Dù ở đâu, vẫn có thể giúp được nhau

16/03/2011 14:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ một tiếp viên hàng không, Ando Saeko tự học để trở thành họa sĩ. Trong một lần tình cờ đến VN (tháng 10/1995), chị quyết định ở lại nơi này vì “quá yêu tranh sơn mài”.

Trước thảm họa động đất và sóng thần vừa xảy ra với người Nhật, TT&VH đã gặp lại Ando Saeko để chia sẻ đau thương, mong Nhật Bản sớm vượt qua thảm họa này.

Những người bạn VN đã báo tin cho tôi

* Cảm xúc của chị khi nghe tin động đất, sóng thần xảy đến với người dân ở đất nước mình?

- Tin động đất ở miền Bắc Nhật Bản đến với tôi khi đang đi công tác vùng sâu vùng xa ở VN và tôi không thể nắm được đầy đủ các thông tin. Nhưng những người bạn VN đã gọi điện cho tôi, hỏi thăm gia đình tôi ở bên Nhật có sao không và họ đã cho tôi biết trận động đất này rất kinh hoàng...

Tôi đã rất lo lắng. Khi về đến Hà Nội, xem kênh NHK của Nhật Bản, tôi bàng hoàng và không tin được là sự thật. Tôi đã khóc...

Mặc dù đang ở VN, xa Tổ quốc, nhưng hằng ngày tôi vẫn theo dõi được mọi thông tin ở quê nhà qua truyền hình vệ tinh và internet. Khi tôi xem chương trình thời sự các kênh nước ngoài như: CNN (Mỹ), BBC (Anh) và DW (Đức), tôi đã biết được là không chỉ VN mà cả thế giới đang lo lắng và buồn cho người dân Nhật Bản. Các tổ chức và quân đội nhiều nước trên thế giới đã sang Nhật Bản cứu giúp người dân đất nước chúng tôi, trong đó có Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử đoàn cứu hộ sang Nhật Bản hoạt động. Tôi thật sự cảm động với tình cộng đồng của thế giới. Bây giờ người dân Nhật vẫn sợ các cơn động đất và sóng thần tiếp theo. Và lo nhất là các nhà máy điện hạt nhân đã nổ có khả năng sẽ bị phát tán phóng xạ...

* Quê hương chị có phải là vùng xảy ra thảm họa. Gia đình, người thân, bạn bè chị có bị ảnh hưởng nhiều bởi động đất, sóng thần?

15 năm sống ở VN, Ando Saeko đã có nhiều triển lãm riêng ở Hà Nội, TP.HCM và Nhật Bản - khẳng định được vị trí và phong cách riêng của mình trong làng hội họa VN. Chị được nhiều người VN yêu mến gọi là “đại sứ của sơn mài VN’’ và cũng là người nước ngoài đầu tiên trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội (từ năm 2000).

- Gia đình tôi ở miền Trung Nhật Bản, nên không bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần. Còn bạn bè tôi ở Tokyo gửi thư điện tử cho tôi nói là ở đó cũng rất khó khăn vì mất nước, mất điện và không đủ phương tiện đi lại. Tôi, gia đình tôi và bạn bè tôi là những người rất may mắn. Nhưng chúng tôi thấy là mình phải gánh một phần đau khổ của những người bị tai họa và những người mạo hiểm đi cứu tính mệnh của người khác. Tôi đang rất sốt ruột vì mình không thể giúp họ nhiều, nhưng ít nhất tôi cũng góp tiền hỗ trợ qua internet. Thế giới bây giờ nhỏ hơn ngày xưa rất nhiều, dù ở đâu vẫn có thể giúp được nhau, nếu có tấm lòng.

Cả đời học sơn mài

* Trở về với công việc hiện tại, chị rất thích học vẽ và đã tự đi học để thành họa sĩ. Và rồi đến VN, chị “mê’’ tranh sơn mài quá, nên ở lại VN đến giờ...

- Vâng, tôi đã ở VN được hơn 15 năm rồi. Tôi đến VN lần đầu tiên vào cuối năm 1995 và được biết đến nghệ thuật sơn mài. Nhưng tôi thấy, học sơn mài VN thì phải học cả đời. Mới vẽ sơn mài, tôi nghĩ mình như thế là biết vẽ rồi, nhưng càng đi sâu vào, tôi càng thấy còn rất nhiều điều mình chưa biết, mặc dù tôi đã học được mọi bí quyết, khi vẽ tôi cũng đoán trước được những gì sẽ xảy ra và biết cách xử lý chúng. Trước đây tôi từng mở lớp dạy sơn mài cho người nước ngoài ở phòng tranh Cây sơn (135 Nghi Tàm, HN). Còn giờ tôi mở lớp tại phòng tranh UZU (tại Tây Hồ, 1 buổi/tuần). Tại phòng tranh này cũng bày nhiều tranh của tôi. Tác phẩm của tôi tinh tế và tốn rất nhiều thời gian, công sức, cho nên làm ra thường bán được. Hiện nay, công việc chính của tôi là vẽ tranh tại xưởng riêng. Ngoài ra, tôi thấy nhiệm vụ của mình là quảng bá sơn mài VN cho thế giới, để lưu giữ và phát triển truyền thống nghệ thuật sơn mài và nghề sơn VN. Thỉnh thoảng tôi cũng viết bài giới thiệu về sơn mài VN trên báo. Gia đình của tôi ở VN. Hai con trai tôi, đứa lớn đã đi học cấp 1 ở VN, các cháu nói tiếng Việt giỏi hơn bố mẹ. Cuộc sống ở đây cũng rất tình cảm, tôi thấy mình hợp với VN.

* Xin cảm ơn chị!

Hoài Thương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm