Hai cha con viết chung cuốn sách

27/04/2013 06:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Nguyễn Tiến Toàn và TS Nguyễn Tiến Huy vừa có buổi ra mắt cuốn sách Người lập nghiệp (NXB Văn học) dày 350 trang. Họ là hai cha con, cha là nhà văn kiêm giám đốc doanh nghiệp xe lăn, con là tiến sĩ kinh tế.

Nhà văn Ngô Thảo, nhà thơ Lê Thị Kim (bìa phải) chúc mừng nhà văn Nguyễn Tiến Toàn ra sách Người lập nghiệp

1. Nhà văn Nguyễn Tiến Toàn (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM) sinh năm 1945 tại Phú Yên. Ông hiện là giám đốc doanh nghiệp sản xuất xe lăn tay Kiến Tường dành cho người tàn tật.

Trước khi xây dựng được thương hiệu xe lăn tay Kiến Tường, Nguyễn Tiến Toàn trải qua rất nhiều ngành nghề trong nghèo khó. Ông kể có lần con gái của ông bán thuốc lá ở hè đường đã bị một người đàn ông mua thuốc không trả tiền. Nhìn thấy con gái khóc ông đã khóc theo và quyết tâm thoát nghèo. Về nghĩa của từ “Kiến Tường”, theo ông Toàn thì “Kiến là thấy, Tường đơn giản là bức tường. Nhìn thấy bức tường chắn ngang cuộc đời mình để tìm cách vượt qua nó”.

Mặc dù làm kinh doanh nhưng ông Nguyễn Tiến Toàn luôn suy tư và giúp đỡ cho những thân phận bất hạnh. Chính vì điều này đã khơi dậy niềm đam mê văn chương từ nhỏ trong ông. Ông viết sách và đã in: Những nẻo đường đi qua (NXB Trẻ 1999, tái bản NXB Văn học 2012), Khát vọng tuổi thơ (NXB Hội Nhà văn 1999, tái bản NXB Văn học 2012), Đất lạ (NXB Văn hóa Sài Gòn 2006, tái bản NXB Thời đại 2012), Xứ sở nụ cười (NXB Văn học 2009)…

Nguyễn Tiến Toàn chơi rất thân với các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Ngô Thảo, nhà thơ Thu Bồn, Nguyễn Duy, Thiên Hà và rất nhiều văn nghệ sĩ khác. Các tác phẩm của Nguyễn Tiến Toàn vừa thể hiện hồi ức trong quá trình vươn lên lập thân, lập nghiệp; vừa cung cấp nhiều thông tin lý thú về những địa danh mà tác giả từng đi qua lại thể hiện được góc nhìn đầy nhân ái của người viết.

Nguyễn Tiến Toàn và cố nhà thơ Thu Bồn có rất nhiều kỷ niệm với nhau. Ông chính là người cạo râu lần cuối cho Thu Bồn trước khi tiễn nhà thơ về cõi vĩnh hằng.

Trong Người lập nghiệp có nhiều câu chuyện nghĩa tình giữa Nguyễn Tiến Toàn và các bạn văn của ông đầy xúc động. Như chuyện Nguyễn Tiến Toàn đi thăm nhà văn Ngô Thảo bị bệnh nặng phải mổ phanh ổ bụng. Tiến Toàn động viên Ngô Thảo: “Chiếc bụng được mổ từ ngực xuống rạch một đường dài cho hờn tủi, khổ đau và hận thù tuôn ra. Chỉ còn yêu thương ở lại”.

2. Còn Nguyễn Tiến Huy (tiến sĩ kinh tế) là con trai của nhà văn Nguyễn Tiến Toàn, anh hiện là giảng viên đại học. Khác với những trải nghiệm của cha mình, trong Người lập nghiệp, TS Nguyễn Tiến Huy chia sẻ với bạn đọc, nhất là độc giả trẻ, những đúc kết dành cho người mới khởi nghiệp. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy lâu năm của mình, những điều TS Nguyễn Tiến Huy viết trong Người lập nghiệp, hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm của người trẻ.

Nhìn bề ngoài, ít người nghĩ Nguyễn Tiến Toàn có thể mộng mơ khi cầm bút, nhưng như nhà văn Nguyễn Quang Sáng đánh giá: “Không thể tin Tiến Toàn có thể viết văn, nhưng anh đã làm được. Anh làm doanh nghiệp sản xuất xe lăn cho người tàn tật nên anh viết văn để chia sẻ với nỗi đau khổ của kiếp người chăng?”.

TRẠC TUYỀN
Thể thao & Văn hóa

Biên soạn “Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể”

Tại buổi ra mắt Người lập nghiệp, nhà văn Nguyễn Tiến Toàn và bằng hữu (Nguyễn Duy, Ngô Thảo, Nguyễn Quang Sáng) đã thông tin về kế hoạch kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn. Trước mắt, nhóm bạn này đang tập hợp bản thảo các bài viết về Thu Bồn để ấn hành một cuốn sách, dự kiến sách ra mắt trước ngày giỗ Thu Bồn (17/6/2003 – 2013).

Cuốn sách về tác giả Trường ca Chim Chơ-rao được nhà văn Ngô Thảo tiết lộ sẽ lấy tên: Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể dự kiến do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Những ai có kỷ niệm với tác phẩm và con người Thu Bồn có thể gửi bài tham gia cuốn sách này vào: nvngothao@gmail.com trước 10/5.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm