12/02/2013 07:07 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Có rất nhiều điểm tương đồng giữa Trần Dũng Thanh Huy và Đỗ Quốc Trung. Cả hai đều sinh năm 1990, đều tốt nghiệp thủ khoa ngành đạo diễn điện ảnh tại Đại học Sân khấu & Điện ảnh miền Nam và miền Bắc vừa qua. Năm 2011, cả hai cùng lên nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất cuộc thi 48h Việt Nam lần lượt tại TP.HCM và Hà Nội rồi cùng nhận được bằng khen của Hội Điện ảnh. Năm 2012, phim 16:30của Huy đoạt giải Ong Bạc và 4 giải tại Tiệc phim ngắn trực tuyến quốc tế YxineFF thì Trực nhật với Thư Kỳcủa Trung cũng được trao giải Trái tim hồng của YxineFF.
Chu đáo, mạnh bạo và kiên trì
Huy đến với điện ảnh rất tình cờ, theo như cách anh thường nói thì “nghề nó chọn mình vậy”. Năm 16 tuổi, Huy đọc được trên mạng thông tin chiêu sinh của một khóa học làm phim do Viện Phim Việt Nam phối hợp với Thụy Điển tổ chức. Tò mò đăng ký “thử cho biết” và may mắn được chọn, suốt mấy tháng Hè, Huy mò mẫm học cách xây dựng ý tưởng đến lúc hoàn thành một bộ phim trọn vẹn. “Đó là một cảm giác sung sướng Huy chưa bao giờ trải qua. Huy là vận động viên điền kinh của quận 1, TP.HCM, lúc giành được giải Nhất cũng không cảm thấy “đã” như vậy” - Huy chia sẻ cảm xúc về bộ phim đầu tay của mình. Cảm giác đó thúc đẩy Huy làm nhiều phim khác và đi sâu nghiên cứu về điện ảnh cho đến khi điện ảnh trở thành một niềm mê đắm không sao dứt bỏ được.
Trần Dũng Thanh Huy và em trai Trần Minh Khoa - diễn viên nam chính xuất sắc của YxineFF 2012 với phim 16:30 |
Suốt mấy năm dùi mài ở Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM, Huy luôn ý thức về sự tự học. Huy chịu khó hỏi thăm các anh chị về những bộ phim đang được quay trong thành phố và lặn lội đến tận nơi để quan sát học hỏi. Nhiều bạn sinh viên đổ lỗi cho việc không có tiền làm phim mà không biết rằng Huy đã thực hiện những bộ phim đầu tiên của mình khi trong tay chưa có tới 500 ngàn đồng. Huy kể: “Diễn viên thì mình nhờ bạn bè đóng, máy quay phim Huy đi mượn, có cái nào dùng cái nấy. Huy cùng ê-kíp tự thiết kế trang phục, dựng hiện trường, tự quay rồi lại tự dựng phim trên cái máy tính cùi bắp của mình”.
Những bộ phim đầu tiên được làm ra, không có khán giả, cả nhóm tự ngồi xem với nhau. Sau đó nghĩ cứ tự xem, tự nhận xét thì biết đến bao giờ mới tiến bộ được, Huy cùng mấy người bạn tìm đến những quán cà phê có chiếu phim. Chủ quán nghi ngờ trước một đám trẻ lạ hoắc không tên tuổi, có lúc gây khó dễ. Huy phải nài nỉ, thậm chí cả trả tiền để bộ phim của mình được chiếu cốt sao đo được phản ứng của khán giả.
Đối với các nhà làm phim trẻ như Huy, việc xin được tài trợ từ các hãng phim tư nhân để làm phim không dễ dàng. Muốn thành công, Huy luôn tâm niệm phải chu đáo, mạnh bạo và kiên trì. Với bộ phim 16:30, Huy đã chuẩn bị 18 trang kịch bản cùng với 60 trang đề án để gửi các nhà tài trợ. Những nhà tài trợ đầu tiên từ chối vì đề tài chưa đủ hấp dẫn với họ, Huy vẫn không nản chí, tiếp tục gửi hồ sơ của mình đến nơi khác. Sau 3 tháng mòn mỏi chờ đợi kết quả, HK Film, Blue Productions, Công ty Vân Tuấn và 3 nhà tài trợ cá nhân khác nữa đã nhận lời “đỡ đầu”. Hai người bạn của Huy hỗ trợ về máy quay phim. Diễn viên chính trong phim lại là em ruột của Huy, người mà Huy bằng hết quyền uy của một ông anh đã bắt cậu em học thuộc lòng kịch bản và đày nắng cho đen để phù hợp với vai diễn. Nhìn lại bộ phim, Huy hồ hởi tâm sự: “Tất cả đều được tài trợ và mình không tốn đồng nào ngoài tiền uống cà phê những lúc chờ nắng”.
Huy tâm sự dù trải qua bao nhiêu khó khăn nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề - dù chỉ là một lần. Hiện Huy đang tập trung viết kịch bản cho 17:30, bộ phim dài đầu tay của mình. Câu chuyện tiếp tục lấy cảm hứng từ đời sống bụi đời của một nhóm trẻ em đi bán vé dò kết quả xổ số với phong cách nghệ thuật nhất quán như trong bộ phim ngắn làm nên tên tuổi của Trần Dũng Thanh Huy thời gian vừa qua.
Khó khăn duy nhất là bất tài
Hồi cấp 2, Trung rất thích đi đóng phim và được một số đạo diễn mời làm diễn viên phụ. Cậu bé 15 tuổi thấy bất mãn vì “tại sao mình muốn kể chuyện thế này, ông đạo diễn lại bắt mình làm thế khác” liền nung nấu ý định học đạo diễn với suy nghĩ làm đạo diễn rồi thì “muốn đóng vai nào chả được”.
Suốt những tháng ngày thơ ấu ấy, thú vui duy nhất của Trung là chơi trò “hộc tủ tưởng tượng”. Một ngăn kéo được dựng lên làm nhà hát, những chiếc đèn pin được bọc giấy gói oản làm đèn màu, những quân cờ domino được lật ngược mặt đen lên làm bục sân khấu. 8 năm trời đi học võ, Trung không đi chơi với ai, cũng chẳng học hành gì, chỉ mải mê dựng vở, diễn kịch với những tượng sứ cho đến khi đỗ thủ khoa Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.
Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung |
Bố mẹ Trung rất phiền lòng khi thấy con trai theo điện ảnh vì cả nhà Trung đều làm kinh doanh, không ai theo đuổi nghệ thuật. Trung không dám dựng phim ở nhà vì biết bố mẹ không thích cảnh mình ngồi lì bên máy tính. Mỗi lần dựng phim, Trung ăn ngủ ở TPD (Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh), chỉ tạt qua nhà vài ba tiếng mỗi ngày để thay quần áo hoặc ăn uống. Trong 4 năm học Trung tự xoay xở lấy tiền đóng học phí và tiền làm phim ngắn mà không phải hỏi xin bố mẹ, thường là bằng cách học thật giỏi để lấy học bổng hoặc đi làm thêm bên ngoài. Trung kể có những hôm trời mưa, phóng xe về nhà, Trung vừa đi vừa khóc vì mất học bổng: “Học bổng thì chỉ một triệu hai một học kỳ, mỗi tháng chỉ khoảng 300 nghìn, nhưng đỡ được học phí của mình rất nhiều. Giờ nghĩ lại sao mà thấy khổ, thấy thương mình thế”. Bốn năm ở trường Trung chỉ nhận lời đi làm thêm những công việc có liên quan đến điện ảnh, “mà cũng không dám nhận nhiều, để còn dồn sức xem phim và đọc sách”.
Mỗi năm khi được các giải thưởng điện ảnh, Trung bắt mình dành ra 1 triệu bỏ vào phong bì để mỗi tháng đều có tiền xem phim ngoài rạp mà không quá lăn tăn về vấn đề tài chính. Trung quan niệm xem phim để học khác với xem phim để thưởng thức, người làm phim cần phải xem một cách bài bản và hệ thống. Có tháng, Trung chỉ xem phim của Alfred Hitchcock, có tháng chỉ xem phim của Vương Gia Vệ. Đối với một đạo diễn, Trung bao giờ cũng cố gắng xem hết phim của người đó, để hiểu được cuộc đời ông ấy có mấy phim xuất sắc, phim sau so với phim trước chịu ảnh hưởng và phát triển thêm điều gì, để có được danh tiếng như ngày hôm nay bộ phim đầu tay của ông ấy đã như thế nào. “Điều này rất quan trọng. Nếu bạn chỉ xem duy nhất Titanic của James Cameron bạn sẽ ngợp. Nhưng nếu bạn xem bộ phim đầu tay của ông ấy và nghĩ mình có thể làm được như vậy thì biết đâu một ngày nào đó bạn có thể làm nên Titanic”.
Cảnh trong phim Trực nhật với Thư Kỳ, giải Trái tim hồng (Phim được khán giả yêu thích nhất) YxineFF 2012 |
Ngoài xem phim, Trung đọc sách rất nhiều, đủ loại: từ sách nghiên cứu điện ảnh đến văn học rồi các sách về địa lý, lịch sử để tăng vốn hiểu biết. Trung tăng cường học tiếng Anh vì hiểu rằng một đạo diễn của thế hệ mới phải có khả năng đối thoại với thế giới không cần đến phiên dịch, có như vậy tác phẩm mới có cơ hội vươn ra được nước ngoài.
Khác với Huy, Trung muốn đi theo dòng phim tác giả và luôn dằn vặt giữa việc làm một bộ phim theo ý mình và một bộ phim chiều lòng khán giả. Dù bộ phim Trực nhật với Thư Kỳ với câu chuyện đi thẳng vào những băn khoăn của tuổi trẻ học đường được giải Trái tim hồng (Khán giả bình chọn) của YxineFF 2012, Trung vẫn cảm thấy buồn bởi với bản thân anh, đây là phim dễ dãi với khán giả hơn cả so với những bộ phim anh làm trước đó. Hiện Trung đang ấp ủ ý tưởng cho bộ phim dài đầu tay về đề tài học trò và vẫn đang phân vân giữa hai hướng phát triển trên.
Khi được hỏi về khó khăn của các đạo diễn trẻ, Trung khẳng định chẳng có khó khăn nào cả. Những bộ phim mà Trung làm đều có sự hỗ trợ rất lớn của bạn bè, mọi người chẳng bao giờ đòi hỏi quyền lợi, thậm chí còn bỏ tiền thêm để mua suất ăn của mình. Rồi các đạo diễn đi trước như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn…cũng hỗ trợ và bảo ban rất nhiều. “Khó khăn duy nhất là bất tài. Mọi người đã giúp đỡ như thế rồi mà không làm được phim là tại mình thôi” - Trung thẳng thắn.
Anh Trâm - Mạnh Cường Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất