “lạc nhịp” khi chỉ quẩn quanh với những lý thuyết về sân khấu và đề tài lịch sử.

Gian nan kịch bản đề tài lịch sử

Rất nhiều tham luận nhắc tới việc trong một vài hội diễn gần đây, phía Ban tổ chức yêu cầu đơn vị dự thi mang tới vở diễn thuộc về đề tài hiện đại. Và khi đề tài lịch sử bị “ra rìa”, nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng đó là thiệt thòi lớn cho mảng đề tài sân khấu này.

Nhưng ngược lại, rất nhiều tham luận cũng chỉ rõ: các vở diễn sân khấu từng đặt dấu ấn cho nền sân khấu VN cũng không phải quá nhiều. Trong số đó có thể kể tới Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan (Nguyễn Đình Thi), Bài ca giữ nước (Tào Mạt), Tấm vóc đại hồng (Trúc Đường). Bởi, như phân tích của nhiều tác giả, những kịch bản mang đề tài lịch sử vừa đòi hỏi sự hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn, vừa cần khả năng hư cấu, sáng tạo ở những “khoảng trống” hợp lý để có thể thuyết phục người xem.

Cảnh trong vở Rừng trúc (tác giả Nguyễn Đình Thi), một trong những vở diễn mang đề tài lịch sử được đánh giá cao

“Có thể lấy chuyện vua Quang Trung đánh tan quân Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long làm ví dụ”. PGS Phạm Duy Khuê nhận xét. “Khi viết kịch bản sân khấu, tác giả Trúc Đường đã hư cấu nên chi tiết vua Quang Trung qua làng Ngọc Hà, thân hành lấy một cành đào đầy nụ để sai người chuyển về Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân.Chi tiết này vừa đẹp, vừa mang nhiều lớp nghĩa nên được đề cao tới mức nhiều nhà sử học coi đó là chuyện thật”.

Đồng thời, nhà phê bình Ngô Thảo cũng chỉ rõ một số điểm chưa hoàn thiện ngay ở những kịch bản sân khấu vốn được coi là tiêu biểu về đề tài lịch sử. Đơn cử, đó là việc tác giả Tào Mạt trong bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước đã xây dựng nhân vật tiến sĩ khai khoa Lê Văn Thịnh trở thành một kẻ phản bội, tàn sát người tài, thông đồng ngoại bang. Hoặc, vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga cũng từng biến công thần Nguyễn Bặc thành kẻ nối giáo cho giặc xâm lăng.

“Thực tế, những hư cấu bừa bãi trên đã dẫn tới việc nhiều chi họ ngoài đời thật vẫn tiến hành các cuộc hội thảo để phản đối người viết bằng những chứng tích lịch sử”- ông Ngô Thảo nói - “Động vào nhân vật lịch sử không phải động vào những cổ vật vô tri để tùy tiện gán ghép, bởi dòng máu của họ vẫn chảy trong nhiều lớp hậu sinh hôm nay”.

Như lời nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành, chính những đặc thù khắt khe của đề tài đã khiến các vở diễn về đề tài lịch sử dân tộc chỉ đạt tới bề rộng, thay vì phát triển được chiều sâu

Tựu trung là cần tài năng

Phần nào, việc các hội diễn sân khấu gần đây không chấp nhận vở diễn về đề tài lịch sử cũng có thể được lý giải bằng sự non yếu của các vở diễn thuộc loại này. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền thẳng thắn cho biết: “Nhiều vở kịch lịch sử vẫn được dựng với quan niệm... mượn xưa nói nay. Sòng phẳng, đó là một quan điểm sai lầm, bởi đã “mượn” bất cứ thứ gì như “mượn rượu”, “mượn chuyện mắng con”, “mượn chuyện đánh chó chửi mèo” để giãi bày tâm trạng của mình thì vẫn là thể hiện sự hèn nhát, trốn tránh, sợ hãi thực trạng. Chúng ta đang cần những cây bút có đủ sự tự tin và đủ năng lực để dùng những bài học của quá khứ soi vào hôm nay, qua đó bàn trực tiếp các câu chuyện thời sự bằng cốt cách, tâm hồn của người cầm bút”.

Tương tự, nhà phê bình Ngô Thảo nhận xét thêm: “Với cách mượn xưa nói nay, không ít tác giả đã cố gắng tạo ra một hoang tưởng rằng ở một thời điểm nào đó, nước ta có những vua quý tôi hiền, sống theo những chuẩn mực đạo đức cao cả, tạo nên một thời chính trị huy hoàng còn hơn cả bây giờ. Điều này vừa kệch cỡm nếu nhìn vào lịch sử, vừa là trạng thái... tự ru ngủ của người viết”.

Theo lời ông Thảo, để có thể phát triển và tìm thêm những kịch bản hấp dẫn về đề tài này, một số biện pháp hợp lý có thể triển khai là việc “đặt hàng” kịch bản tại những địa phương có nhân vật lịch sử đặc sắc, tổ chức các trại sáng tác về đề tài lịch sử, huy động sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này...

Tương tự, tác giả Nguyễn Khắc Phục khẳng định: “Hãy nhìn vào thực tại, chúng ta cần những vở diễn mà nhìn vào đó con em chúng ta tin là chúng ta đủ khí phách, đủ tâm hồn, đủ sự cao thượng để chống lại bằng được sự xâm lược. Thay vì là một lĩnh vực nghệ thuật, hãy coi kịch lịch sử là vũ khí để chúng ta chống giặc ngoại xâm trong hiện tại và tương lai. Và, sự lao động cần cù, nghiêm cẩn của người viết kịch lịch sử có thể coi là cuộc tập luyện hàng ngày của họ bằng ngòi bút  giống như những gì mà các chiến sĩ bộ đội đang làm”.

Dường như, hàng chục vấn đề quanh khái niệm “kịch lịch sử” đã được đặt ra trong cuộc hội thảo, để rồi quanh quẩn lại trở về một điều chính yếu: “viết kịch bản, dù đề tài gì cũng cần tài năng. Nhưng biết làm sao được khi tài năng thì không có nhiều”…

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm