Hiện tượng lạ của năm 2013: Bùng nổ phim tôn vinh người da màu

10/11/2013 07:29 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Một loạt phim tôn vinh người da màu vừa được tung ra trong thời gian gần đây đang được giới phê bình và khán giả đón nhận nồng nhiệt. Xu hướng làm phim về quyền bình đẳng con người đang nổi lên vô cùng mạnh mẽ ở Hollywood.

Từ bộ phim về nạn buôn bán nô lệ gây nhiều tiếng vang, 12 Years a Slave tới phim Fruitvale Station, trong mùa Thu này công chúng đã được xem một số bộ phim nói tới cuộc đấu tranh chủng tộc, với các nhân vật chính đều là người da màu. Phần lớn các phim này cũng do các nhà làm phim da màu đạo diễn.

Được đón nhận chưa từng có

Vào ngày 27/11, bộ phim 42 của đạo diễn Brian Helgeland, kể về cuộc đời của cầu thủ bóng chày Jackie Robinson, sẽ đến với khán giả. Robinson đã trở thành cầu thủ người Mỹ gốc Phi đầu tiên phá bỏ được ranh giới về màu da trong làng bóng chày Mỹ, sau khi ký hợp đồng đầu quân cho đội Brooklyn Dodgers. Tiếp đó vào ngày 29/11, phim tiểu sử Mandela: Long Walk to Freedom nói về nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela, do Idris Elba thủ vai chính, sẽ có mặt tại các rạp chiếu ở Mỹ.

Cảnh trong phim The Butler.

Trước đó, phim Fruitvale Station của Ryan Coogler cũng gây chú ý. Bộ phim được dàn dựng theo câu chuyện có thật về chàng trai da màu Oscar Grant 22 tuổi, bị một cảnh sát da trắng bắn chết. Phim được đánh giá là sự miêu tả (hiếm có trên màn bạc) đầy tính nhân văn về một người đàn ông da màu trẻ tuổi, trong vai trò một người cha chu đáo rộng rãi. Thủ diễn chính trong phim là nam diễn viên Michael B. Jordan.

Đáng chú ý nữa là bộ phim ăn khách The Butler, do Forest Whitaker thủ vai người quản gia phục vụ 8 đời Tổng thống trong Nhà Trắng. Phim kể lại  kỷ nguyên đấu tranh vì nhân quyền, song không phải từ nhãn quan của một người da trắng theo chủ nghĩa tự do, mà qua bữa ăn tối của một gia đình da màu trung bình.

Đặc biệt, bộ phim 12 Years a Slave của đạo diễn Anh Steve McQueen, được dàn dựng theo cuốn hồi ký xuất bản năm 1853 của Solomon Northup, đã được giới phê bình ca ngợi là sự miêu tả chân thực nhất về cảnh nô lệ.  

Đạo diễn McQueen tin rằng, xu hướng làm phim về người da màu nổi lên phù hợp với thời cuộc. “Trong bối cảnh nước Mỹ có vị Tổng thống da màu đầu tiên (Barack Obama), khi chúng ta kỷ niệm 150 năm thủ tiêu chế độ nô lệ, kỷ niệm 50 năm cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do, tôi nghĩ, mọi người đang sẵn sàng đón nhận dòng phim mới này, theo cách chưa từng có trước đây”.

Tạo nền tảng đối thoại

Nếu 12 Years a Slave đoạt giải Oscar Phim hay nhất, đây sẽ là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của một đạo diễn da màu giành chiến thắng ở hạng mục này.

Trong thời gian qua, giải Oscar liên tục thể hiện những sự đột phá ở các hạng mục trao giải. Chẳng hạn, năm 2001, lần đầu tiên 2 diễn viên da màu đoạt giải ở hạng mục diễn xuất, gồm Denzel Washington (phim Training Day) và Halle Berry (phim Monster's Ball). Năm 2004, sự kiện này lại lặp lại với Morgan Freeman (phim Million Dollar Baby) và Jamie Foxx (phim Ray). Tới năm 2006 là Forest Whitaker (phim The Last King of Scotland) và Jennifer Hudson (phim Dreamgirls). Năm 2011, bộ phim The Help, được dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Mỹ Kathryn Stockett, kể về sự bất công chủng tộc, đã được đề cử Oscar ở hạng mục Phim hay nhất và đem về giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Octavia Spencer.

Hầu hết các bộ phim mang đề tài về người da màu được tung ra trong năm nay không phải do các hãng phim Hollywood phát hành, mà thuộc về các nhà phát hành độc lập. Họ đã phải vất vả tìm nguồn tài chính làm phim. Chẳng hạn như đạo diễn Lee Daniels và nhà sản xuất (quá cố) Laura Ziskin đã phải tìm đến một số người Mỹ gốc Phi giàu có để quyên góp tiền làm phim The Butler.

Nhưng thời thế đã thay đổi và một cuộc thảo luận mới do các bộ phim châm ngòi chỉ mới bắt đầu xuất hiện. James Wolcott của tờ Vanity Fair tuyên bố rằng, các bộ phim đang tạo nên một cuộc thảo luận về vấn đề chủng tộc trên quy mô quốc gia, điều các chính trị gia không làm được.  

“Dòng phim về người da màu đang tạo nên một cuộc đối thoại” - Whitaker, nam diễn viên góp phần sản xuất bộ phim Fruitvale Station đồng thời thủ diễn chính trong phim Black Nativity, nói - “Mọi người đang đưa ra những quan điểm của mình về môi trường, về thế giới của họ. Tất cả những bộ phim này đang tham gia vào cuộc đối thoại đó”.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm