'Giấc mơ Mỹ' kiểu Trung Quốc lên màn bạc

27/05/2013 12:52 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1993, 3 người đàn ông trẻ Trung Quốc đã mở một trung tâm dạy tiếng Anh mang tên New Oriental. Sau đó, trung tâm này đã trở thành nơi cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc đại lục. Giờ đây, đạo diễn Hong Kong Trần Khả Tân (51 tuổi) đã đưa câu chuyện của New Oriental lên màn bạc.

Mang tựa đề American Dreams in China (tạm dịch: Những giấc mơ Mỹ ở Trung Quốc), bộ phim này đã có mặt tại các rạp chiếu Trung Quốc từ ngày 17/5. Câu chuyện của trung tâm tiếng Anh New Oriental xoay quanh việc làm giàu nhanh chóng của Yu Minhong.

"Giấc mơ Mỹ"

Trần Khả Tân

Yu Minhong là một cựu giáo viên tiếng Anh tại Trường Đại học Bắc Kinh. Khi muốn mở các lớp dạy tiếng Anh trình độ TOEFL và GRE, anh đã dành nhiều đêm để dán các tờ giấy quảng cáo cho lớp học của mình lên các cột đèn. Lúc làm công việc này, Yu Minhong không thể tưởng tượng được sau này anh đã tạo nên một trung tâm giáo dục mà chỉ riêng năm 2012 đã có 17.400 giáo viên và 2,4 triệu học viên.

Năm 1993, 15 năm sau khi Trung Quốc quyết định phục hồi kinh tế bằng quá trình cải cách và mở cửa, hàng chục ngàn người trẻ tuổi đã rời Trung Quốc ra nước ngoài và rất nhiều người đã chọn nước Mỹ để học tập. Trung tâm tiếng Anh của Yu Minhong được mở ra vào đúng thời điểm khi có nhiều thanh niên háo hức được kết nối với thế giới. Và thế là đôi bên cùng có lợi.

Trong phim có cảnh mô tả xã hội Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ như thế nào trong hơn 30 năm qua và sự tác động của nó tới từng cá nhân. Khi nhân vật chính - được xây dựng rất sát với mô hình của Yu Minhong - lần đầu tiên kiếm được nhiều tiền, anh đã tung tiền lên trời một cách vui sướng.

* Cơ sở giáo dục đầu tiên lên sàn chứng khoán Mỹ

Kịch bản phim do 2 nhà biên kịch đại lục viết với bối cảnh cuộc sống ở Bắc Kinh trong những năm 1990, vậy nên Trần Khả Tân nói, ông không tin cảnh tung tiền lên trời đó là có thật. Ông phản đối vì cho rằng nó quá cường điệu.

Tuy nhiên, hầu hết đội ngũ làm phim ở đại lục, trong đó có cả các diễn viên, nhà biên kịch và thậm chí cả các biên tập, nói với ông rằng họ cũng từng làm như vậy khi lần đầu tiên kiếm được tiền. “Kỷ nguyên đặc biệt đã làm cho mọi thứ thật ấn tượng và lãng mạn. Điều đó thu hút tôi” – Trần Khả Tân nói.

Tuy nhiên, khi có tiền cũng là lúc rắc rối tìm tới. Năm 2006, New Oriental trở thành cơ sở giáo dục đầu tiên của Trung Quốc được niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán New York (NYSE).

Nhưng khi công ty bắt đầu cất cánh, Yu Minhong và những người đồng sáng lập công ty là Xu Xiaoping và Wang Qiang lại có mẫu thuẫn. Hiện nay, Xu và Wang không còn tham gia quản lý New Oriental nữa mà đang điều hành công ty riêng của họ.

Bộ phim của Trần Khả Tân kết thúc khi Công ty New Oriental lên sàn NYSE. “Sau khi đã bước vào thị trường chứng khoán 3 người bạn lại chạy theo đồng tiền và đó là lúc mọi chuyện trở nên xấu đi” – Trần Khả Tân nói.

Cảnh trong vở American Dreams in China

Bộ phim mang lại niềm vui

Đạo diễn Trần không muốn mọi người nhìn nhận đây chỉ là một bản sao tiếng Hoa của phim Mạng xã hội (The Social Network) – tác phẩm điện ảnh của đạo diễn David Fincher kể về sự thành lập của Facebook, trong đó nêu bật sự bất hòa của những người sáng lập. “Nếu làm tập tiếp theo của American Dreams in Chinalúc đó tôi sẽ làm theo kiểu Mạng xã hội ” – Trần Khả Tân giãi bày.

American Dreams in China không phải là sự khảo sát sâu sắc về nền kinh doanh hiện đại mà chủ yếu xoáy đến việc 3 người bạn thân đã cùng làm việc với nhau như thế nào để thành lập công ty và tình bạn của họ tồn tại như thế nào trong thế giới kinh doanh. “Bộ phim này khiến tôi thấy vui và tôi tin rằng khán giả cũng như vậy” – Trần Khả Tân nói.

Trong phim còn có cảnh nhân vật chính dạy tiếng Anh trong một cửa hàng gà rán Kentucky (KFC) bởi anh không có đủ tiền để thuê một lớp dạy học. Khi ngày càng có nhiều học viên tới đăng ký học, thì địa điểm học được chuyển tới một nhà máy, bởi trong những năm 1990 rất nhiều công nhân đã bỏ việc và nhiều nhà máy bị bỏ không.

Sinh ra ở Hong Kong, năm 11 tuổi Trần Khả Tân chuyển tới Thái Lan cùng với cha mẹ và theo học ở Mỹ trước khi trở về Hong Kong vào năm 21 tuổi. Năm 1999, ông đạo diễn bộ phim hài lãng mạn The Love Letter ở Hollywood và là một trong những nhà làm phim Hong Kong đầu tiên thâm nhập vào thị trường đại lục.

“Tôi luôn cảm thấy mình là một người ngoài, song tôi thấy như vậy lại hay. Tôi hiểu mọi thứ, nhưng đứng ở xa để tìm xem có điều gì đặc biệt không. Cách nhìn đó giúp tôi làm được những bộ phim khác lạ và thú vị” – Trần Khả Tân chia sẻ.

VIỆT LÂM (theo China Daily)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm