Hãy về núi Nhạn nghe thơ

23/02/2013 07:37 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nguyên tiêu năm nay, Ngày thơ Việt Nam tròn 11 tuổi, thì tại TP Tuy Hòa tỉnh Phú Yên đêm thơ Rằm tháng Giêng của tỉnh này tròn 33 mùa Xuân. Vì sao một tỉnh lẻ ở miền Trung như Phú Yên lại có được một hội thơ truyền thống vào mỗi dịp Xuân về lâu đời như vậy?

Phú Yên không phải là một tỉnh giàu, bằng chứng là giao thừa Tết Quý Tỵ 2013, tỉnh này còn tiết kiệm bằng cách không bắn pháo hoa như các tỉnh, thành khác. Nhưng dường như tinh thần yêu thơ của người dân nơi đây thì khó có địa phương nào khác theo kịp.

Nhà nhà hội thơ

Cách nay hơn 30 năm, tại thị xã Tuy Hòa, những người mê đọc sách của thư viện Hải Phú đã ngồi lại với nhau vào đêm “nguyệt chính viên” trong khuôn viên của thư viện này khai sinh ra ngày thơ Nguyên tiêu của tỉnh. Lúc đó, chương trình đêm thơ đa phần ngẫu hứng, cả khán giả cũng vậy, ai có ghế thì tự đem đến ngồi nghe thơ, không thì chịu khó đứng. Sau hàng chục năm, từ đêm thơ của những người yêu thích văn hóa đọc đã phát triển thành đêm thơ Phú Yên vào mỗi dịp Xuân về và nổi tiếng cả nước.

Năm nay, BTC Ngày thơ Việt Nam tại Phú Yên cho biết, hội thơ sẽ diễn ra trong hai đêm Rằm và ngày 16 tháng Giêng. Đêm thơ chính diễn ra vào đêm Rằm trên đỉnh núi Nhạn quy tụ các nhà thơ trong tỉnh và các thi hữu đến từ Hà Nội, TP.HCM và hai tỉnh lân cận Khánh Hòa, Bình Định.

Ngày thơ Việt Nam trên núi Nhạn, TP Tuy Hòa, Phú Yên luôn chật kín khán giả. Theo thống kê năm 2010 có khoảng 10.000 lượt người đến với hội thơ này.

Đặc biệt, các nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc, như: Kim Kang Kon, Do Jong Hwan, Gwon Taek Jung… cũng góp mặt trong đêm thơ này. Đêm thơ ngày 16 tháng Giêng có chủ đề Tuổi trẻ với Tổ quốc được tổ chức ngay tại sân Hội Văn nghệ tỉnh với các tiết mục thơ và nhạc ca ngợi tổ quốc, đặc biệt là biển đảo Việt Nam.

Trước ngày Rằm tháng Giêng, ở Phú Yên đã hừng hực không khí thơ ngay trung tâm tỉnh lỵ Tuy Hòa và 6 huyện, thị xã, thậm chí cấp xã cũng có đêm thơ của riêng mình. Người Phú Yên yêu thơ là thế nên có thể lý giải tại sao Ngày thơ Việt Nam tại địa phương này luôn được trông đợi như một ngày hội.

Đặc sản chia đều

Khi Phú Yên tổ chức Ngày thơ Việt Nam nhân dịp tỉnh này kỷ niệm 400 năm thành lập vào năm 2011, nhiều ý kiến cho rằng Phú Yên nên xây dựng ngày hội thơ thành một sản phẩm du lịch độc đáo của riêng mình. Bởi đêm thơ Phú Yên diễn ra tại một thắng cảnh rất hữu tình nằm trên đỉnh núi Nhạn giữa lòng Tuy Hòa. Người đọc thơ và xem thơ dưới bóng tháp Chàm cổ kính, cả nhà thơ và khán giả đều phải leo núi hàng ngàn bậc thang để đến với thơ, không khí ấy khó nơi nào có được.

Ngày thơ ở TP Tuy Hòa có được vị trí và khán giả tuyệt vời là vậy, song rất khó trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh này vì “đặc sản” đã được… chia đều. Trước khi có Ngày thơ Việt Nam mà tỉnh, thành nào cũng tổ chức, đêm thơ Nguyên tiêu trên đỉnh núi Nhạn là đêm thơ mang tầm khu vực, thậm chí cả nước. Đến hẹn lại lên, các nhà thơ và người yêu thơ khắp cả nước lại đổ về núi Nhạn. Nhưng từ khi tỉnh, thành nào cũng có ngày thơ của riêng mình, núi Nhạn đêm trăng tròn lại như bớt vui vì thiếu vắng rất nhiều văn nhân thi sĩ khắp nơi tìm về.

Nhà thơ Lê Thị Kim từng dự thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn luôn nói: “Không ở đâu có được không khí, cảnh vật và khán giả tuyệt vời hơn ở Tuy Hòa. Nhưng nói gì thì nói, Kim phải góp mặt trong đêm thơ ở địa phương mình chứ không thể năm nào cũng đi Tuy Hòa. Tiếc thật”.

Có rất nhiều hình ảnh dễ thương khi đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên còn là đặc sản của miền Trung. Nhà thơ Tạ Văn Sỹ ở Tây Nguyên năm nào cũng một mình một xe gắn máy đến với núi Nhạn. Nhà thơ Nguyễn Gia Nùng ở Khánh Hòa yêu mến đêm thơ núi Nhạn đến độ ông viết hẳn Luận án thơ từ núi Nhạn để sau đó hình thành nên Ngày thơ Việt Nam như hôm nay.

Không năm nào Nguyễn Gia Nùng vắng mặt ở đêm thơ Phú Yên dù Nha Trang nơi ông sinh sống cũng có ngày thơ của mình. Rất nhiều nhà thơ sáng tác được tác phẩm hay khi về dự đêm thơ này, chẳng hạn nhà thơ Trần Chấn Uy có bài Gửi người Bình Kiến với hai câu thơ độc đáo: Trời trong veo và em trong vắt/ Anh đục ngầu ý nghĩ đàn ông.

Giá như, Ngày thơ Việt Nam không dàn trải khắp các tỉnh, thành mà tập trung vào một vài nơi, như: Hà Nội, Huế, Quảng Ninh… thì “đặc sản” ngày hội thơ ở một số địa phương có truyền thống như Phú Yên sẽ vui hơn và kinh phí tổ chức cũng tiết kiệm hơn.

Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM tổ chức ở hai nơi

BTC Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM cho biết, khác với mọi năm, Ngày thơ 2013 sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24/2 (nhằm ngày 14 và Rằm tháng Giêng) tại Cung văn hóa Lao Động và Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM.

Chủ đề của ngày thơ tại TP.HCM năm nay là: Tuổi trẻ với mùa Xuân đất nước được các nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phan Hoàng và Trương Nam Hương viết kịch bản kiêm đạo diễn. Đêm thơ chính của ngày thơ tại TP.HCM bắt đầu lúc 18h tại Nhà văn hóa Thanh Niên với sự tham gia của hầu hết các nhà thơ trẻ như: Phan Hoàng, Trần Lê Sơn Ý, Trương Gia Hòa, Phùng Hiệu, Nguyệt Phạm, Lê Thùy Vân, Phạm Phương Lan, Trần Huy Minh Phương… Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Phong Việt - người vừa có tập thơ Đi qua thương nhớ phát hành kỷ lục hơn 10 ngàn bản - cũng có mặt trong đêm thơ Tuổi trẻ với mùa Xuân đất nước.


Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm