Đoàn múa đương đại Arabesque trở lại: 'Tích tắc' - câu chuyện đời người

31/08/2013 07:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Được nhóm tác giả của Arabesque gồm Tấn Lộc, Bảo Trung, Ngọc Khải và Thanh Phương thai nghén từ hơn 1 năm trước, vở múa đương đại Tích tắc đang ở giai đoạn nước rút để lên sân khấu nhà hát TP.HCM vào tối 1&2/9.

Tích tắc là vở múa thứ tư được đoàn múa Arabesque dàn dựng trong kế hoạch thực hiện các vở múa độc lập, kể từ khi ra mắt Chuyện kể những chiếc giày vào năm 2009.


Cuộc đời là thế

Nếu Chuyện kể những chiếc giày là câu chuyện về chính nghề múa và cuộc đời của diễn viên múa trong xã hội Việt Nam, Sương sớm là bản tình ca quê hương với đời sống của người nông dân chuyên cần, Mộc là những mảnh ghép về sự suy tư, tình cảm của con người trước thiên nhiên, cuộc đời, thì Tích tắc kể một câu chuyện mang nhiều tính phổ quát hơn, tái hiện cuộc đời của một cô bé mơ mộng. Bước qua thời ấu thơ với đôi mắt trong trẻo nhìn vào mọi thứ xung quanh, những bước chân hồn nhiên, những ước mơ tươi đẹp, cô đến với những khúc quanh nghiệt ngã của thời kỳ trưởng thành. Cô yêu và trải qua những khoảnh khắc đẹp đẽ với một tình yêu mãnh liệt, đầy khát khao của tuổi trẻ và rồi rơi vào những giấc mơ màu đen. Màu hồng của tuổi thơ bị thay thế bằng những gam màu tối hơn, khiến có lúc cô chùn bước trước những đam mê của chính mình. Trong một lần gục ngã, cô gái tưởng tượng mình đến tương lai và đặt câu hỏi: Làm sao để có được một tương lai như mình mong muốn?

Qua câu chuyện mà bất cứ ai khi xem cũng có thể thấy mình trong đó, nhóm tác giả muốn gửi đến người xem thông điệp: Nếu có ước mơ và mục đích trong cuộc sống, hãy cố gắng làm mọi việc trong hiện tại để đạt được những ước mơ và có một tương lai tươi đẹp như mình mong muốn.

Câu chuyện của cô bé mộng mơ được kể trên nền nhạc cổ điển, với những tác phẩm kinh điển của 3 nhà soạn nhạc thiên tài Bach, Mozart và Beethoven. Bên cạnh đó, giống như những vở múa của Arabesque trước đây, với sự chỉn chu, duy mỹ của người chịu trách nhiệm đạo diễn - Tấn Lộc, Tích tắc cũng đặc biệt được chú trọng phần hiệu ứng thị giác. Ánh sáng được chú trọng với tiêu chí tôn lên nhất ý tưởng nội dung và những động tác hình thể của diễn viên. Ngoài ra vở múa còn có phần điêu khắc sắp đặt do nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Thúy Hằng thực hiện và Nguyễn Công Trí thiết kế toàn bộ trang phục của các diễn viên.


Dấu ấn diễn viên

Đoàn múa Arabesque vẫn có tiếng là chiêu mộ được các anh tài - những diễn viên múa Việt đang học tập và làm việc tại khắp nơi trên thế giới. Trong số 14 diễn viên tham gia Tích tắc có Bảo Trung đang làm việc tại nhà hát Darmstadt ở Đức, Thanh Phong đang múa ở Công ty Cinevox - Thụy Sĩ, Thanh Phương từng học tập tại Mỹ, Đức và được giải Biên đạo xuất sắc trong cuộc thi múa đương đại quốc tế tại Seoul2012, Ngọc Khải cũng từng 5 năm múa ở khắp các nước châu Âu... Bên cạnh đó những tên tuổi gạo cội khác của Arabesque như NSƯT Tố Như, Thành Chung(vừa đoạt giải thưởng của Hội nghệ sĩ múa Hàn Quốc trong cuộc thi múa đương đại quốc tế tại Seoul 2013), Hải Anh và Hữu Thuận (giải Bạc trong cuộc thi múa đương đại quốc tế tại Seoul2012)...

Người thể hiện vai cô gái ở giai đoạn trưởng thành là NSƯT Tố Như, một hiện tượng hiếm trong làng múa Việt Nam. Với tuổi đời đã ngoài 40, Tố Như vẫn miệt mài với nghề múa, có mặt trong hầu hết các vở múa và cả các sự kiện thương mại mà Arabesque tham gia. Trên sàn tập, Tố Như thể hiện chị là cánh chim đầu đàn của Arabesque không chỉ bởi chuyên môn và cả lòng nhiệt thành, sự tận tâm của một diễn viên yêu nghề. Với tuổi đời như Tố Như, hầu hết các nghệ sĩ đều dừng việc biểu diễn, chuyển qua biên đạo hoặc giảng dạy, nhưng Tố Như vẫn miệt mài với những tổ hợp phức tạp, tìm những tư thế đẹp nhất cho phần múa quan trọng nhất của Tích tắc và luôn luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệp với những người em đồng nghiệp tập luyện cùng mình.



Một nhân vật có thể gây bất ngờ với khán giả là ca sĩ opera Ngọc Tuyền. Bất ngờ bởi ít ai biết Ngọc Tuyền vốn là nghệ sĩ múa, đã tốt nghiệp Trường Múa TP.HCM và khi còn đang học nhạc viện, Ngọc Tuyền đã múa để kiếm sống. Vào Tích tắc, cô sẽ múa và hát trích đoạn Ave Maria.

Cậu bé có đôi mắt biết nói của Hoa Mẫu Đơn, nhóm xiếc mồ côi đã về nhì trong cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2013 cũng có một vai diễn. Cậu bé được nghệ sĩ Tấn Lộc mời sau khi anh tiếp xúc, hướng dẫn cậu tập luyện trong thời gian góp phần dựng tiết mục cho nhóm Hoa Mẫu Đơn tham gia các vòng thi.



Vốn đầu tư lớn nhất là chất xám

Cũng giống như những vở diễn trước đây của Arabesque, Tích tắc có phần đầu tư “hùng hậu” nhất là chất xám, là sức lực và sự tập luyện say mê của nhóm tác giả và toàn thể diễn viên. Nếu bán hết vé, họ mới chỉ đủ trang trải chi phí thuê nhà hát, âm thanh, ánh sáng, lắp đặt, trang trí sân khấu… Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn rất hào hứng với mong muốn được đứng trên sân khấu nhà hát, biểu diễn cho những khán giả thực sự quan tâm tới mình, những người bỏ tiền mua vé. Mục tiêu của Arabesque là mỗi năm dựng một vở diễn độc lập còn để “chiêu mộ” thêm những khán giả mới, từng bước thu hút sự quan tâm của nhiều người dân thành phố với múa. Họ đã miệt mài làm công việc này vài năm nay và dù những dấu hiệu tích cực trong việc phát triển lượng khán giả cho nghệ thuật múa còn nhỏ và chậm nhưng rất khả quan. Một khán giả đã viết như thế này sau khi xem một vở múa của Arabesque: “Tôi 22 tuổi, tôi không thích múa, tôi đến xem chương trình này vì người yêu tôi muốn xem, nhưng xem xong thì tôi thấy rằng tôi thích múa”.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm