Gã công tử bột khỏa thân ngồi viết sách

14/04/2013 07:25 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Frederic Beigbeder - nhà văn kiêm tay chơi nổi tiếng của Pháp - đã không sang Việt Nam dự buổi tọa đàm về sách của ông hôm 11/4 tại L’Espace, Hà Nội, dù nhà tổ chức đã cố mời. Nguyên nhân có lẽ chỉ vì tác giả này thực sự là “gã công tử bột đỏng đảnh” như tên cuộc tọa đàm.

Bìa sách Kẻ ích kỷ lãng mạn của Frederic Beigbeder

1. Beigbeder tài cao, thông minh và hài hước (thô tục nữa), nhưng lại viết một kiểu văn không phải độc giả nào cũng thấy hợp gu, nhưng ai đã thích thì lại thích đến mê mẩn.

“Tôi chỉ thích đọc, viết và làm tình. Vì thế với tôi một căn hộ nhỏ là đủ để sống, với điều kiện nó có một giá sách, một máy vi tính và một cái giường” - Beigbeder viết trong Kẻ ích kỷ lãng mạn,  tiểu thuyết mới được dịch ra tiếng Việt của ông.

Có lẽ vì thế bìa sách vẽ ông trần truồng ngồi viết tiểu thuyết trong một căn phòng đúng như lời mô tả trên. Còn buổi tọa đàm về ông tên là “Gã công tử bột đỏng đảnh” (Beigbeder xuất thân quý tộc, gia đình giàu có, bản thân vừa thành đạt vừa ăn chơi khét tiếng: rượu chè, gái gú, ma túy...).

Đọc sách của Beigbeder đồng nghĩa với nhìn cuộc sống qua đôi mắt của Beigbeder, và đó là một hoạt động thú vị. Nhà văn 47 tuổi thông minh theo kiểu bản năng, nhìn mọi thứ đều theo một góc hoặc khác hẳn hoặc ít nhất đều có chút độc đáo.

Ông viết: “Để ngăn cản tôi viết lách, hệ thống đã tìm được chiêu trò mới: lăng xê quảng cáo tôi trên truyền hình. Ý tưởng rất đơn giản: dùng những ồn ã trên các phương tiện thông tin đại chúng để đổi lấy sự im hơi lặng tiếng trong văn học của tôi. Cho tôi quyền nói là cách tốt nhất để bắt tôi câm lặng. Hoan hô, tôi xin nghiêng mình khuất phục (trong im lặng)”.

2. Beigbeder đã có đến 5 tiểu thuyết được dịch ở Việt Nam, nhưng chỉ có Một tiểu thuyết Pháp là nghe quen nhất, còn lại 99 Francs, Tình yêu kéo dài ba nămCửa sổ trên tháp đôi đều thuộc dạng hiếm có khó tìm.

Với nhiều nhà văn khác, người đọc thể phân tích rạch ròi tác phẩm - tác giả, nhưng với Beigbeder thì khó có thể làm thế. Không thể đọc tác phẩm của ông mà tách rời nó với con người tác giả ngoài đời, vừa vì nhà văn đưa nhiều yếu tố tự truyện vào tiểu thuyết, vừa vì cá tính nhân vật chính trong các tác phẩm của ông - thường là lấy hình mẫu từ chính tác giả - quá đậm đặc.

Kẻ ích kỷ lãng mạn không nằm ngoài quy luật. Cuốn tiểu thuyết viết theo dạng nhật ký của nhân vật chính tên là Oscar (hóa thân của Beigbeder như chính ông khẳng định trong sách). Câu đề tặng cho thấy cái ngông kỳ quặc của người viết: “Cho Amelia. Anh muốn cùng em, ta sống bên nhau trọn đời rồi chết. Ta cưới được nhau thì quá tốt. Vào khoảng bốn rưỡi chiều hôm nay”.

Beigbeder ngoài đời làm rất nhiều nghề và đều thành công (quảng cáo, viết văn, phê bình văn học, làm chương trình thời luận...) nên ông viết như một nhà bách khoa. Sách của ông cung cấp cho độc giả những kiến thức về các môn nghệ thuật, giải trí, xã hội... theo lối nói tự nhiên và ngông nghênh của nhân vật chính. Một tiểu thuyết Pháp cũng tương tự như vậy, nhưng dễ đọc hơn do có cốt truyện rõ ràng hơn. Kẻ ích kỷ lãng mạn theo dòng nhật ký, trong đó chủ yếu là suy nghĩ và cảm xúc.

Kẻ ích kỷ lãng mạn do Phùng Hồng Minh dịch, dày 356 trang, giá bìa 80.000 đồng.

My Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm