05/05/2013 07:20 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) -Vào lúc 16h hôm qua 4/5/2013 tại Saigon Open City (3A Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM) đã diễn ra triển lãm Điệp khúc phi thời 2 (Timeless Refrain 2). Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 10 của họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh, trưng bày tổng cộng 15 bức tranh sơn dầu mà họa sĩ sáng tác trong vòng 2 năm trở lại đây.
Về đặc điểm nghệ thuật của tác giả Nguyễn Hưng Trinh, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà có người gọi Nguyễn Hưng Trinh là hoạ sĩ tượng trưng, có người gọi anh là hoạ sĩ biểu hiện, có người gọi anh là hoạ sĩ siêu thực... Sự “nhận diện” này vừa đúng vừa sai. Thực ra, ở Nguyễn Hưng Trinh có cả ba. Có cả ba, nhưng đó không phải là sự xê dịch (lúc thế này lúc thế kia...), mà là một sự hòa trộn.
Tranh anh luôn có cả ba yếu tố đó. Nó vừa là sự thẩm thấu tự nhiên của mỹ cảm kinh nghiệm, nó vừa là sản phẩm ý thức về chất liệu (hiểu như là những ký hiệu diễn ngôn) được tiếp thu có chọn lọc. Sự hòa trộn cả ba yếu tố này, đã khiến cho tác phẩm hội hoạ Nguyễn Hưng Trinh, vừa có tính chất liên văn bản, vừa có tính chất đa tầng biểu xúc”.
“Những bờ ngực, những cặp mông căng đầy trong tranh anh không chỉ là những tượng trưng (về giới tính, về dục tính, hay xa hơn, về một sức sống rạo rực đầy đam mê...) mà trong tính chất cường điệu, biến hình với kết cấu bề mặt vật liệu thô ráp, vằn vện, gắn trên những cơ thể quăng quật, vặn vẹo... còn là những biểu hiện của sự co thắt, vật vã, có khi đầy bạo liệt của cái nhìn tâm trạng và suy tưởng...
Những hình ảnh giao hoan, tự chúng là một tượng trưng - dĩ nhiên - nhưng trong sắc thái biểu hiện của sự biến hình và sự tương tác với các yếu tố tượng trưng khác (con cá, ly rượu, chai rượu...) đồng hiện trong những không gian siêu thực đã tạo nên những giá trị biểu ý, biểu cảm bất ngờ - thách thức người đối diện. Sự giao hoan trong tranh Nguyễn Hưng Trinh trở thành biểu tượng của hấp lực âm dương, và trở thành biểu hiện của năng lượng vận động - căn cơ tạo thành vũ trụ, tạo thành sự sống, và, nhìn ở góc độ phàm tục, là nguyên do của bao nhiêu hệ lụy, hạnh phúc với khổ đau...”.
Nguyễn Hưng Trinh sinh năm 1954 tại Quảng Nam, hiện sống ở quận 7, TP.HCM, là một họa sĩ tự học rất thành công. Các cuộc triển lãm chính từ năm 2000 đến nay: Tháng 1/2000: Time Of Human Being 1 tại khách sạn Hoàng Hậu, Đà Lạt; tháng 6/2001: Time Of Human Being 2 tại phòng tranh Bích Câu, TP.HCM; tháng 1/2002: Timeless Refrain tại Casula Powerhouse Arts Centre, Sydney, Australia; tháng 2 và 3/2002: At The Corner tại phòng tranh Gabriel, Melbourne, Australia; tháng 6/2002: Time Of Human Being 3 tại phòng tranh Tự Do, TP.HCM; tháng 11/2004: Art Talks Vietnamese tại Stuttgart, Đức; tháng 7/2006: Recent Works tại phòng tranh Tự Do, TP.HCM; tháng 1/2007: Myth Day tại Saigon-USA, California, USA; tháng 3/2010: Time Of Human Being 3 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM...
Về quan điểm sáng tác của mình, Nguyễn Hưng Trinh cho biết: “Tác phẩm của tôi trước hết là một hành trình đi vào nội tâm. Tôi không thích vẽ hiện thực, bất kể là hiện thực gì. Những gì tôi thích làm hơn, bằng tác phẩm nghệ thuật của tôi, là tìm kiếm cái gì đó tôi thoáng gặp trong một giấc mơ hay những gì tôi thoáng thấy trong một góc khuất của trái tim tôi. Tôi cố gắng vẽ, theo sự thúc đẩy của trực giác, một cảm giác trữ tình hoặc một ý nghĩ siêu hình.
Với tôi, vẽ là đuổi bắt một cái gì không những mong manh mà còn chưa từng được biết. Tôi chỉ ý thức về những gì tôi làm khi tôi đã kết thúc nó. Điều đó có nghĩa là tôi khám phá và sáng tạo tâm hồn tôi cùng một lúc. Dường như tôi sẽ không có tâm hồn nếu không có hội họa. Tôi nhận ra hữu thể sâu kín nhất của tôi qua những màu sắc và hình ảnh trên vải bố. Bắt chước câu nói nổi tiếng của Descartes, tôi muốn nói: “Tôi vẽ, vậy tôi hiện hữu”. Cuộc hành trình đi vào nội tâm, do đó, cũng là một cuộc hành trình đi ra ngoại giới”.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất