'Hậu duệ' của thú chơi sách

11/05/2013 07:34 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, tại Quảng Ngãi, tác giả Trần Trọng Cát Tường đã cho xuất bản cuốn Về chốn thư hiên (NXB Hồng Đức, 375 trang). Đây có thể coi là sự tiếp nối cuốn sách nổi tiếng Thú chơi sách của cụ Vương Hồng Sển.

Nếu như Thú chơi sách của nhà sưu tập đồ cổ Vương Hồng Sển (1902-1996), xuất bản năm 1960 tại Sài Gòn, được xem là cuốn sách có khả năng khơi gợi hứng thú săn lùng các trước tác cũ, quý hiếm thì Về chốn thư hiên của thạc sĩ, bác sĩ Trần Trọng Cát Tường đi sâu vào phân tích, nhận diện các “thuật ngữ khoa học” về sách.



Tác giả và nhà sưu tập Trần Trọng Cát Tường tại tư gia của mình ở thành phố Quảng Ngãi

* “Hậu duệ” khoa học hơn

Thú chơi sách của cụ Vương Hồng Sển đã mở ra những hoàn cảnh vừa lý thú vừa éo le của người chơi sách. Ví dụ, đoạn viết về ông Lê Thọ Xuân như sau: “Một ông nữa cắp ca cắp củm, sưu tập nhiều bộ, nếu nay còn, là một kho tàng quý giá vô cùng, vì ông là nhà khảo cứu chuyên về sử học Việt Nam. Không bộ sách nào ông không có, nào Khâm Định, nào Thực lục, đủ cả, luôn những bộ môn sách Pháp như bộ Đô thành hiếu cổ, bộ Viễn Đông bác cổ, kịp năm loạn lạc, lớp bị đốt, lớp Tây lấy, lớp người ta dọn. Ông chỉ còn một cái cười hồn nhiên của nhà học giả chơn chánh, không buồn sắm nữa, cũng không hít hà”!

Thì Về chốn thư hiên của Trần Trọng Cát Tường đi vào sự chi li, đến cả con mọt sách cũng được “chỉ bệnh” rõ ràng: “Một tội phạm đáng lưu ý nữa là mọt (beetle), tên gọi côn trùng thuộc bộ cánh cứng (coleoptera), chuyên phá hại nông sản, lâm sản và các vật dụng bằng gỗ, tre, nứa... Riêng ấu trùng loài cánh cứng tên khoa học là stegobium paniceum (mọt bánh mì) gây thiệt hại cho sách vở, tài liệu lưu trữ nhiều nhất. Nhà chuyên môn đã gán một danh pháp thuần Việt như thế, đơn giản có lẽ vì bánh mì là một trong những nguồn thực phẩm ưa thích của loài cánh cứng này, nhưng trong ngôn ngữ thường ngày nó mang cái tên chung chung, quen thuộc hơn nhiều, mọt sách”. 

Nếu Thú chơi sách hấp dẫn vì những câu chuyện và văn phong viết giọng miền Nam tài tình, thì Về chốn thư hiên vững vàng vì cách đặt vấn đề khoa học, với lập luận và dẫn chứng, chú thích rõ ràng. Nếu Vương Hồng Sển có gắng khoa học hóa cuốn sách, dù nó vẫn đậm chất cảm tính và cảm hứng, thì Trần Trọng Cát Tường đi ngược lại, dù anh cố gắng văn chương hóa, nhưng chất học thuật vẫn hiển hiện, khó mờ lấp. Đây còn chưa nói đến hàng trăm thuật ngữ quốc tế về việc làm sách và chơi sách mà tác giả phải dịch hoặc nhuận sắc thành tiếng Việt. 


Bìa sách Về chốn thư hiên, có thể gọi là Thú chơi sách 2.

* Duyên nợ đưa đẩy

Trần Trọng Cát Tường (sinh 1967) tự bạch: “Tôi sinh trưởng trong một gia đình mà ba là một công chức cấp thấp dưới chính quyền Sài Gòn, má chọn nghề bán sách (nhà sách Quảng Ngãi nghĩa thục, sau đổi thành Tinh hoa) làm kế sinh nhai từ những năm 1970. Hoài niệm của tôi về một thời dĩ vãng là hình ảnh những giá sách cao phủ kín theo dọc hai bức tường, giữa lối đi như hun hút tiếp nối từ mặt đất lên đến trần nhà. Những tấm biển nhỏ nhắn và vuông vức gắn trên từng kệ: Học làm người, Tự lực văn đoàn, Từ điển…''

Đây có lẽ là cảm hứng hay lý do ngầm để anh trở thành nhà sưu tập có hạng hiện nay (với khoảng 15 ngàn quyển sách) và viết cuốn sách biên khảo này.

Nhưng cũng chính trong cuốn sách, anh lại cảm thán: “Tôi không dám nhận là kẻ chơi sách. Càng không dám tự cho rằng sành sỏi trong thú chơi này. Đọc sách, tôi có chút duyên nợ nên mới thành một tay ngang chơi sách tài tử. Tôi thu vén được gia tài tương đối khấm khá như thế nào? Câu hỏi đơn giản, vậy mà khó tìm được câu trả lời đích đáng. Chả nhớ mình bắt đầu sưu tập từ khi nào, từ chủ đích ban đầu là tìm tài liệu cho việc viết lách, dường như mọi thứ nảy sinh một cách tự nhiên như duyên hệ vốn có rồi vận vào, tôi trót phải lòng với thú chơi đậm chất quý phái mà không hề hay biết mình đã đi trên con đường sưu tập”.

Chính vì vậy, nhìn một một cách tổng thể, sau hơn nửa thế kỷ (tính từ 1960), nay thì giới sưu tập mới tìm được “hậu duệ” thứ nhất của Thú chơi sách. Còn lý do tại sao phải chờ lâu như vậy thì chưa thể có câu trả lời, dù số nhà sưu tập sách trong nửa thế kỷ qua phải tính đến con số hàng trăm.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm