Họa sĩ Phạm Tam: Logo không thể mang tính thời trang

28/11/2013 18:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Logo là biểu trưng của một nhãn hiệu, một tổ chức và có khi, của một thành phố, một quốc gia. Trong hai thập niên vừa qua, Việt Nam đã có vô số cuộc thi logo lớn nhỏ, từ cấp quốc gia đến cấp tư nhân, tạo ra hàng trăm ngàn logo và nhận về không ít lùm xùm. Với 18 năm kinh nghiệm xuyên suốt, hơn 200 logo được ứng dụng và khoảng 110 giải thưởng về logo, về nghệ thuật đồ họa..., họa sĩ Phạm Tam (trong giới quen gọi “Tam logo”) chia sẻ một cái nhìn sơ lược về bộ môn này tại Việt Nam.

“Theo dõi các hoạt động của bộ môn này, tôi thấy Việt Nam đã có sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm khi đề cập đến logo. Tuy nhiên, vẫn chưa xứng tầm với một quốc gia đang trong xu hướng hội nhập toàn cầu như hiện nay”, Phạm Tam nói.


Họa sĩ Phạm Tam

* Xin bắt đầu bằng một ví dụ: Vừa rồi Nhà hát Chèo Hà Nội công bố 3 tác giả đoạt giải (chỉ có khuyến khích) trong cuộc thi thiết kế logo cho họ, mỗi giải có giá trị 5 triệu đồng. Theo anh, tại sao các cuộc thi thiết kế logo thường có giải thưởng khá thấp như vậy?

- Bây giờ tôi cũng còn tiếc, vì cuộc thi này mình chưa kịp gửi bài tham gia. Nhà hát Chèo Hà Nội trao 3 giải khuyến khích với giá trị như vậy cũng tạm được, đã an ủi phần nào vì họ có công bố kết quả, còn hơn nhiều đơn vị tổ chức rất hoành tráng nhưng không tôn trọng tác giả, không thèm công bố, hoặc công bố mà không trao giải đúng ngày.

Cũng có khi, treo giá trị giải thưởng trong thể lệ là 20 triệu đồng, nhưng đến khi trao giải chỉ trả 50% hiện kim, còn lại tác giả bị ép nhận 50% hiện vật, mà hiện vật đó đôi khi tác giả không cần.

Về giá trị giải thưởng thì họ có quyền định giá bao nhiêu thì họa sĩ biết bấy nhiêu, nếu thấy thấp thì họa sĩ có quyền không tham gia, công khai mà. Tuy nhiên tổ chức đó cần phải thực hiện đúng những gì đã cam kết trong thể lệ đã được ban hành, mà các cuộc thi logo tại Việt Nam không phải lúc nào cũng thực hiện đúng. Một vấn đề khác ảnh hưởng đến giải thưởng không cao so với công sức họa sĩ đầu tư, đó là do Ban tổ chức (BTC) không chịu mời người cố vấn hoặc không nghe những người có chuyên môn cao đề xuất mức thưởng.


Logo Đại hội Thể thao châu Á trong nhà (Asian Indoor Game) năm 2009 tại Hà Nội của Phạm Tam

* Còn về cách nghĩ, họ đã trọng thị đúng mức với chất xám mà họa sĩ hay người thiết kế bỏ ra hay chưa?

- Hiện nay, khả năng nhận biết giá trị thương hiệu qua logo của công chúng khá tốt. Nhiều đơn vị tư nhân ý thức được điều này, nên đã đầu tư xứng đáng với công sức họa sĩ thiết kế. Họ không những đầu tư mạnh về tài chính mà còn có thiện chí hợp tác chặt chẽ, cùng nhau định hướng trước khi thiết kế, sản phẩm ra đời thường đạt được hiệu quả cao.

Phần lớn các tổ chức công quyền và một số doanh nghiệp hiện nay chưa thật sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức thiết kế và tuyển chọn logo. Họ không xác định được họ đang muốn gì? Không tôn trọng tác giả, không thực hiện đúng thời gian, giải thưởng, như thể lệ đã được ban hành. Thậm chí, đôi lúc bức xúc nên có đơn khiếu nại đến cả bộ trưởng mới được giải đáp; nhưng giải đáp vẫn thấy không thỏa đáng vì cách làm thiếu trách nhiệm, không tôn trọng tác giả. Làm ảnh hưởng xấu đến xã hội, chỉ khổ thân họa sĩ theo đuổi niềm đam mê để rồi thất vọng. Điều này vô tình làm phần lớn các họa sĩ tài năng đánh mất lòng tin nên bỏ cuộc.

Tuy nhiên, giá trị giải thưởng không phải là yếu tố chính đối với họa sĩ đam mê với nghề. Yếu tố chính dẫn đến cuộc thi không thành công chính là khâu tổ chức, định hướng trước thiết kế chưa thật sự chuyên nghiệp. Tức là, BTC cần phải có ý thức quản lý thiết kế logo và sử dụng logo trong suốt quá trình dài, không thể thi xong rồi thôi. Đồng thời BTC cũng nên tôn trọng tất cả họa sĩ gửi bài tham gia. Tiếc gì một tin thông báo trên e-mail.


Một số logo đã được ứng dụng của Phạm Tam

* Theo anh vì sao nhiều nơi vẫn nghĩ rằng logo dễ nên tự thiết kế và thực hiện luôn, để kết quả là có những logo xấu, thô, hoặc không thực sự là logo?

- Đúng là nhiều nơi có cách nghĩ như vậy cho đỡ tốn kém, nhưng họ không nghĩ rằng vì logo xấu nên chỉ sử dụng được một thời gian ngắn lại thay đổi. Mà thay đổi logo thì phải kèm theo thay đổi cả hệ thống nhận diện thương hiệu, sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Thiệt hại còn nhiều hơn thế nữa, vì đã dày công quảng bá thương hiệu cho đến khi công chúng vừa biết đến thì lại đổi. Tôi không hiểu, ngay cả tổ chức lớn của nhà nước cũng vậy, có lẽ họ còn nghĩ logo mang tính thời trang chăng?

Nếu nhìn vào một thiết kế có tính biểu trưng cho tộc người, một bộ lạc hay các thành bang, quốc gia thì từ thời Cổ đại, vài ngàn năm trước Công nguyên, đã có logo. Tuy nhiên, theo nhiều sử gia của bộ môn này thì logo thời hiện đại có lẽ bắt đầu vào những năm 1870, khi nhãn hiệu Bass đưa ra biểu trưng có hình tam giác màu đỏ - trở thành logo đầu tiên được đăng ký thương hiệu vào năm 1876. Theo Al Ries và Laura Ries (1998), Alycia Perry (2003), một logo thương hiệu thường phải đạt đến: sự khác biệt; đơn giản, dễ nhớ; dễ thích nghi; và có ý nghĩa.

* Các họa sĩ chuyên thiết kế logo tại Việt Nam hiện nay nhiều hay ít? Có thể dễ dàng nhận diện và phân cấp họ hay không?

- Lĩnh vực thiết kế đồ họa được các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tuyển sinh hàng năm khá đông. Riêng bộ môn đồ họa thì đồ án logo không thể thiếu trong chương trình, vì vậy số người biết thiết kế logo ước tính có thể lên đến hàng chục nghìn, chưa kể các kiến trúc sư, họa sĩ tạo hình, các trường sư phạm mỹ thuật và những người yêu thích thể loại này.

Giá trị về lợi ích kinh tế, văn hóa, tinh thần từ logo mang lại ai cũng biết. Vì vậy nó trở thành môn học chính thức từ rất lâu trong các trường mỹ thuật, kiến trúc, kinh tế, hoặc các trung tâm thiết kế đồ họa. Tuy nhiên, nó chỉ là một môn học, chưa có khoa chuyên sâu về logo. Về mặt lý luận đã có rất nhiều nhà khoa học đã đề cập đến logo trên nhiều phương diện khác nhau. Nhưng chưa có tài liệu nào nghiên cứu chuyên sâu về logo tại Việt Nam một cách đầy đủ và có hệ thống

Tuy nhiên, không dễ dàng nhận diện và phân cấp họ vì chưa có một công trình khoa học nào thống kê cụ thể. Hiện nay, trong các hội mỹ thuật cũng chưa có chi hội nào là chi hội logo cả.

Riêng về góc độ hoạt động nghề, do qua nhiều năm thường xuyên thiết kế logo dự thi hoặc có sự đặt hàng của các doanh nghiệp, tôi biết những họa sĩ chuyên thiết kế logo ước tính khoảng 200 người.

* Trong đó, những người thực sự sống được với nghề này có nhiều không?

- Tôi nghĩ mỗi nghề luôn có sợi dây vô hình liên kết nhau, nó hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Đến nay, tôi đã thiết kế trên 200 logo nhưng chưa hề có khái niệm chỉ kiếm sống bằng việc thiết kế logo, nhưng tôi không phủ nhận vì đam mê thiết kế logo mà tôi đã mở rộng nhiều cánh cửa khác. Có thể nói, các đồng nghiệp của tôi cũng vậy thôi.

Họa sĩ Phạm Tam (hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM) là giảng viên bộ môn Thiết kế đồ họa tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Đã nhận được 110 giải thưởng về nghệ thuật đồ họa, tiêu biểu như: Giải Nhất logo Dự án Sốt rét Việt Nam - châu Âu; giải Nhất logo Đại hội Thể thao châu Á trong nhà; giải Nhất logo Hội nghị Thương mại Asian; giải Nhất logo Đa dạng sinh học Việt Nam; giải Nhất logo Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam; giải Nhất logo TP.Vinh; giải Nhất logo tỉnh Tiền Giang; giải Nhất logo Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM…



VĂN BẢY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm