Điện ảnh châu Á: Kẻ ngẩng đầu, người cúi mặt

10/02/2013 07:03 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - A Separation của điện ảnh Iran lên ngôi tại lễ trao giải Oscar lần thứ 84 diễn ra hồi đầu năm 2012. Giữa năm, Pietà mang về cho điện ảnh Hàn Quốc Sư tử vàng LHP Venice và cũng là đại diện của điện ảnh nước này tại Oscar 2013. Nhưng quốc gia nhiều tham vọng nhất với ngôi vị bá chủ điện ảnh châu Á lại ngậm ngùi nhìn các niềm hy vọng lớn của mình rớt đài.

Điểm sáng lớn nhất của điện ảnh châu Á

Trở thành bộ phim đầu tiên của điện ảnh Iran đoạt giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar lần thứ 84, A Seperation (Chia ly) của đạo diễn Asghar Farhadi, đã có một cái kết trọn vẹn vinh quang khi trước đó, Chia ly đã giành được hàng loạt giải thưởng tại các LHP quốc tế, trong đó danh giá nhất là giải Gấu Vàng tại LHP Berlin cho Phim hay nhất và Nam, Nữ diễn viên xuất sắc nhất (chưa kể thêm 2 giải phụ của ban giám khảo). Nhưng chiến thắng tuyệt đối của Chia ly không phải là bất ngờ cho các fan của nghệ thuật thứ bảy.

15 năm trước (1997), thế giới điện ảnh đã từng sửng sốt khi bộ phim Taste Of Cherry (Mùi vị anh đào) bất giờ đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes danh giá nhất thế giới, và đạo diễn phim, Abbas Kiarostami, được xem là người đã viết tên Iran lên bản đồ điện ảnh thế giới.

A Separation, Phim nước ngoài hay nhất Oscar lần thứ 84

Kể từ đó trở đi điện ảnh Iran thường xuyên trở thành “khách quen” của các LHP lớn trên thế giới như Cannes, Venice, Berlin, Locarno… và gặt hái không ít vinh quang. Nhưng có một điều mà thế giới rất khâm phục điện ảnh Iran (nhất là những nền điện ảnh nhỏ) là nỗ lực vượt qua các trở ngại để sáng tạo và đưa tác phẩm ra với công chúng quốc tế. Những nhạy cảm chính trị và nhất là những giới luật khắt khe về tôn giáo, đã khiến việc làm phim ở Iran vô cùng khó khăn. Ấy vậy mà “những chiến binh dũng cảm” của điện ảnh Iran, luôn biết vượt qua mọi khó khăn để đưa Iran - chỉ trong 2 thập niên - trở thành “quyền lực” lớn thứ 2 của điện ảnh châu Á (sau Nhật Bản, xét về mặt thành tích quốc tế).

Phim A Seperation cũng từng gặp chút khó khăn khi đạo diễn Asghar Farhadi suýt nữa bị cấm làm phim do bày tỏ sự ủng hộ với 2 nhà làm phim Mohsen Makhmalbaf (đang sống lưu vong ở Pháp) và Jafar Panahi (đang bị cầm tù). Ông bày tỏ mong mỏi nhìn thấy họ trở lại với điện ảnh Iran. Cũng may lệnh cấm này đã được dỡ bỏ sau khi Asghar Farhadi tuyên bố đã đánh giá sai vấn đề, và xin lỗi về lời phát biểu thiếu suy xét của mình.

Đây cũng là điều may mắn cho điện ảnh Iran, bởi như thế phim A Seperation mới được chính thức công chiếu ở Iran, và được cho phép bước ra quốc tế để gặt hái vô số giải thưởng và những lời tán dương của các nhà phê bình, trước khi nó trở thành đại diện chính thức của Iran tại giải Oscar lần thứ 84. Tại đây nó không có đối thủ ngay từ vòng loại, và khi cầm trên tay bức tượng vàng danh giá nhất của điện ảnh thế giới, đạo diễn Asghar Fargadi đã làm nên một kết cục có hậu cho điện ảnh Iran.

Còn một chi tiết đáng nói nữa là trước nay, phim Iran thường thành công về mặt nghệ thuật và giải thưởng, còn doanh thu phòng vé thì vô cùng khiêm tốn. Nhưng A Seperation lại khác, chuyện phim, diễn viên, và bối cảnh vô cùng đơn giản với kinh phí sản xuất chỉ 800.000USD, nhưng nó đã có doanh thu không hề tầm thường: Tại Iran là 3,1 triệu USD, các nước khác khoảng 12,6 triệu USD. Đặc biệt tại Mỹ - nước đang có mâu thuẫn chính trị rất lớn với Iran - nhưng doanh thu lên đến 7,1 triệu USD. Tổng doanh thu toàn cầu của A Seperation đến nay vào khoảng 22,8 triệu USD, gấp 28 lần chi phí sản xuất!

Nếu nhìn từ các giải thưởng quốc tế, Iran đang trở thành quyền lực điện ảnh thứ hai của châu Á, chỉ sau Nhật Bản.

Không nghi ngờ gì nữa, A Seperation đã trở thành thành tựu lớn nhất, là con rồng của điện ảnh châu Á trong năm qua. Tạp chí Time còn đưa đạo diễn Asghar Farhadi vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2012. Tờ Foreign Policy của Mỹ cũng vinh danh ông trong Top 100 nhà tư tưởng toàn cầu năm 2012!

Cú chuyển mình thần kỳ

Cũng chỉ trong vòng 15 năm (1997 đến 2012), điện ảnh Hàn Quốc đã chuyển mình thần kỳ từ một nền điện ảnh cũ kỹ lạc hậu và lệ thuộc, trở thành một nền điện ảnh thật sự hùng mạnh - một thị trường lớn nhất nhì thế giới với doanh thu phòng vé tính từ tháng 1 đến tháng 11/2012 đã là… 1 tỷ USD - chỉ thua mỗi Mỹ! Trong số này gần 50% là doanh thu từ phim nội địa.

Dân số Hàn Quốc chỉ khoảng hơn 50 triệu người, vậy mà trong 10 phim Hàn ăn khách nhất năm 2012 có tới 6 phim thu hút trên 4 triệu lượt người xem. Đặc biệt hai phim đứng nhất nhì (vừa chiếu ở Việt Nam) đều có trên 10 triệu lượt người xem: The Thieves (Đội quân siêu trộm) 13 triệu lượt, và Masquerade (Hoàng đế giả mạo) 12 triệu lượt người xem!

Kim Ki Duk vinh danh điện ảnh Hàn tại LHP Venice nhưng lần nữa lỡ hẹn với Oscar lần thứ 85

Xây dựng được một nền điện ảnh nội địa hùng mạnh như Hàn Quốc là ước mơ của rất nhiều cường quốc trên thế giới. Còn niềm khao khát của điện ảnh Hàn Quốc trong hơn một thập niên trở lại đây là một lần được vinh danh tại một LHP quốc tế lớn nhất (Top 3 LHP quốc tế quan trọng là Cannes - Pháp, Venice - Ý, và Berlin - Đức). Mãi đến 2012, sau nhiều năm dài khắc khoải chờ đợi, Giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice mới gọitên Hàn Quốc. Và người bước lên bục nhận vinh quang là một cái tên quen thuộc, đạo diễn Kim Ki-duk với bộ phim Pietà (tên tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thời phục hưng của Michelangelo).

Điều đáng nói, người mang vinh dự cho điện ảnh Hàn Quốc lại là một cái tên không được chào đón tại quê nhà, vì xưa nay Kim Ki-duk chỉ toàn làm phim “vị nghệ thuật” rất kén khán giả. Nhưng lần thắng giải Sư Tử Vàng này có lẽ anh sẽ lấy lại được tất cả! Các vị đứng đầu ngành điện ảnh, thậm chí cả các chính khách tại Hàn Quốc cũng không giấu nổi niềm vui và tự hào trước vinh dự này.

Đáng tiếng, Pietà đã không vượt qua vòng loại vào Đề cử Oscar năm nay dù trước đó đã được chọn đại diện cho Hàn Quốc tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới này. Tham gia gửi phim tranh giải Oscar từ năm 1962, nhưng nửa thế kỷ đã qua mà Hàn Quốc chưa một lần nào lọt vào vòng đề cử. Phim của Kim Ki Duk đã từng một lần được đại diện cho đất nước (phim Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân).

Xa dần giấc mơ rồng

Khác với điện ảnh Hàn Quốc, điện ảnh Trung Quốc có bước phát triển theo đúng quy luật của những nền điện ảnh nhỏ - thời mà Trung Quốc mới mở cửa và hoà nhập với quốc tế. Đó là thời kỳ rụt rè, mộc mạc, kinh phí ít ỏi, kỹ thuật thô sơ… nhưng bên trong lại ẩn chứa “nội công thâm hậu” của thế hệ đạo diễn thứ 5 của điện ảnh Trung Quốc (Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Điền Tráng Tráng, Trương Quân Chiêu…).

Chính thế hệ này đã làm nên diện mạo của điện ảnh Trung Quốc đương đại. Phim của họ thăng hoa liên tục tại các LHP danh tiếng nhất trên thế giới. Trong Top 3 LHP quốc tế lớn, Trung Quốc đều ghi dấu ấn quan trọng. Ngoài ra thời kỳ này Trung Quốc được 2 lần đề cử Oscar (thật ra là 4 lần, nhưng 2 lần kia phải “đội mũ” Hong Kong). Điện ảnh Trung Quốc lúc ấy chỉ trong vài năm, từ những con rắn nhỏ, nhưng khi ra biển lớn đã hóa thành rồng!

Với phim Anh hùng, Trương Nghệ Mưu đã “bẻ quặt” giấc mơ hóa rồng của điện ảnh Trung Quốc

Nhưng cách đây 10 năm, đạo diễn tài danh Trương Nghệ Mưu bỗng “chuyển tông” sang làm Hero (Anh hùng) - bộ phim võ hiệp kinh phí lớn nhất của điện ảnh Hoa ngữ từ trước tới thời điểm ấy, 30 triệu USD. Phim này thắng lớn về doanh thu ở trong nước lẫn nước ngoài. Nhưng chính Trương Nghệ Mưu cũng không ngờ, sự chuyển hướng của ông lại ảnh hưởng quá lớn đến sự “hóa rồng” của thị trường điện ảnh quốc nội suốt một thập niên qua.

Các hãng phim ở Trung Quốc đại lục lấy thành công của Hero làm cột mốc, thế là các dự án sau này cứ thế leo thang về kinh phí sản xuất. Phim sau to hơn phim trước, vĩ đại hơn, hoành tráng hơn, dữ dội hơn, lộng lẫy hơn, phim nào cũng quy tụ cả một bầu trời sao… và nhất là quá nhiều kỹ xảo!

Ngày xưa, 30 triệu USD của Hero đã là quá “khủng”, vậy mà bây giờ con số đó chả là gì! Kim lăng thập tam thoa - phim mới nhất của Trương Nghệ Mưu - có kinh phí lên đến 94 triệu USD, không thua kém gì những “quả bom tấn” của Hollywood. Hay mới đây nhất, phim 12 con giáp, được cho là “siêu phẩm” hành động cuối cùng của Thành Long, cũng tốn đến gần 50 triệu USD sản xuất (kinh phí “khủng” nhất trong sự nghiệp của anh). Nhưng khi xem xong thì hụt hẫng, bởi hình ảnh một Thành Long quả cảm xưa nay, đã bị làm cho lu mờ bởi quá nhiều hình ảnh kỹ xảo vi tính. Thế thì thà coi phim Hollywood cho nó nhanh!

Đa số những phim “bom tấn Made in China” này đều đạt thành công về thương mại ở thị trường Hoa ngữ. Nhưng “phú quý giật lùi”, 10 năm nay phim Trung Quốc không còn được kỳ vọng ở các LHP trên thế giới. Còn giải Oscar thì từ sau đề cử của Hero (2002) là “mất mặt” hoàn toàn, dù đó có là “bom tấn” của Phùng Tiểu Cương (Đường Sơn đại địa chấn), hay của Trương Nghệ Mưu (Kim lăng thập tam thoa).

Trong 2 năm liên tiếp, từ 2011 đến 2012, trong Top 3 LHP lớn của thế giới, điện ảnh Trung Quốc chỉ có mỗi phim Bạch Lộc Nguyên của đạo diễn Vương Toàn An là lọt vào vòng tranh cử chính thức của LHP Berlin 2012 vừa qua. Quá ít đối với một đất nước mà điện ảnh đang muốn phát triển như “rồng” về số lượng và quy mô, nhưng về chất lượng nghệ thuật thì gần như không bao giờ trở về được như “kiếp rắn” ngày xưa!

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm