Dựng lại vở bi kịch "Tis Pity": 400 năm vẫn tai tiếng

20/01/2013 08:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước Quentin Tarantino, Martin McDonagh hay những tác giả mê bạo lực khác, đã có John Ford - nhà soạn kịch thế kỷ 17 - thử thách sức chịu đựng của người xem bằng bạo lực, máu, nhục dục và đỉnh điểm là: loạn luân.

“Hãy thử làm mọi thứ trừ loạn luân và múa những điệu dân gian”, tờ Guardian trích dẫn một câu ngạn ngữ Scotland khi viết về Tis Pity. Nhưng vở kịch của nhà soạn kịch John Ford cùng lúc có cả hai thứ đó.

Vở kịch gần 400 năm tuổi có cái tên đầy đủ Tis Pity She's a Whore (Tạm dịch: Thật tiếc nàng là một con điếm) trở lại sân khấu đương đại Freud Playhouse ở Los Angeles, Mỹ vào cuối tuần này. Đây là vở kịch nổi tiếng nhất và được diễn nhiều nhất trong sự nghiệp của John Ford, một nghệ sĩ lớn người Anh.





Hai diễn viên chính Gina Bramhill và Orlando James trong vở Tis Pity She's a Whore trên sân khấu Mỹ

Gần 4 thế kỷ tranh cãi

Vở Tis Pity She's a Whore trở lại và gây chú ý trên sân khấu Mỹ nhưng do một công ty của Anh là Cheek by Jowl sản xuất. Vở kịch được công diễn lần đầu vào khoảng giữa năm 1629 và 1633. Kịch bản văn học được xuất bản năm 1633.

Câu chuyện trong Tis Pity She's a Whore lấy bối cảnh thành phố Parma nước Ý, kể về mối tình giữa hai anh em ruột là Giovanni và Annabella. Lãnh chúa Sorenzo cưới Annabella làm vợ nhưng không hề hay biết nàng đã có thai với người anh trai, kết quả của mối tình vụng trộm. Trong khi đó, Giovanni được người thầy Bonaventura thiết tha khuyên tỉnh ngộ. Sau đó, Sorenzo phát hiện ra mọi chuyện và mưu toan trả thù.

Tis Pity có nội dung như thể hai vở bi kịch Romeo và Juliette Titus Andronicus (đều của Shakespeare) trộn lại với nhau.

Khi viết vở kịch, tác giả đã lấy cảm hứng từ câu chuyện được đồn đại xảy ra vào thời Nữ hoàng Victoria ở nước Anh. Trả thù không phải là món ăn chính mà chỉ là chủ đề trong “bữa tiệc” của Ford, và đúng như cái tên không mấy hứa hẹn của nó, trong vở kịch, những “món ăn” tồi tệ nhất được dành cho phụ nữ.

Cách vở kịch nói về đề tài loạn luân, cụ thể, chuyện tình giữa anh trai và em gái, đã khiến nó trở thành một trong những tác phẩm văn học tiếng Anh gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Vở kịch từng bị loại khỏi tuyển tập kịch của Ford vào năm 1831. Người ta không chỉ tranh cãi vì chi tiết loạn luân nhạy cảm mà còn vì thái độ của tác giả: không truy tận gốc căn nguyên và cũng không hoàn toàn lên án.

Đến tận thế kỷ 20, các nhà phê bình vẫn còn rất khắc nghiệt với tác phẩm này. Họ cho rằng đây là một thất bại của Ford. “Thay vì nhấn mạnh sự ti tiện của nhân vật, Ford lại xây dựng Giovanni như một người đàn ông tài năng, đức độ và cao quý, kẻ bị hủy hoại bởi một niềm đam mê sai trái”.

Tiêu đề của tác phẩm, vì nghe quá sốc, cũng bị thay đổi nhiều lần thành những cái tên như Giovanni và Annabella (tên các nhân vật, một kiểu đặt tên tác phẩm vô thưởng vô phạt), Anh và em (The Brother and Sister) hay rút gọn thành Tit Pity (Thật đáng tiếc).

Từ giữa thế kỷ 20, các học giả và nhà phê bình mới bắt đầu bao dung hơn với tác phẩm này, chấp nhận, về sau còn đánh giá cao sự phức tạp và mơ hồ của nó.

Thử thách cho cả các nghệ sĩ và người xem

Trong lần dựng mới nhất, vở kịch được hiện đại hóa bằng những dấu hiệu của thời đại này, như khi Annabella xuất hiện trong phòng ngủ, cô đeo kính mát trông như các ngôi sao Hollywood, nghe bài hátBad Romance của Lady Gaga qua iPod. Trên bức tường đằng sau nhân vật là các tấm poster của các phim True Blood, Nhật ký ma cà rồng, Bữa sáng ở Tiffany’s hay Cuốn theo chiều gió…

Tờ Los Angeles Times khuyến cáo, để xem được vở kịch này, khán giả nên bỏ “sự phẫn nộ đạo đức” của họ lại trong xe rồi hãy vào rạp. Bởi, đội ngũ thiết kế sân khấu sẽ đưa khán giả thẳng vào phòng ngủ của Annabella (Gina Bramhill đóng) và Giovanni (Orlando James) khi hai nhân vật bán khỏa thân trên chiếc giường đỏ tươi.

Người anh, Giovanni, chưa bao giờ hiểu tại sao những quy ước xã hội lại ngăn cản hạnh phúc của họ. Còn người em, Annabella, được mô tả với nỗi đau trong lương tâm ngày càng lớn dần. Cả hai đều không có kết cục tốt đẹp.

T.S. Eliot, nhà thơ lớn người Anh, từng kết tội Tis Pity là “thiếu ý nghĩa tổng quát và chiều sâu cảm xúc”, vì thế không thể biện minh cho những hành động thiếu đạo đức trong tác phẩm.

Kịch của Ford, qua bản dựng của Cheek By Jowl, cũng sẽ khiến khán giả hoang mang không kém phim của Tarantino hay kịch McDonagh, khiến họ đặt câu hỏi về mục đích của tác giả khi sử dụng các yếu tố đáng sợ và gây sốc. Câu hỏi đó không dễ trả lời, những tác phẩm như vậy cũng được dựng nên để xáo trộn tâm tư khán giả hơn là giúp họ giải trí.

Nhìn chung, Tis Pity có một cốt truyện bi thảm và chết chóc theo mô-típ không hề hiện đại. Việc các nhà sản xuất quyết định đưa vở kịch thế kỷ 17 này trở lại sân khấu đương đại của thế kỷ 21 là một thử thách lớn cho chính họ, trước khi họ kịp thử thách khán giả.

Mi Ly (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Kinh điển “gây sốc”

John Ford (1586 - 1639) là một nhà soạn kịch kiêm nhà thơ người Anh thế kỷ 17. Vở Tis Pity She's a Whore của ông dù gây sốc nhưng cũng đã được công nhận là một tác phẩm kinh điển của nền kịch nghệ Anh.

Vở kịch đã được dựng nhiều lần, nhiều phiên bản khác nhau, có cả bản tiếng Pháp và được chuyển thể thành phim.Tis Pity cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thuộc những lĩnh vực nghệ thuật khác như truyện ngắn, phim truyền hình, phim điện ảnh.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm