Giải Vàng Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 Phi Long: Bất ngờ và táo bạo

13/05/2013 16:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi cái tên Phan Nhật Phi Long được xướng lên ở giải thưởng cao nhất cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 hôm 3/5 vừa qua, Long bất ngờ đến gần như…mất ý thức, và sau đó thì…bệnh luôn. Tâm huyết với tác phẩm đầu tay mang đậm màu sắc đương đại, vở kịch Xin một cái tên, Long chỉ nghĩ là “xin một cái tên” trong làng đạo diễn sân khấu, nào ngờ, lại giành luôn vòng nguyệt quế!

Từ tuổi thơ dữ dội

“Chuyện đời tôi có thể viết thành tiểu thuyết hoặc làm phim truyền hình đó”, Long hóm hỉnh. Có khiếu ca hát từ bé, mới 3 tuổi Long đã có mặt trong các chương trình nghệ thuật quần chúng ở Bến Tre. Khi gia đình chuyển lên TP.HCM, Long tiếp tục tham gia sinh hoạt ở các nhà thiếu nhi trong thành phố. Năm 6 tuổi, từ hát, cậu chuyển sang thích múa và theo học tại Trường Nghệ thuật múa TP.HCM từ năm 12 tuổi. Ban đầu, gia đình cũng khá lo lắng về sở thích loại hình nghệ thuật có vẻ không được mạnh mẽ cho lắm của con trai.

Nhưng rồi chính những biến cố về kinh tế của gia đình cũng đưa đẩy Long gắn bó với nghề múa (đến tận hôm nay). 13 tuổi, Long đã biết kiếm tiền khi gia nhập vũ đoàn múa cho những show ca nhạc, chương trình hội chợ, đám tiệc… “Tôi ăn cơm Tổ rất sớm. Ban đầu tưởng chỉ là hoạt động chơi chơi để thỏa mãn lòng đam mê. Nhưng không ngờ những món tiền nho nhỏ kiếm được ấy lại là nguồn cho tôi đóng tiền học, nuôi sống tôi”, Long chia sẻ.

Đạo diễn trẻ Phan Nhật Phi Long

Vào nghề và có những trải nghiệm cuộc sống quá sớm đã trui rèn cho Phi Long bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng cũng như tinh thần không ngại khó, ngại khổ, không sợ thất bại, nhưng cũng để lại “di chứng” trong tâm hồn anh. “Hoàn cảnh buộc tôi phải bươn chải, phải có những trải nghiệm quá sớm ngay ở cái tuổi phải được đi học, được đi chơi. Đôi khi nhìn lại cũng thấy tủi. Với những kinh nghiệm đã có được ngày hôm nay tôi cũng không biết đó có phải là may mắn hay không nữa. Tôi chỉ biết mình rất trân trọng đồng tiền mình làm ra và tình cảm của những người đã giúp đỡ mình. Có một “tuổi thơ dữ dội” nên tôi rất hay lo lắng và suy nghĩ nhiều về tương lai, những việc mình làm và rất sợ đánh mất những gì đã nỗ lực hết sức để đạt được”.

Có lẽ vì thế mà đôi khi Phi Long vô tình dựng lên những “bức tường” xung quanh mình để “tự vệ”. “Kém may mắn hơn nhiều người nên tôi luôn ở cái thế tự bảo vệ mình và luôn sợ làm gánh nặng cho mọi người. Ngay cả với chính gia đình, khi gặp biến cố, tôi cũng tự ý thức và cố gắng để mình không là gánh nặng. Tôi luôn sợ phải làm phiền hay vay mượn tình thương của ai vì nợ tình cảm là thứ rất xa xỉ khó thể trả được”…

Tốt nghiệp trường múa và có bằng biên đạo, Long lại muốn dấn thân ở lĩnh vực sân khấu vì thích làm nhạc kịch. Nhưng “cơm áo không đùa…”, chàng thủ khoa đầu vào lớp diễn viên Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM Phi Long đã bỏ học chỉ sau nửa năm để đi múa kiếm tiền. Lần thứ hai quay lại lớp diễn viên của Long cũng dang dở vì gánh nặng “cơm áo”. Phải đến khi “bén duyên” cùng màn ảnh truyền hình thì con đường nghệ thuật của Phi Long mới có vẻ bớt gập ghềnh. Từ vai diễn đầu tiên ở phim truyện nhựa Gió thiên đường, sự nghiệp phim ảnh của Long thăng tiến nhanh với nhiều bộ phim truyền hình được yêu thích: Kiều nữ và đại gia, Áo cưới thiên đường, Mùa Hè sôi động…

Nhưng khi cái tên “lạ hoắc” Phi Long chiến thắng ngoạn mục ở giải Mai Vàng 2009 cho vai “Thái khờ” (Áo cưới thiên đường) những tưởng là phần thưởng xứng đáng cho quá trình nỗ lực đã qua thì lại trở thành kỷ niệm buồn khi “những chuyện bên lề, những lời đàm tiếu, thị phi” đã gần như rũ bỏ sạch trơn mọi cố gắng của người diễn viên. Và khi những đoạn trailer “nóng bỏng” của bộ phim đề tài đồng tính Trần trụi (đạo diễn: Hoàng Thơ) phát tán khắp nơi thì cái tên Phi Long bỗng “hot” hơn bao giờ hết.

Cũng từ đó, Long “chết” một biệt danh không mấy hay ho và đầy xúc phạm. Lăn lộn trong giới nghệ thuật ngay từ tuổi thiếu niên, chưa bao giờ Long lại choáng váng và mất phương hướng đến vậy. Không biết phải làm gì nữa, Long chọn cách dừng lại: “Sau vai diễn nhiều thị phi đó, kịch bản gửi cho tôi quá trời mà toàn vai… bóng! Phải hai năm sau tôi mới trở lại màn ảnh với vai Liêu Thủ Tâm trong bộ phim truyền hình lịch sử Về đất Thăng Long. Cũng là một vai đồng tính và gần như được “đo ni đóng giày” cho tôi. Tôi hoàn toàn không ngại vai đồng tính nhưng nhân vật phải hợp lý và có số phận như thế nào kìa. Chứ còn chỉ để cho có màu sắc thì… thôi”.

Vở kịch thể nghiệm Xin một cái tên được đánh giá rất cao bởi tư duy đạo diễn rất táo bạo.

Đến với Xin một cái tên

Lợi thế của đạo diễn trẻ chỉ là sức khỏe và máu lửa. Chứ khi tốt nghiệp xong nhìn ra thấy cơ hội làm nghề bít bùng quá- đạo diễn trẻ Phan Nhật Phi Long

Trong giai đoạn nhiều thị phi đó, Long quyết định quay lại với sân khấu. Anh kể: “Sau khi đoạt giải Mai Vàng tôi biết mình phải trở lại trường học. Tôi muốn học đạo diễn vì thấy mình còn thiếu quá nhiều thứ, học để biết mình phải làm nghề như thế nào”. Và Xin một cái tên đã không chỉ cho Long thêm cái bằng đạo diễn mà trên hết là Long đã thể hiện được quan điểm nghệ thuật của mình cũng như được thừa nhận năng lực. Chọn một đề tài nhạy cảm - vấn nạn nạo phá thai - với một hình thức thể hiện phá cách: thoại kịch kết hợp múa hình thể, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và cả kịch tương tác, Xin một cái tên với sự bùng nổ cảm xúc của người diễn viên đã tác động mạnh mẽ đến người xem, lôi cuốn khán giả vào một không gian kịch hư ảo mà sống động.

Phi Long cho biết mình làm vở trước hết là cho bản thân từ những trải nghiệm đã xảy ra trong gia đình: “Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn bè, thầy cô đã chia sẻ, đồng cảm với tôi kể cả những bí mật mà họ không biết phải “giải thoát” như thế nào. Xin một cái tên  không kể một câu chuyện riêng nữa mà là câu chuyện chung của rất nhiều người. Tôi muốn làm một cái gì đó để xoa dịu nỗi đau của mình, để hướng tới tương lai. Tại sao ta lại không chia sẻ sự thanh thản với mọi người?”.

Và quỹ từ thiện Xin một cái tên đã ra đời trong quá trình phát triển vở, biểu diễn được 4 suất doanh thu ủng hộ cho các tổ chức nuôi dạy trẻ mồ côi. “Hiện tại, chúng tôi vẫn đang gõ cửa khắp nơi và hy vọng có một cánh cửa màu nhiệm nào đó mở ra để giúp Xin một cái tên đến với các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường cấp ba… - những nơi vấn nạn nạo phá thai đang nổi cộm. Nếu được, chúng tôi sẽ đưa vở lưu diễn khắp cả nước và đóng vai trò tuyên truyền viên cho các vấn nạn xã hội”, Phi Long khẳng định.

Gặt hái thành công ở tác phẩm đầu tay dĩ nhiên rất đáng mừng và cũng hứa hẹn nhiều cơ hội trước mắt nhưng Phi Long vẫn tỏ ra thận trọng và rất thực tế: “Với đạo diễn trẻ như chúng tôi thì lợi thế chỉ là còn sức khỏe và máu lửa hơn thôi. Chứ khi tốt nghiệp xong nhìn ra thấy cơ hội làm nghề nó… bít bùng quá. Bản thân tôi không nhạy cảm để nắm bắt thị hiếu của khán giả. Sân khấu ăn khách cần phải nhiều chiêu trò mà tôi thấy mình khó phù hợp... Nhưng tôi tin rằng mình thừa sức đưa khán giả đến với mình theo một kiểu khác. Và như vậy thì cần cả thời gian và tiền bạc nữa. Thời gian thì có thừa, chỉ còn vấn đề “đầu tiên” thôi…”.

NGỌC TUYẾT
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm