“Giải mã” huyền thoại nỏ thần Cao Lỗ

17/01/2013 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Danh tướng Cao Lỗ thời Âu Lạc là người “bằng xương bằng thịt” hay sản phẩm sáng tạo của dân gian? Chiếc nỏ thần bắn ra vạn mũi tên do ông sáng chế là có thật, hay chỉ đến từ ước mơ của cha ông trong quá trình giữ nước?

Đó là nội dung chính của cuộc hội thảo khoa học về danh tướng Cao Lỗ do Hội Khoa học Lịch sử VN và tỉnh Bắc Ninh tổ chức tại Hà Nội vào 16/1. Trước đó, trong nhiều năm, câu chuyện này cũng thường xuyên được “nâng lên đặt xuống” trong giới nghiên cứu.

Từ huyền sử tới chính sử

Cách nay hơn 2.000 năm, hình tượng Cao Lỗ phần nào được phủ lên một lớp sương mù từ sự thần thánh hóa của dân gian. Thế nhưng, những truyền thuyết và văn bản ghi chép về ông đều gặp nhau ở một số điểm chung: là danh tướng trụ cột của nước Âu Lạc,  gắn bó với hầu hết các sự kiện trong giai đoạn này như xây dựng Loa Thành, chiến đấu chống quân xâm lược Triệu Đà. Đặc biệt, trong rất nhiều thư tịch cổ của VN và Trung Quốc, Cao Lỗ  luôn được coi là người chế ra loại “nỏ thần” trong truyền thuyết. Thậm chí, cái tên Cao Lỗ có thể cũng xuất phát từ cụm từ “Cao Nỗ” (Tiếng Hán: chiếc nỏ của ông họ Cao).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) và GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN) tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN

“Khác nhau, nhưng lịch sử và huyền thoại luôn có sự quan hệ mật thiết. Bởi xét cho cùng, huyền thoại chính là lịch sử được ghi lại qua nhãn quan và sự sáng tạo của dân gian” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét. Từ một nhân vật lịch sử được cho là có thật, những truyền thuyết dân gian đã đưa Cao Lỗ và chiếc nỏ thần trở thành biểu tượng của sự sáng tạo, cũng như tinh thần đoàn kết, trọng dụng nhân tài của dân tộc Việt.

Đáng thú vị hơn, khi nhắc tới cuộc xâm lược của Triệu Đà trước Công nguyên, nhiều bộ cổ sử Trung Quốc cũng nhắc tới vai trò của nỏ thần - cho dù có sự khác biệt về “mật độ” sát thương. Theo đó, “mỗi phát nỏ giết được ba trăm người”  (Giao Châu ngoại vực ký), “một phát giết vạn người” (Nam Việt chí), “một phát tên đồng xuyên qua hơn ba chục người” (Việt kiệu thư).

Thực tế, nhu cầu “giải mã” vũ khí nỏ thần đã được đặt ra từ năm 1959, khi giới khảo cổ phát hiện kho tàng hàng vạn đầu mũi tên đồng dưới chân thành Cổ Loa. Có tổng trọng lượng gần một tạ, các đầu mũi tên này được chế tạo hoàn hảo và sắc nhọn, có ba cạnh đều nhau, trụ thân và họng để tra kèm thân tên bằng tre. Tiếp đó, trong các năm 1982 và 2005, dấu vết các xưởng đúc mũi tên này cũng được phát hiện tại Cổ Loa, mang niên đại trước Công nguyên.

“Đầu mũi tên dài 10cm và khá nặng. Tương ứng, thân tre lắp vào mũi phải có chiều dài từ 80 đến 100cm. Để phóng được những mũi tên ấy, chắc chắn hệ thân nỏ phải được thiết kế hoàn hảo, với kết cấu vững và mang sức bắn cực kỳ cao”, PGS Trịnh Sinh (Viện Sử học VN) nói. Theo lời ông, việc phục dựng lại mô hình nỏ Liên Châu (bắn nhiều mũi tên) - xuất xứ của huyền thoại nỏ thần - là nhu cầu mà thực tế đặt ra với rất nhiều ngành lịch sử và khoa học quân sự.

Lẫy nỏ Đồng Vạc, có niên đại trước công nguyên, được cho là "bí kíp" để tạo nên sức mạnh của nỏ thần

Đã phục chế được “nỏ thần”

Trong nhiều năm gần đây, các tư liệu ít ỏi về nỏ thần đã được sưu tầm và phân tích khá kỹ. Đó là hình đúc người bắn nỏ trên trống đồng Đông Sơn, cũng như hình dạng của chiếc “nỏ thần” được nhân dân Cổ Loa  sử dụng trong các lễ rước trước 1945. Chiếc “nỏ thần” trong lễ rước này làm bằng... giấy, nhưng lại có một thanh ngáng bằng gỗ, trên đó đục nhiều lỗ và lắp vào các mũi tên. Đặc biệt, theo địa phương, đã có lần người dân Cổ Loa tìm thấy một chiếc ống đồng được cho là bộ phận gài tên của nỏ thần với chiều dài nửa mét, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như cây sáo.

Từ những năm 2000, một nhà nghiên cứu là kỹ sư Lê Minh Hồng đã phác họa cấu trúc nỏ thần theo mô hình của một chiếc nỏ “tích hợp” nhiều cánh nỏ. Theo mô hình này, “nỏ thần” trong lịch sử có chiều dài tầm 4m, với hệ thống từ 2 đến 5 cánh nỏ bố trí dọc trục thân. Nếu có một lẫy nỏ đủ vững để chịu lực, sức bật liên kết từ các nhóm cánh nỏ sẽ đạt mức rất cao, để khi bắn có thể phóng ra một loạt mũi tên với uy lực khủng khiếp.

Tuy nhiên, mô hình nỏ thần do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á thực hiện vào năm 2010 được nhắc tới nhiều hơn cả tại hội thảo. PGS Lê Đình Sỹ (nguyên Viện phó Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), cho biết: mô hình này được phỏng dựng dựa trên việc “giải phẫu” các lẫy nỏ cổ bằng đồng từng phát hiện tại Làng Vạc (Nghệ An). Lẫy nỏ được chế tạo khá đặc biệt, với hộp lẫy hình chữ nhật, một đầu vát, miệng hộp có rãnh đặt tên và khấc  để giữ dây cùng, lẫy cong để tiện bóp cò, hai bộ phận còn lại là các thanh đồng dùng để đưa dây cung vào khấc hãm.

“Lẫy nỏ là bộ phận quan trọng nhất của nỏ Liên Châu. Có thể vì vậy mà dân gian đã hình tượng hóa bộ phận này bằng chiếc móng rùa, vốn là vật linh trong văn hóa Việt”, ông Sỹ đặt giả thiết. Mô hình nỏ Liên Châu này đã được nhóm nghiên cứu dựng lại với một hệ thống thân nỏ bằng tre luồng, có khả năng phóng đi 5 mũi tên một lúc và được đánh giá khá cao khi tổ chức “bắn biểu diễn”.

“Mô hình vẫn còn rất nhiều hạn chế và nặng về tính thử nghiệm. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta có nhiều cơ sở để tiếp tục giải mã được kết cấu của nỏ thần Cao Lỗ trong tương lai”, PGS Lê Đình Sỹ nói.

Sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam

Đến dự Hội thảo về danh tướng Cao Lỗ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Cuộc hội thảo là dịp để tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn của hậu thế hôm nay đối với các bậc tiền nhân đã có công trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời để rút ra những bài học lịch sử cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta ngày nay.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: Danh tướng Cao Lỗ là một vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu dựng nước, được nhân dân ta sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Tôn vinh công đức của Tướng quân Cao Lỗ, của những bậc tiền nhân có công với dân, với nước là đạo lý truyền thống của dân tộc và là nền tảng văn hóa tinh thần làm nên sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam.


Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm