Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn: Sợi chỉ đỏ dằn vặt

03/10/2013 07:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 18h ngày 3/10 tại phòng tranh Craig Thomas (27i Trần Nhật Duật, quận 1, TP.HCM) sẽ khai mạc triển lãm Sợi chỉ đỏ của Bùi Tiến Tuấn, với 20 tranh giấy dó vừa được vẽ trong thời gian gần đây.

1. Bùi Tiến Tuấn học chuyên ngành về lụa, hiện nay lại giảng dạy về vẽ tranh lụa tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM, nên việc anh gắn bó với vật liệu này dường như là đương nhiên. Hơn nữa, trong thời gian qua, với việc theo đuổi chủ đề phụ nữ thị dân đương thời, tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn đã có một bước tiến xa so về nhận thức với tranh lụa phong cảnh quê hương, thiếu nữ xưa hay áo dài, vốn quen thuộc. Nên việc Bùi Tiến Tuấn nói rằng mình “chỉ thử chơi” với giấy dó lần này cũng là điều dễ tin. Thế nhưng, sự thật không đơn giản như vậy.

Tác phẩm Đùa nghịch với sợi chỉ đỏ, mực và màu nước trên giấy dó, 40 x 80 cm, 2013
Phải nhớ rằng trước đây, lúc còn sinh viên (đầu thập niên 1990), khi Bùi Tiến Tuấn học kỹ thuật giấy dó của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, thì anh đã từng vẽ khá nhiều với vật liệu này. Với chút danh và lợi nhuận lúc đó, trong trường mỹ thuật nhiều người nghĩ anh sẽ đi theo giấy dó dài lâu. Những năm 1999-2000, Bùi Tiến Tuấn còn vẽ loạt tranh trừu tượng trên giấy dó rất mới mẻ, để lại ấn tượng tốt với người xem. Rồi sau khi ra trường, anh lại có quãng thời gian theo đuổi sơn dầu, đã có triển lãm riêng thành công, trước khi dồn tâm sức cho lụa. Nói dông dài như vậy để thấy rằng Bùi Tiến Tuấn có khả năng làm chủ vật liệu và chất liệu khá tốt, và rất có nỗ lực trong việc thay đổi hay làm mới mình. Cho nên lần chuyển sang giấy dó này chưa hẳn là chuyển sang vật liệu mới, mà là cách để thay đổi tâm thế và thói quen sáng tác.

2. Nếu chỉ nhìn lướt qua những tác phẩm trong Sợi chỉ đỏ trên màn hình vi tính, rất có thể kết luận vội vàng rằng lụa hay dó cũng vậy thôi. Nhưng khi đối diện trực tiếp với tác phẩm, mới thấy cách xử lý vật liệu thuần thục, tinh tế có thể biến chủ đề quen mà thành lạ.

Giấy dó và tranh giấy dó hiện diện tại Việt Nam cả ngàn năm qua, đã thành di sản. Trong sách Technique du peuple Annamite (Kỹ thuật của người An Nam) của Henri Oger (1885-1936?) thì giấy dó có độ bền rất cao, có thể đến 500 năm trong điều kiện bình thường.

Nếu những nhân vật nữ trong lụa mỹ miều bởi vẻ ngoài mềm mại, thì trong dó, mỹ miều bởi hoàn cảnh tương phản giữa họ - tất cả đều do đặc trưng vật liệu mà nên, bởi lụa và dó khác nhau khá rõ về bề mặt, về cách xử lý. Trong dó, thân thể gần như tự do toàn diện của người khỏa thân bị bó buộc bởi những sợi chỉ đỏ, bị dồn nén vào những xó, những góc hoặc căng tràn mặt tranh. Dù “rộng rãi” bố cục như các tác phẩm Cô gái nằm ở bố cục ngang, Thiếu nữ nằm với chiếc vớ hoa, Đùa nghịch với sợi chỉ đỏ…; hoặc “chật chội” như Ca sĩ phòng trà, Vũ nữ, Trình diễn… thì sự mỹ miều đó vẫn đầy dằn vặt, trói buộc.

Trở đi trở lại chủ đề thiếu nữ thị dân trong nhiều năm, loạt tranh giấy dó lần này Bùi Tiến Tuấn đã đi sâu hơn vào tâm trạng của nhân vật, để qua đó phản ánh tâm tư và điểm nhìn của người quan sát, mà ở đây là tác giả. Cũng như lụa, tranh giấy dó của Bùi Tiến Tuấn không mang chứa những nỗi buồn kiểu hương xa, nơi phố thị nhớ về quê nhà với con trâu, cây cau, giếng nước, lũy tre…; mà ở đây là nỗi buồn “hiện đại” của người nữ trong ánh ánh mắt ngơ ngác, thủ thế, hoặc ơ hờ với thế nhân. Mà đôi khi buồn với cả niềm vui của mình, như tranh Đùa nghịch với sợi chỉ đỏ.

Nhưng rồi vượt lên tất cả, những người nữ ấy vẫn như đang truy vấn: “Hỏi rằng người ở quê đâu/ Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà” (thơ Bùi Giáng), nên quen mà lạ, lạ mà quen.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm