(Thethaovanhoa.vn) -
Trước khi được biết đến rộng rãi nhờ Vietnam's Got Talent, Kiều Anh đã là một gương mặt sáng giá của dòng âm nhạc dân gian. Một cô gái mới 19 năm tuổi đời mà đã có 13 năm luyện nghề thì quả thực không thể coi thường. Nhất là khi cô ấy đã chọn bộ môn nghệ thuật truyền thống, một lựa chọn gian nan và đầy rủi ro cho tương lai. Kiều Anh học ca trù 13 năm, học đàn tranh 9 năm trong nhạc viện. Kĩ thuật hát "nảy hạt" của cô được nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Thanh Ngoan không tiếc lời khen ngợi. Những gì Kiều Anh có ở hiện tại là bao "vốn liếng", tâm huyết của một gia đình đặc biệt, đã 7 đời bền bỉ giữ ngọn lửa tình yêu với ca trù.
Kiều Anh trong bộ áo tứ thân. Ảnh do nhân vật cung cấp
Không dùng đòn roi bắt con học ca trù"Nhiều người cứ hỏi vì sao tôi yêu ca trù, câu trả lời là vì ca trù đã nuôi tôi lớn. Ngày xưa bố tôi đàn, mẹ hát kiếm tiền nuôi tôi. Đến khi lớn hơn tôi vẫn chạy "sô" với bố, cứ nhà nào mời lại về báo với bố. Ông cụ nghiêm khắc lắm, tôi gõ phách chỉ biến tấu đi một chút là ông cụ lấy cái phách đánh vào đùi 'Ai dạy mày như thế'. Ngày xưa các cụ tôn trọng khuôn khổ, lề luật lắm. Nhưng đến khi tôi tập được thì cụ gật gù 'thằng này đánh nghe được'", nghệ nhân trống chầu cao tuổi nhất Việt Nam (83 tuổi) Nguyễn Văn Mùi, ông nội của Kiều Anh, hồi tưởng.
Tổ nghề của dòng họ Nguyễn là cụ Nguyễn Đức Ý, đỗ Thủ khoa năm Nhâm Tý ở tỉnh Hải Dương. Cụ vốn yêu thích nghệ thuật ca trù nên đã học đánh đàn và hát, lúc về hưu thì dạy lại cho con cháu trong nhà. Ông Nguyễn Văn Mùi là con cháu đời thứ 5 của cụ Nguyễn Đức Ý. Khi ông Mùi trưởng thành thì nghề ca trù đã xuống lắm rồi. Thời trẻ ông phải đi lái xe để kiếm tiền nuôi sống gia đình nhưng cứ nghĩ đến nghiệp tổ để lại trăn trở khôn nguôi.
"Đến khi sinh con ra tôi quyết định phải truyền nghề cho con. Tôi cho thằng Khuê, thằng Tiến vào Nhạc viện học, bảo con cứ học đi rồi về so sánh lại với âm nhạc các cụ để lại. Có lúc chúng nó kêu bố cứ bắt chúng con học ca trù mai kia lấy vợ lấy gì mà ăn. Tôi bảo các bà các cô còn sống, có người truyền dạy thì ráng mà học đi”, ông Mùi tâm sự. Nhưng để vực dậy ca trù, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi đã truyền dạy lại nghề cho rất nhiều giáo phường, nhân lên gần 20 câu lạc bộ. Nhiều người ở tận vùng thổ ngơi của ca trù (Quảng Bình), rồi những vùng từng nổi tiếng với ca trù như Nghệ An, Lỗ Khê cũng phải ra nhà ông Mùi theo học. Công lao này không hề nhỏ. Khi Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể, gia đình ông Mùi cũng có đóng góp rất lớn.
Cú lội ngược dòng của ca trù
Kiều Anh sinh ra trong gia đình 7 đời hát ca trù. Ông nội của cô là ông Nguyễn Văn Mùi - nghệ nhân trống chầu cao tuổi nhất Việt Nam (83 tuổi), bác là NSƯT Nguyễn Văn Khuê chơi đàn đáy, đàn bầu; chú là NSƯT Nguyễn Mạnh Tiến chơi đàn đáy; cô là đào nương Nguyễn Thúy Hòa.
Kiều Anh học hát ca trù ở nhà từ 6 tuổi với người cô, học đàn tranh tại Học viện Âm nhạc từ năm 9 tuổi, bắt đầu đi diễn theo gia đình năm 7 tuổi.
Kiều Anh giành giải vàng Liên hoan Ca trù toàn quốc lần I năm 2005, giải A Liên hoan Dân ca toàn quốc năm 2009, hiện là sinh viên Khoa nhạc cụ truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. |
Sự kiện này có thể nhiều người không còn nhớ, nhưng đây là một dấu mốc của ca trù. Năm 1991, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết từ Pháp về Việt Nam làm cầu nối đưa ca trù tới Pháp và sau đó là những chuyến lưu diễn khắp Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh, Nhật, Thụy Sĩ… Năm 1996, con gái của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi là ca nương Thúy Hòa được trao giải thưởng Cú sốc âm nhạc của Pháp với số lượng đĩa hát phát hành tại đất nước này lên tới 200.000 bản. Đây quả thực là một cú sốc với âm nhạc Việt Nam, buộc người Việt phải nhìn lại di sản mà cha ông để lại.
Ông Mùi không thể nào quên những ngày Câu lạc bộ ca trù Thái Hà được đón rước cực kỳ long trọng tại Pháp. Buổi biểu diễn nào cũng đông kín người Pháp tới xem. Diễn xong thì gia đình ông Mùi lại bị bà con Việt Kiều kéo đi, nhiều người nghe ca trù xong đã khóc vì nhớ người thân. Mọi người đều cảm thấy được mở mày mở mặt vì Việt Nam cũng có âm nhạc tinh túy chứ không phải chỉ học âm nhạc phương Tây như người Pháp nói.
Lúc ngồi trên ô tô đi trên đường Paris, ông Mùi đã quay lại bảo cô con gái: "Hòa, con thấy chưa, ngày xưa bố bảo con học thì con khóc, bây giờ con được sang Paris biểu diễn". Trong xe người phiên dịch nghe câu chuyện của hai bố con liền kể ông nội của bà là tuần phủ Quảng Yên đã từng tặng một ca nương tài sắc tên là Tuyết một bài thơ. Ông Mùi đã chép lại và về so sánh thấy đúng với bài hát các bà cô ở nhà vẫn hát. Người ca nương mà người phiên dịch nhắc tới chính là cô ruột của của cụ thân sinh ra ông Mùi. Bà là Nguyễn Thị Tuyết, một ca nương tài sắc dưới triều Nguyễn.
Những hạt giống tốt đã lên mầmNghệ nhân Nguyễn Văn Mùi đánh giá Kiều Anh có tài bắt chước rất tốt. Ngoài ca trù cô còn có thể hát chèo, ca Huế, nhạc nhẹ, nhạc nước ngoài. "Kiều Anh hát "lai căng", rất nhạy cảm với cái mới, và sáng tạo".
Với sự nhạy bén của mình Kiều Anh đã tự tìm đường đi riêng. Cô tìm thấy cơ hội được hợp tác với nhạc sĩ Quốc Trung, mở ra cánh cửa đến với thế giới world music. Cô cũng tự đăng ký thi Vietnam's Got Talent, tại đó cô đã giới thiệu ca trù tới khán giả truyền hình. Ở thời mà nhạc ngoại rất được ưa chuộng trong các chương trình truyền hình thực tế, một thí sinh hát ca trù lọt vào đến top 4 thì quả là một sự kiện.
Kiều Anh đã làm ông nội rất vui. Với người già không còn gì hạnh phúc bằng khi chứng kiến con cháu hiếu thảo, thành đạt và đặc biệt lại giữ được nghề truyền thống của gia đình. Ông nội của cô, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi dù vẫn trăn trở với nghề nhưng về già lại tìm được nguồn an ủi từ con cháu: "Ca trù chưa được chú ý đúng mức, chúng tôi cũng hơi buồn tủi. Thôi thì mình cứ hết lòng phát huy truyền thống của gia đình và dạy bảo con cái. Tôi đã lưu lại nhiều tài liệu ca khúc, điệu vũ của ca trù cho các con và dặn chúng cố gắng truyền bá bộ môn này. Các con trai, con gái của tôi (trừ bố của Kiều Anh không theo nghiệp ca trù) giờ đều là nghệ nhân. Chúng nó đều có nghề nghiệp ổn định và sống tốt. Hai cháu gái cũng đã học làm ca nương. Thằng cháu đích tôn của tôi chỉ học mót bố thôi mà giờ đánh piano tốt lắm rồi. Mấy đứa cháu trai ban đầu sợ ca trù nhưng hôm nọ ra thủ thỉ ông ơi cháu đang tập đàn đáy. Các con tôi giờ trưởng thành đều biết ơn và phụng dưỡng cha mẹ. Tôi chẳng còn cần gì...".
Kiều Anh là một “hiện tượng” Kiều Anh trình diễn tại chương trình Vietnam's Got Talent. Nghệ thuật ca trù đòi hỏi rất khắt khe trong phương pháp thanh nhạc, không những phải thông thạo các lối hát khuôn - dằn - quán - xuyến rồi thét - rẫy - diệu - vợi... mà đào nương còn phải thuộc làu phép đánh phách để cùng hòa với các khuôn khổ của đàn không được sai phạm. Đối với Kiều Anh chúng tôi chỉ cần nghe thấy lối hát khuôn không bị chặn, khi dằn không bị ngang, khi thét không bị sa, bị hụt....là quá đủ để đánh giá sự phát triển của ca nương này. Cả nước có 3 nhạc viện lớn đều không dạy ca trù, không dạy cách hát với một phương pháp thanh nhạc có một không hai trên thế giới. Nên những gia đình đang gìn giữ ca trù như gia đình cụ Nguyễn Văn Mùi đang làm một công việc rất đáng quý. Bảo tồn ca trù bằng hình thức truyền dạy cho con cháu là một hình thức bền lâu. Không có tài liệu, sách vở hoặc công trình, băng đĩa nào bằng chính con người lưu giữ - Theo nhạc sĩ Thao Giang, người từng có nhiều năm sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian truyền thống. |
Hải Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần