Họa sĩ Helene Kling: Gần 20 năm 'mai phục' phụ nữ Việt Nam

28/11/2013 13:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cần một nơi để vẽ, nữ họa sĩ tự đào tạo Helene Kling (người Pháp) đã đến TP.HCM và biết rằng nơi đây có thể sống dài lâu. Gần 20 năm qua, Helene Kling sáng tác, triển lãm và dạy vẽ - công việc của cô đã được đánh giá khá tốt, ngay tại Paris. Đặc biệt, bằng tác phẩm, cô còn có cái nhìn đầy phát hiện về những đổi thay của phụ nữ Việt Nam. Helene Kling  vừa có triển lãm Reve de Fer (Thép mơ) tại Nhà Triển lãm TP.HCM vào trung tuần tháng 11/2013.

TT&VH có dịp trò chuyện với Helene Kling, bà chia sẻ: “Từ năm 1996, tôi đã thấy rằng sự phát triển của nước này theo sau sự phát triển của phụ nữ, nó rất khác với các nước xung quanh. Phụ nữ Việt là bản sắc của vùng đất, họ có vẻ đẹp, sức mạnh, sự chân thật, trí thông minh, và thường trực là sức quyến rũ”.

Từ phụ nữ đến “thép mơ”

Helene Kling kể: Khi đến Việt Nam lần đầu, TP.HCM còn khá tĩnh lặng, và ở khắp nơi bạn có thể nhìn thấy cuộc sống truyền thống của người Việt. Các cô gái đến trường trên chiếc xe đạp với áo dài trắng. Gần như không có taxi trên đường phố, không có xe hơi hiện đại, mới chỉ có xe ô tô Pháp cũ như tôi có thể nhìn thấy ở Pháp trong suốt thời thơ ấu của mình.

Họa sĩ Helene Kling

Lúc ấy, chưa sốt đất đai, nên không có các tòa nhà lớn, sân thượng khách sạn Rex đã là nơi quan sát cao nhất. Bạn phải mua sản phẩm làm đẹp tại chợ Bến Thành. Không có siêu thị với các sản phẩm nhập khẩu. Không có tạp chí dành cho phụ nữ. Bây giờ, bạn có thể so sánh TP.HCM với bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới. Đặc biệt là phụ nữ, ngày nay họ ít truyền thống trong cách ăn mặc, nhảy nhót, nói cười... và khá mạnh mẽ, tự tin trong kinh doanh, công việc, cũng như các quyết định khác.

Và Helene Kling khẳng định: “Tôi vẽ những điều tôi ấn tượng từ đất nước này, đặc biệt ưu tiên những thứ gắn liền với phụ nữ Việt. Thông qua những bức tranh của tôi, mọi người có thể cảm nhận được linh hồn của xứ sở. Việt Nam (qua hình tượng phụ nữ) có vẻ đẹp căn cơ và sự đổi thay liên tục, nó làm cho đất nước này trở nên đặc biệt”.

Nếu 15 năm đầu đến sống ở Việt Nam, cảm xúc chủ đạo của nữ họa sĩ này là lãng mạn, thì hai năm gần đây - có thể nhìn thấy qua triển lãm Thép mơ - ấy lại là một hiện thực xù xì, hiện đại, mạnh mẽ hơn. Helene Kling giải thích: “Vì nghệ thuật của tôi cũng đi theo sự phát triển của Việt Nam, tôi không thể tiếp tục vẽ hình ảnh xích lô, áo dài… nếu chúng không hiện diện đậm đặc quanh mình”.

Một góc lớp học vẽ của Helene Kling

Dạy phụ nữ Việt vẽ tranh

Bên cạnh việc “mai phục” phụ nữ Việt Nam (đặc biệt có cả các dân tộc ít người) để cắt nghĩa tiến trình đổi mới của Việt Nam, Helene Kling còn nhận ra một vài khoảng trống.

“Ở Việt Nam, 15 năm trước, không có trường nghệ thuật cho người nước ngoài. Trong một triển lãm, một người muốn tôi chỉ cho họ những bài học vẽ, ban đầu tôi từ chối vì thực sự không biết mình có khả năng này, vì tôi tự học và tự đào tạo. Nhưng rồi vì phụ nữ với nhau, tôi quyết định dạy. Năm ngoái, tôi có bốn cựu học viên đã có tác phẩm triển lãm, hai người là giáo viên ở TP.HCM, hai người ở nước ngoài”.

Ban đầu chỉ phụ nữ nước ngoài theo học, gần đây Helene Kling đã có thêm nhiều phụ nữ Việt Nam. Lý do theo học thì có nhiều, nhưng theo Helene Kling thì mục đích trở thành họa sĩ không quan trọng bằng việc được sống với đam mê vẽ vời của mình. Vài người chỉ muốn học để nâng cao thẩm mỹ cá nhân, nhằm làm cho nhà cửa, công ty đẹp lên; vài người nghĩ đây là cái thú nhẹ nhàng, bổ ích, ít tốn kém. “Bản thân tôi thì thấy rất hạnh phúc khi được chia sẻ cảm nghĩ của tôi về phụ nữ Việt và những thay đổi của đất nước này”.

NHƯ HÀ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm