Ghi chép Văn hóa: Câu chuyện Batik

15/02/2013 11:54 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Do nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng - tác giả của “Mỹ thuật của người Việt”, “Nghệ thuật ngày thường”, “Văn minh vật chất của người Việt”, thực hiện, chuyên mục gồm những ghi chép về lịch sử - văn hóa - tập tục theo những bước chân điền dã mới nhất của ông. Được khởi đăng trên báo TT&VH hàng ngày từ đầu năm 2012, bắt đầu từ năm nay, 2013, sẽ được tiếp nối trên TT&VH Cuối tuần. Mời bạn đọc đón theo dõi.

Từ miền Nam nước ta đi xuống Nam Á, xưa kia người dân cả nam lẫn nữ đều quấn độc một chiếc sà-rông (sarun), tức là một tấm vải quấn thành váy, và ở rất nhiều vùng người ta chỉ mặc có thế, thân trên hoàn toàn để trần. Truyền thống mặc sà-rông vẫn thấy trong văn hóa Indonesia hiện nay.

1. Trong chuyến đi Yogyakarta vừa qua, khi đến thăm hai ngôi đền nổi tiếng thế giới xây cất ở đây từ thế kỷ 9 là Borobudua và Pramanan, mọi du khách đều được phát một chiếc sà-rông để quấn trong suốt quá trình tham quan, khi ra cửa thì trả lại. Khi chúng tôi dự khai mạc triển lãm nghệ thuật quốc tế tại Bảo tàng Quốc gia Yogyakarta, có đoàn họa sĩ Việt Nam tham dự, mỗi người cũng được phát một chiếc áo vẽ Batik.

Có lẽ mọi người không lạ lắm với chiếc áo đó nữa, vì hiện nay cũng khá phổ biến ở ta, nhất là những người đi Indonesia mang về. Chúng rất nhiều hoa văn và dường như không cái nào giống cái nào.

Thoạt tiên tôi tưởng hoa văn trên những tấm áo đó là in, khi sang đến thành phố Yogyakarta này mới biết chúng hoàn toàn được vẽ bằng tay và nhuộm màu. Tôi không kịp tìm hiểu nghệ thuật này xuất phát từ bao giờ và kỹ thuật ra sao, nhưng những gì trông thấy thật ấn tượng. Rất nhiều bà già, thiếu nữ ngồi vẽ ở các cửa hàng, sạp chợ. Có lẽ thoạt tiên người ta can hoa văn lên tấm vải, sau đó dùng sáp nấu chảy, vẽ bằng một cái muôi nhỏ có phần để múc sáp, có vòi để dẫn sáp chảy theo vệt hoa văn. Cái vòi được sử dụng khéo léo như đầu ngọn bút.

Lối vẽ bằng sáp, hay nến, tạo hoa văn rồi nhuộm cũng từng thấy ở trang trí thổ cẩm người H’mong nước ta. Những chỗ bôi sáp sẽ không bị nhuốm màu và tạo thành hoa văn trắng. Nhưng đôi khi người H’mong bôi cả mảng trang trí bằng sáp, rồi cào ra tạo chỗ trống cho màu nhuốm vào, thành hoa văn có màu trên nền trắng.

Ở các xóm ngõ quanh một lâu đài cổ, nơi đây từng là chỗ du hí và hành lễ của một bậc quân vương tiểu quốc nào đó vùng Yogyakarta, có cả hồ tắm trong cung cấm cho các cung nữ che mạng, nhiều thanh niên đang ngồi vẽ mẫu, can hình trên vải, và họ cũng làm từng mẫu một như vậy cho từng cái áo, cái sà-rông. Một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian.

Với vài trăm rupi (tiền Indonesia, 100USD trong tháng này đổi khoảng 930 ngàn rupi ở ngoài đường) là có thể mua được một chiếc áo, tấm khăn đẹp, nhưng một chiếc váy thật đẹp, dệt bằng tơ tằm nguyên chất và hoa văn như ngấm vào từng sợi tơ thì lên đến 600USD. Và người ta chế ra một kiểu rất thời trang cho phụ nữ, một tấm quấn chéo qua hai bên ngực, một tấm quấn làm váy, để hở bụng và một vạt bắt chéo sang bên. Các cô gái mà vận như vậy thật là yêu kiều làm sao.

Nghệ nhân Indonesia dùng sáp ong vẽ lên mẫu hoa văn vải Batik trước khi nhuộm. Ảnh chụp tại một cửa hàng bán các sản phẩm về vải Batik tại thành phố Yogyakarta, Java, Indonesia 2012

2. Vùng Yogyakarta này phần lớn người dân theo Hồi giáo, tiếng kinh cầu vang lên năm lần mỗi ngày, cả kinh phát bằng đài lẫn người cầu từ các ngôi đền vang lên âm u cả thành phố. Lối trang trí Hồi giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoa văn Batik và tất nhiên cả núi sông và đại dương mênh mông bao bọc các hòn đảo làm nên khí sắc của Batik. Hầu như không thấy hình vẽ con người, động vật cụ thể, mà tất cả được cách điệu đến mức huyền hoặc và nhập vào mạng hoa văn dày đặc, không biết chúng bắt đầu và kết thúc ở đâu.

Trong các chợ đông nghìn nghịt người dân và du khách, các sạp bán Batik bày la liệt và kéo dài từng dãy phố. Có nhiều cửa hàng Batik cao cấp và bạn có thể vào đó vẽ một tấm tranh trên vải, vài hôm sau đến nhận lại khi đã được nhuộm màu.

Sà-rông, váy hiện đại, quần, áo, khăn, túi, chăn, drap, gối, đệm… tất cả đều may bằng vải Batik, nếu thêm ít trang sức vàng bạc người ta dễ dàng trở thành công chúa, hoàng tử. Một nghệ thuật trang hoàng lộng lẫy, quyến rũ, đầy cảm giác hoan lạc, hưởng thụ cuộc sống như kiểu vua chúa Ả-rập trong các câu chuyện Nghìn lẻ một đêm. Ở đây động đất, núi lửa, sóng thần cũng thường xuyên, người ta xây cất vừa phải, đồ dùng cũng vừa phải, mà hướng về cuộc sống thực tại do các vị thần sắp đặt.

Bài: Phan Cẩm Thượng; Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Nghệ thuật vẽ trên vải Batik của Indonesia đã được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2009. Trong khu vực Đông Nam Á, Batik có các phiên bản Malaysia, Singapore, Brunei, Philippines và Thái Lan, trong đó đáng chú ý hơn cả là phiên bản Batik của Malaysia và Thái Lan.

Sự nổi tiếng của Batik phiên bản Malaysia chỉ đứng sau Indonesia. Nó vốn được xem là loại vải dùng may trang phục đặc trưng từ thế kỷ 17. Ngày nay, Batik Malaysia có nhiều nhất ở một số thành phố thuộc phía Đông Malaysia như Kelantan, Terengganu và Penang. Tuy nhiên Batik ở vùng Johor là tươm tất hơn cả. Vải Batik của Malaysia có hoa văn phong phú và màu sắc tươi sáng hơn so với Batik mang phong cách thần bí của Indonesia.

Còn tại Thái Lan, Batik được dùng để may sà-rông là phổ biến nhất. Đến bất cứ vùng biển nào cũng có thể bắt gặp sà-rông Batik được người dân, khách du lịch mặc như một món đồ đặc trưng nhất. Batik Thái Lan thường có hoa văn là những nét văn hóa truyền thống, cây dừa trên bãi biển, thuyền cây hay các loại trái cây nhiệt đới... rất tự nhiên, phong phú nên được nhiều du khách ưa thích.

(Theo Wikipedia)



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm