Họa sĩ Trương Thiện và triển lãm 'Mẹ vợ của tôi'

17/05/2013 10:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 16h30 ngày 17/5 tại New Space Arts Foundation (15 Lê Lợi, TP Huế) sẽ khai mạc một triển lãm ảnh khá lý thú của Trương Thiện, có tên Mẹ vợ của tôi.

Đây là bộ ảnh thuộc thời kỳ nhiếp ảnh đen trắng của Việt Nam, được Trương Thiện sưu tầm từ chính những bức ảnh của gia đình mẹ vợ. Câu hỏi: Giữa hình chụp kỷ niệm với nhiếp ảnh nghệ thuật trong ý niệm đương đại có gì liên quan sẽ được dành cho Trương Thiện dưới đây.

“Tôi hiểu rằng mỗi cá nhân là một múi thắt tạo nên những liên kết gia đình, họ tộc, những mối quan hệ ràng buộc với nhau như một mạng lưới, mảnh này ghép với mảnh khác kề với nhau dệt nên cái gọi là cộng đồng, là dân tộc, là quốc gia. Bằng việc tìm hiểu một cá nhân, theo cách lập cây phả hệ đa chiều bằng hình ảnh và các câu chuyện kể theo thời gian, không gian, tôi muốn truy vấn vào lịch sử của sự hình thành các cộng đồng, cách mà chúng ta phát triển hay biến đổi, sự hình dung của các cộng đồng này về bản thân mình”, Trương Thiện nói về triết lý của mình qua bộ ảnh.


Họa sĩ Trương Thiện

Tìm sự liên kết cá nhân

* Anh có thể cho biết ý tưởng của cuộc triển lãm này không?

- Đây là sự tiếp nối của triển lãm “ảnh xưa đã chụp” (already made photography) trước đây - dự án Last Holidays, năm 2007-2009. Dự án trước là về một không gian đã đổi thay, triển lãm này là về một con người cụ thể. Nếu nhìn vào các bức ảnh đen trắng với hiện tại cũng có nhiều thay đổi, ai cũng có thể suy nghĩ về sự thay đổi, đó chính là ý tưởng.


Đám cưới của bà Nguyễn Thị Cẩm Vân năm 1983.

* Nếu muốn nói về sự liên kết giữa con người, ngoài gia đình còn có làng xóm, bạn bè, hoặc bất kỳ ai, vậy tại sao anh lại mẹ vợ anh?

- Tôi không hẳn nói về sự liên kết cụ thể, mà nói về mỗi cá nhân trong sự liên kết với những người xung quanh, với cộng đồng mà họ sống. Tôi không có cách gì để hình dung nổi cuộc sống và những câu chuyện của quá khứ nếu như không biết và không nhìn thấy một con người cụ thể. Và với tôi những câu chuyện trong quá khứ sẽ càng sinh động hơn nếu có những con người cụ thể mà tôi biết rõ hơn.


.Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân và các em cùng chồng (lúc này chưa cưới) đi chơi Đại Nội, 1982.

* Được biết những bức ảnh về gia đình mà anh sưu tập cách đây rất lâu .Vậy nó thuộc vào thời kỳ nào của nước ta?

- Tôi gọi đó là thời kỳ nhiếp ảnh đen trắng, không hẳn là không có ảnh màu nhưng phần lớn là ảnh đen trắng. Nó nằm trong những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước. Triển lãm này trưng bày 200 bức ảnh của khoảng 4 đến 5 gia đình bên nhà mẹ vợ tôi, được tôi sưu tầm hơn một năm nay. Có nhiều hơn những người bà con, thân thuộc mà tôi muốn sưu tầm ảnh, nhưng vì nước lụt mà bị thất lạc và hư hỏng đi, đó là những khó khăn.


Gia đình bà Nguyễn thị Cẩm Tâm (chị ruột bà Nguyễn Thị Cẩm Vân), 1980.

“Biết” mẹ vợ tình cờ

* Mẹ vợ anh chụp rất nhiều ảnh như vậy chắc hẳn bà ấy là một phụ nữ rất đẹp và có tiếng lúc bấy giờ?

- Không hẳn là rất nhiều, tôi nghĩ hồi xưa người ta không có cơ hội chụp ảnh nhiều như bây giờ. Rất nhiều trong những bức ảnh tôi có được là những sự kiện quan trọng như đám cưới, đám hỏi hoặc những cuộc đi chơi.


Chị ruột và anh rể của bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, 1987.

* Có một câu chuyện nào đặc biệt về mẹ vợ mình trong suốt thời gian anh sưu tầm ảnh?

- Từ lúc biết mẹ vợ tôi đến giờ chứ, tôi không phân tách được thời gian trước và trong khi sưu tập ảnh với những câu chuyện cụ thể, nó luôn đến một cách tình cờ. Ví dụ như lúc tôi biết mẹ vợ đã từng làm ở đoàn Ba Vũ là khi cả nhà đang ngồi hát karaoke, còn hiện tại bà là tiểu thương chợ Đông Ba, bán ở hàng giày dép. 


Câu chuyện mà khiến tôi nhớ nhất là về một người cậu của vợ tôi, ông ấy đã từng có rất nhiều bạn gái, tôi phải nói là mình đã đụng phải một tay “ngang cơ” với mình. Ở đây tôi muốn rằng qua mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một cuộc đời khác nhau. Và nó luôn có khả năng thay đổi theo thời gian.


Ông Nguyễn Thúc Dinh (ảnh rể cả của bà Nguyễn Thị Cẩm Vân) và các con, 1986.

* Vậy theo anh, cuộc sống gia đình bây giờ và ngày xưa khác nhau nhiều không, nếu nhìn qua nhiếp ảnh?

- Nhiếp ảnh không thôi thì khó mô tả được cuộc sống, nhưng thật lạ, nó luôn là chứng cứ vững chắc nhất của các sự kiện. Tôi không nghĩ là mình có thể phác họa được những đổi thay của cuộc sống gia đình qua từng thời kỳ bằng những bức ảnh này. Nhưng tôi biết chắc chắc rằng cách thức mà những bức ảnh được chụp ở thời điểm trước đây và bây giờ thì rất khác nhau. Bây giờ bạn có thể chụp một bức ảnh ở bất cứ thời điểm nào trong ngày và đăng nó lên Facebook sau vài phút. Khi cách thức chụp hình thay đổi thì triết lý cũng thay đổi.


Bà Phan Thị Lượm, (mẹ của bà Nguyễn Thi Cẩm Vân) và các con, chụp khoảng 1965 - 1966

Phan Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm