(Thethaovanhoa.vn) -
Dưới góc nhìn chuyên môn của một giảng viên thanh nhạc, tài năng thật sự của các “ngôi sao nhí” trong thi Giọng hát Việt nhí 2013 được nhìn nhận như thế nào ? tương lai của các “ngôi sao” này được dự đoán ra sao ?
Triệu Yên, giảng viên thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM cùng “mổ xẻ” vấn đề này trong mục Tiêu điểm của
TT&VH Cuối tuần. Triệu Yên từng được biết đến là giọng hát jazz và opera được giới nghề ở TP.HCM đánh giá cao.
* Với cái nhìn chuyên môn của một giảng viên thanh nhạc, một ca sĩ thành danh, chị đánh giá thế nào về 3 giọng ca của đêm chung kết Giọng hát Việt nhí vừa qua?- Mỗi em đều có một tiềm năng nhất định và có khả năng đi xa. Phương Mỹ Chi đậm chất dân ca, quê hương. Ở giọng hát đó đã có sẵn sự điêu luyện, thấm sẵn những thẩm mỹ về dân ca. Tôi đánh giá cao nhất Phương Mỹ Chi về chất giọng. Mỹ Chi nên giữ giọng hát ấy và phát triển thêm và không cần đổi màu làm gì. Với giọng hát như vậy, tôi nghĩ Phương Mỹ Chi sẽ rất thuận lợi cho con đường phát triển âm nhạc (nhưng đó là chỉ nói riêng về giọng hát và không bàn những vấn đề khác trên con đường của em).
Quang Anh thì khác hẳn hai bạn kia ở mặt bản lĩnh sân khấu và điều đó hỗ trợ rất lớn cho em có thể kiểm soát được giọng hát của mình. Điều này có được có thể do Quang Anh có một quá trình biểu diễn nhiều, dày dạn và có cả niềm say mê ca hát rất lớn. Tôi nghĩ đó là hạt nhân cho việc phát triển một ngôi sao. Còn về giọng hát của Quang Anh thì tôi thấy chưa thật chỉn chu, em hát chưa thật thoải mái nhưng việc khắc phục sẽ không khó khăn lắm. Cần phải thấy rằng ở Quang Anh có một nhu cầu được thể hiện cái thế giới bên trong rất lớn và với sự “đòi hỏi” như vậy thì việc khắc phục những khiếm khuyết là rất dễ. Quan trọng là cậu ấy có say mê.
Ngọc Duy là một cậu bé ngây ngô nhất về mặt tâm hồn lẫn âm nhạc nhưng tôi lại cảm nhận được nhiều nhất. Bởi ở Duy mang một bản năng âm nhạc tự nhiên, cho tôi một sự xúc động tự nhiên khi nghe cậu bé ấy trình diễn. Khi một đứa bé thể hiện tài năng âm nhạc của mình, thì ngoài năng khiếu ca hát thì chúng ta cũng phải thấy được sự hồn nhiên và đó theo tôi là điều rất quan trọng cho một ca sĩ nhí. Vì với một đứa trẻ, sự hồn nhiên sẽ là tiền đề để tạo nên một màu sắc riêng sau này. Mỗi đứa trẻ có một thế giới bên trong và khi gặp một trường hợp cụ thể thì tiếng hát của chúng sẽ phát đi đúng cái thế giới bên trong ấy cho mọi người thấy. Những thế giới ấy không thể giống nhau nhưng nếu nó “giả” thì chúng ta sẽ thấy ngay.
* Chị dự đoán các giọng hát nhí này “đi xa” được tới đâu?
- Một ngôi sao đích thực phải được phát triển trên khả năng âm nhạc bẩm sinh cộng với những kiến thức và cả công nghệ đi kèm. Bản năng âm nhạc là rất quan trọng, nó không thể bị công nghệ lấn lướt. Tốt nhất là cả hai phải phát triển song song. Thực tế bây giờ phần công nghệ đang lấn át và làm mất đi cảm xúc, sự hồn nhiên.
Với Ngọc Duy, HLV Thanh Bùi luôn yêu cầu cậu bé phải hồn nhiên như vốn có. Tất cả những gì cần làm là phải giữ được sự hồn nhiên cho cậu bé, kể cả những ý tưởng sân khấu, ý tưởng biểu diễn. Theo tôi, đó cũng là hướng đi của Duy sau cuộc thi và cậu bé sẽ đi xa nếu vẫn giữ được sự hồn nhiên này. Khi phát triển chuyên môn thì tâm hồn cũng sẽ phát triển và chính tâm hồn sẽ giúp những kỹ năng chuyên môn được hoàn thiện hơn và lúc đó màu sắc của Duy sẽ xuất hiện.
Với Quang Anh, do cuộc sống, môi trường, do quá trình tiếp xúc đã tạo cho cậu bé sự già dặn, vậy thì hướng đi phải khác. Cậu ấy cần phải được nuôi cảm xúc nhiều hơn. Người lớn khi định hướng cho Quang Anh cần phải xem cậu ấy nghĩ gì về bài hát, cảm nhận ra sao. Đừng bắt cậu ấy biểu diễn theo cách mà người lớn muốn. Phải tạo cho cậu ấy có cảm nhận cụ thể trong một bài hát cụ thể… Phải giúp cậu ấy hoàn thiện theo cách mà cậu ấy đang có hơn là áp Quang Anh vào cái khuôn diva/divo như một số người nghĩ. Đường đi của Quang Anh nếu đúng hướng thì tôi nghĩ đó sẽ là một phiên bản kiểu Hồ Ngọc Hà.
Khi bạn vượt qua được sự áp đặt, bạn tự do trong suy nghĩ thì âm nhạc của bạn sẽ rất hay. Những đứa trẻ cần phải biết điều ấy, để chúng không phải hát bằng âm thanh, mà hát bằng âm nhạc thật sự - Triệu Yên |
* Việc vỡ giọng ở tuổi trưởng thành có ảnh hưởng ra sao tới sự phát triển của các giọng hát nhí này?- Vỡ giọng thường chỉ xuất hiện ở các bé trai đến tuổi trưởng thành, bé nữ thì ít hơn. Nhưng tôi nghĩ, trên con đường âm nhạc của các cô bé cậu bé này, chuyện vỡ giọng chỉ là một vấn đề, quan trọng hơn là bản sắc âm nhạc của các bạn ấy.
Khi vỡ giọng, thì quãng giọng của một bé trai sẽ bị thấp đi. Cần phải chấp nhận một thực tế rằng khi trưởng thành thì giọng hát đấy mới thật sự là giọng hát của mình. Khi còn nhỏ đứa trẻ nào cũng có giọng hát gần giống nhau ở quãng và âm vực. Nhưng khi lớn lên một đứa trẻ hát giọng nam cao ngày xưa bây giờ bỗng nhiên bị trầm hẳn và chỉ có thể học để duy trì giọng trầm ấy ở mức tốt nhất chứ không cách nào để cao lại như ngày xưa.
Âm nhạc là một con đường khổ luyện và giọng hát cũng vậy. Chúng ta đã có rất nhiều ví dụ thực tế về những ca sĩ nhí từng là những hiện tượng âm nhạc này nọ nhưng khi lớn lên họ lại không bằng được ngày xưa. Đó là do con đường âm nhạc họ chọn, hoặc sai hướng, hoặc bị định hướng nhầm. Xuân Mai, Xuân Nghi ai cũng đã thấy. Bây giờ giọng họ vẫn còn có tố chất nhưng bản sắc âm nhạc lại không rõ ràng. Tôi đã từng dạy Quang Vinh khi cậu đã lớn rồi. Cậu ấy ngày xưa hay là thế nhưng khi lớn lên đã bị nhiều cái làm cho con đường âm nhạc đi không đúng hướng lắm. Nếu anh là một giọng ca đẹp, lại có cả công nghệ giúp đỡ sau lưng mà lại đi đúng hướng nữa thì chắc chắn con đường âm nhạc của anh sẽ rất tốt.
>>>Đọc các bài viết về Giọng hát Việt nhí 2013 tại đâyRobertino Loretti : Bi kịch của ngôi sao nhí Thế hệ người nghe Việt Nam những năm 1960 đã từng mê mẩn Robertino Loretti, một giọng hát người Ý được xem là thần đồng. Những năm 60, Robertino là niềm kiêu hãnh của nước Ý. Những ca khúc như O Sole Mio, Mamma, Back to Sorrento… đã trở thành thương hiệu của cậu bé khi ấy mới chỉ vừa 13 tuổi cất tiếng hát trong vút như chim sơn ca. Robertino được hát cùng với những huyền thoại như Nana Mouskouri, Marlene Dietrich... và từng được mời hát ở Liên Xô và trở thành giọng ca phương Tây được yêu mến nhất mọi thời đất nước bạch dương. Robertino đi hát khắp thế giới, có những lúc hát trước hơn 50 nghìn khán giả. Hợp đồng ghi âm tới tấp và đến nay Robertino đã bán được hơn 60 triệu đĩa.
Nhưng hoạt động âm nhạc đỉnh cao của Robertino chỉ diễn ra được gần 2 năm. Khi 14 tuổi, Robertino vỡ giọng. Giọng tenor trong trẻo giờ bị khàn trầm bởi biểu diễn quá nhiều, đốt giọng liên tục và cũng bởi không cưỡng lại được tuổi trưởng thành đã tới. Sau đó Robertino vẫn đi hát nhưng không còn được mến mộ như xưa và giờ đây ít ai còn nghe Robertino hát dù ông vẫn còn hoạt động âm nhạc. Nhiều người cho rằng Robertino chỉ là một ca sĩ thực thụ ở hơn nửa thế kỷ trước mà thôi. |
Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần