“Dọn vườn” thời của Google Translate

07/04/2013 06:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Dọn vườn là tên một chuyên mục sửa lỗi từng rất “câu khách” trên báo Văn nghệ hơn 50 năm nay (từ 1955). Mục báo nho nhỏ này, chỉ vài trăm chữ mỗi số, đã là một nơi độc giả quen tìm đến. Giờ đây sau nửa thế kỷ, các nhà văn Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Trương Quý đã tập hợp lại thành cuốn sách cùng tên. Đến thời của Google Translate (“máy dịch” của Google), đọc lại Dọn vườn, quả có nhiều điều phải ngẫm ngợi.

Đọc, nhấm nháp và chăm chú bắt lỗi có lẽ là thói quen của một thời chữ nghĩa được trân trọng, nâng niu. Những lỗi sai dù nhỏ do cẩu thả hay thiếu kiến thức đều khó có thể được chấp nhận. Thời đó qua rồi, hoặc đang dần qua.

Từ Dọn vườn

Mục Dọn vườn hiện vẫn còn trên báo Văn nghệ nhưng không thường xuyên như trước và theo cảm quan, từ năm 2000 cũng dần nhạt đi. Có nhiều lý do. Báo Văn nghệ không còn là là “thống soái” như trước đây. Văn học - báo chí không còn chiếm vị trí độc tôn trong văn hóa nghe nhìn như 50 năm trước, khi chuyên mục này ra đời, thế nên thái độ háo hức đón đợi ở độc giả cũng không còn. Ngày nay có quá nhiều ấn phẩm nghe nhìn, đủ mọi thể loại, từ năm 2000 trở đi, người ta có nhiều lựa chọn hơn, lỗi thì dọn dẹp không xuể.

Nhưng lý do quan trọng nhất là “ngôn ngữ biến động loạn xạ”, như nhà văn Nguyễn Trương Quý, người biên soạn bộ sách Dọn vườn mới xuất bản (cùng với nhà văn Phan Thị Vàng Anh), nói với TT&VH. Biến động theo kiểu “Sát thủ đầu mưng mủ” hay “Phê như con tê tê” thì cũng theo quy luật cả (thói quen nói vần vè rất duyên của người Việt Nam), với lại, cũng không phải là không chấp nhận được. Nhưng biến động theo kiểu Google Translate mới thật là kinh hoàng.

Mục Dọn vườn “bao sân” cả sách, báo, tạp chí, thoại sân khấu, thuyết minh phim, chú thích tranh ảnh, đài phát thanh, sau này là cả truyền hình. Nhìn chung dày công, nhưng văn mạng, báo mạng thì hầu như không đụng đến.

Cuốn Dọn vườn
Đến Lacai.org

Lấp vào khoảng trống đó, từ khoảng năm 2011, trang Lacai.org ra đời với mục đích là đả kích báo lá cải, chiếm một phần khá lớn trong số các câu bình luận của trang web này là bắt lỗi: sai chính tả, sai ngữ nghĩa, sai thông tin… Đủ cả.

Lần bắt lỗi cuối cùng của Lacai.org trước khi tuyên bố đóng cửa ngày 1/4 vừa qua là một bài báo (có lẽ) dịch bằng Google Translate, với nhan đề không dễ hiểu lắm: Cá voi 30 tấn trao hôn khách du lịch ngọt ngào.

Vài tháng trước đó, trang web này trích đăng một câu trong một bài báo kể về các pha “chặt chém” trong bóng đá: “Goikotxea đã phá vỡ mắt cá chân của Maradona và kiếm được cho mình một không nghe lệnh cấm 16 trận đấu. Ông giữ khởi động được sử dụng trong giải quyết trong một tủ kính trong phòng khách của mình”.

Kiểu này thì việc xác định là lỗi chính tả, ngữ nghĩa hay thông tin không còn quan trọng nữa. Mục Dọn vườn vào thời cực thịnh hồi những năm 50, 60, 70 cũng không tưởng tượng nổi báo chí lại có những lỗi chỉ-thuộc-về-thời-đại-Internet thế này. Một tin/bài hàng trăm chữ gần như dùng bản dịch thô của Google Translate thì sửa thế nào đây? Trách ai? Chẳng lẽ trách… Google?

Trách cũng không được vì Google Translate chẳng có lỗi gì. Với những ai có nhu cầu hiểu văn bản nhanh chóng thì công cụ này quả là hữu ích. Chỉ khi người ta có nhu cầu truyền đạt lại nội dung (nôm na là dịch) cho người khác hiểu cùng thì mới sinh chuyện. Nhưng chẳng lẽ đến cả công đoạn Google Translate cũng phải chịu trách nhiệm? Nếu kêu ca với Google, nhưng biết đâu “bên đó” phản hồi lại là chỉ ở Việt Nam chúng tôi mới thấy hiện tượng này, khi đó thì cũng xấu hổ ra phết đấy.

Càng nghĩ, càng thấy cái tên Dọn vườn chính xác. Một trong những công đoạn phổ biến của dọn vườn là nhổ cỏ. Cỏ càng nhổ mọc càng nhiều. Đã nhiều, lại ngày càng có thêm nhiều loại “cỏ” mới.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm