Giải thưởng Hội Nhà văn 2012: Mỗi ô cửa mở ra những đời sống khác

30/01/2013 07:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là những tác phẩm có đóng góp nhất định trong đời sống văn học năm 2012. Mỗi tác phẩm của các nhà văn được giải thưởng và bằng khen là mỗi ô cửa mở ra những hướng khác nhau cho chúng ta nhìn thấy đầy đủ hơn con người và đời sống này. Mỗi người không bao giờ là tất cả, nhưng tất cả là sự cộng lại của mỗi người. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN - phát biểu khẳng định trong lễ trao giải thưởng và kết nạp 25 hội viên mới diễn ra sáng qua (29/1) tại Hà Nội.

Theo thông tin từ Hội Nhà văn VN, sau khi có thông báo kết quả giải thưởng và bằng khen của Hội đồng chung khảo mặc dù chưa được Ban Chấp hành Hội thông qua, nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam đã gửi thư ngỏ trên một số trang web từ chối nhận bằng khen. Việc nhận hay từ chối bằng khen là quyền của tác giả và là chuyện bình thường. Nhưng nó bất thường bởi từ đó trực tiếp hay gián tiếp đã tạo ra một cái nhìn sai lệch về công tác xét giải thưởng và có những xúc phạm đến các thành viên của Hội đồng sơ khảo và chung khảo và chính các tác giả được giải. Mặc dù vậy, trong phiên họp ngày 21/1 vừa qua, Thường vụ Hội Nhà văn VN vẫn công nhận những đóng góp ở khía cạnh nào đó của hai tác phẩm này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (giữa) trao giải cho nhà thơ Trần Quang Quý và Phạm Đương

Giá trị đổi mới

Nhận xét về các tác phẩm đoạt giải thưởng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết: Thành phố đi vắng cảnh báo một đời sống của vô cảm, ích kỷ, thù hận và gián tiếp dự báo một tội ác kinh hoàng hơn trong tương lai nếu lương tâm con người không được đánh thức, nó đã thực sự làm đầy thêm hồ sơ sáng tạo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Ở giải lý luận phê bình, cuốn Đa cực và điểm đến của nhà văn Văn Chinh là cách nhìn của một nhà văn về đời sống văn học VN đương đại. Cách viết phê bình của một người trực tiếp sáng tác mà cụ thể ở đây là Văn Chinh, luôn tìm cách ra sát đường biên hoặc vượt ra ngoài đường biên của lý lẽ nhiều lúc khô cứng để chạm vào những vùng mờ tối của văn bản. Chính cách này đã giúp cho người đọc có cơ hội lọt được vào những vùng mờ tối của con người nhà văn hay vùng mờ tối của văn bản nghệ thuật.

Diện mạo và tinh thần của đời sống văn học VN năm 2012 đã hiển thị đủ đầy, các khuynh hướng sáng tác đa dạng, đã cho thấy việc đón chào các giá trị của đổi mới, cho thấy lương tâm và trách nhiệm của nhà văn trước số phận con người, tình yêu và sự kiêu hãnh của dân tộc.


Các tập thơ giành giải thưởng Văn học năm 2012.

Đã có đủ lý do để nở một nụ cười

Đối với tập Trường ca chân đất của Thanh Thảo, trao đổi riêng với TT&VH nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn cho rằng: “Một ăng-ten không nhạy với sóng âm lịch sử ngay giữa đời thường, khó mà trường ca. Một trái tim chỉ quen đập nhịp mòn trong lồng ngực hẹp, chớ có trường ca. Và trường ca cũng không thể nào cất lên ở một giọng nghèo dư chấn. Chấn động những ngày này đã dội vào cái tôi Thanh Thảo. Nó đòi Thanh Thảo phải cất lên bằng ngôn ngữ trường ca.

Và tôi đã nhớ tới cuốn sách xuất bản năm 2006 hiện đang ăn khách khắp thế giới của nữ văn sĩ Mỹ Elizabeth Gilbert Ăn, cầu nguyện, yêu kể về hành trình đi tìm sự cân bằng cho thế giới tinh thần của mình, được viết thành 108 mẩu nhỏ dựa theo số lượng và cấu trúc của chuỗi tràng hạt (japa mala) mà các tín đồ Hindu giáo và Phật giáo thường lần để tập trung thần trí khi tham thiền. Nhờ đó, cuốn sách càng đậm màu thực nghiệm tâm linh. Trường ca chân đất là cuộc hồi hướng về nhân dân trong cái thời đương đại này, với cái tâm thành của một con dân đất Việt dành cho nhân dân mình”.

Tại lễ trao giải thưởng, khi được hỏi cảm xúc “tân khoa” của mình, nhà thơ Phạm Đương cho biết: “Có nhiều những chia sẻ công tâm, chân tình và thẳng thắn, mình cũng cầu thị lắng nghe. Tác phẩm có đời sống riêng của nó, nhiều ý kiến chê một số chỗ, kể cả của đồng nghiệp và độc giả, không làm tôi buồn mà chỉ ấm lòng hơn bởi sự quan tâm đến văn học, đến kẻ viết trong hành trình sáng tạo đầy những âu lo và thử thách. Vượt khỏi thời gian, quy ước xã hội, vượt qua những hệ lụy trần tục, ở đó tôi có giờ riêng của mình, sống với chính mình, đôi lúc có cả huy hoàng, có cả những âm thầm. Có người hỏi tôi, rằng bài thơ nào tâm đắc, là “đỉnh” nhất trong tập thơ Giờ thứ 25, nói gì nhỉ, đã là sản phẩm tinh thần, đứa nào tôi cũng thương hết”.

“Mỗi tác phẩm cho dù còn những khiếm khuyết, còn những đòi hỏi khắt khe của đồng nghiệp và bạn đọc thì chúng ta cũng phải thừa nhận đó là những nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi, hay nói đúng hơn là những nỗ lực sống của mỗi con người tác giả”. Nỗ lực đó là gì, nếu không phải đi trên cái thiện, cái mỹ chống lại cái ác, sự vô cảm. “Và chỉ như thế thôi, chúng ta đã có đủ lý do để nở một nụ cười, để nói một lời thân ái với nhau và chúc mừng những nỗ lực của nhau”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ thêm.

Nhà thơ Thanh Thảo tặng tiền thưởng làm từ thiện

Toàn bộ số tiền thưởng 20 triệu đồng từ giải thưởng văn học 2012 được nhà thơ Thanh Thảo quyết định trao cho học sinh nghèo tại Trường THPT Sơn Mỹ, Quảng Ngãi. Nhà thơ cho biết, Quỹ Vì trẻ em Sơn Mỹ do chính ông sáng lập và duy trì hoạt động 16 năm nay. Năm 2013, Quỹ sẽ trao 25 suất học bổng, mỗi suất trị giá một triệu đồng. Dự kiến, học bổng sẽ trao vào ngày 2/2 tới.

Trả lời câu hỏi về sự vắng mặt tại lễ trao giải sáng qua, phải chăng vì có những dư luận trái chiều trên mạng xung quanh giải thưởng này, nhà thơ trả lời: “Phải tiết kiệm chứ, đi lại ăn ở tốn kém, mà tôi lại muốn có thêm chút tiền để giúp các trẻ em nghèo”.

Đông Phương Hồng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm