13/02/2013 07:20 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Lục Hương là dịch giả của nhiều đầu sách, đáng kể nhất là bộ Mật mã Tây Tạng, tác giả Hà Mã (11 tập) và hiện đang gây sốt tại các hiệu sách: 1Q84 (3 tập) của Haruki Murakami. Đi du lịch đến nhiều nơi, mỗi khi kể lại, Lục Hương không giấu được niềm hứng khởi, nhưng rồi, chốn để ở và sinh sống vẫn là quê hương Hà Nội của anh.
1. Ấn tượng lớn nhất về tuổi thơ tôi Hà Nội là sự thanh vắng và yên bình trên phố xá, ít biển hiệu, ít xe cộ, ít đèn giao thông, ít dịch vụ, màu sắc điềm đạm và nhiều dư âm truyền thống được duy trì, từ món ăn đến các hoạt động làng xã cũ.
Nhà tôi ở một phố chính trong nội thành (xưa thuộc huyện Thọ Xương), là nơi tiếp xúc gần như sau cùng với không khí nhập cư, làn sóng xây dựng đô thị cũng như quá trình mở rộng diện tích ra ngoại vi của Hà Nội.
Nhiều lúc nhìn lại, tôi vẫn cảm thấy Hà Nội chuyển mình quá nhanh, trong khi sự thay đổi của mình và gia đình vẫn rất từ từ.
Ở giữa người thân với nhau, chúng tôi vẫn có nhiều nếp cũ, gia đình cố gắng về ăn cơm cùng nhau, họ mạc đến cuối tuần, ngày nghỉ lại quây quần đổi bữa, chủ đề mỗi lần là những đứa bé, hỏi chúng những nhận xét về bạn bè trường lớp cũng như con người xung quanh, về thành tích đạt được, về ước mơ của chúng sau này. Nhưng chỉ cần bước ra khỏi cửa thôi mình đã thấy xung quanh khác nhiều, những người hàng xóm xưa kia ở bên mình từ đời ông, đời cha, giờ đã đi đâu mất, thay vào đó là những người lạ, trẻ hơn, cũng khách sáo hơn, nếp sống làng xã đang lùi hẳn về quá khứ.
Ra xa hơn, ra đường phố, thì ngay cả một việc đơn giản như dừng đỗ cũng sẽ thành khó khăn, phải ngó nghiêng tìm chỗ đậu xe, phải len mình qua những vỉa hè đông đúc, món ăn cũng đổi vị rất nhiều, màu sắc đậm đà hơn nhưng mùi vị lại hỗn tạp và khó phân biệt hơn.
Những cửa hàng hoặc quầy tạp hóa cũ nơi mình mua sách báo, mua kem túi không còn, những quán xá vỉa hè nhưng hương vị đặc trưng cũng đã biến mất cùng quá trình quy hoạch đường phố và xây dựng nhà cửa, ở ngõ vào nhà mình lại trương một cái biển lớn đề khu phố văn hóa như thể mới được công nhận nếp sống. Những thói quen trước giờ của mình vì thế cũng buộc phải thay đổi.
2. Hà Nội là nơi đất lành chim đậu của gia tộc tôi từ nhiều đời nay, chúng tôi vẫn ở lại theo tinh thần kế thừa cũng như theo cái nếp thanh bình của người dân đất này.
Hà Nội đang và sẽ thay đổi, nhưng dù thay đổi thế nào, tôi vẫn luôn yêu thương thành phố này, bởi Hà Nội vẫn còn những dấu ấn riêng dù đang mờ dần và nhỏ bé, dù những hội hè truyền thống đã giản tiện đi nhiều, dù những món đặc sản đã bị thay đổi cả công thức và nguyên liệu, nhưng tôi biết cái hồn của Hà Nội vẫn hiện hữu trong những thư tịch cổ, trong không khí bảng lảng thanh tĩnh ở các chợ xưa, các đình chùa, ở khu phố cổ, mà dù không còn nữa, thì tinh túy Hà Nội vẫn âm vang kiêu hãnh cùng với những hồn cốt ngàn năm dưới mảnh đất này, dưới mỗi bước tôi đi. Với Hà Nội hiện đại, tôi vẫn đang hòa nhập dù có chậm, nhưng vì yêu nó hết mình, nên tự trong tiềm thức tôi cũng dần thay đổi.
Hà Nội hiện đại quá rộng, quá đông và đang gần giống một nồi lẩu. Khẩu âm đang phong phú lên, lối sống thì thay đổi, nhanh hơn, xa cách hơn và đề phòng hơn. Bù lại dịch vụ phát triển đang tạo ra những tiện nghi đa dạng hơn, kể từ học hành, công tác đến sinh hoạt.
Thật ra sự thay đổi hiện thời của Hà Nội, mà sau vài chục hoặc trăm năm nữa cũng sẽ lại bị vùi lấp và thay thế, chỉ là một trạng thái đúng quy luật. Sự lặng lẽ, chậm rãi và thanh bình của nó hợp với nếp sống làng xã cũ thời Hà Nội từng chỉ là một cái làng lớn, nhưng bây giờ, cùng với quá trình đô thị hóa, nếu Hà Nội không thay đổi và không xáo trộn từ con người đến lối sống, thì đó mới chính là sự kỳ khôi.
Là người con của một gia đình đã sống nhiều đời trên mảnh đất này, dù vẫn có đôi phần tiếc nuối không khí cũ, tôi vẫn thích thú theo dõi sự chuyển mình mỗi ngày của Hà Nội. Vì tôi biết là nó sẽ đem lại nhiều mới mẻ và tiện ích hơn cho cuộc sống của mình và người thân tôi.
Vì là đô thị hạng nhất của đất nước, Hà Nội hiện là nơi hội tụ những tiện nghi bậc nhất, mang nhiều dấu ấn quốc tế nhất, mà nếu đi xa ra ngoài thành phố chừng 50km thôi là chị có thể cảm nhận được ngay và thấy thiếu thốn ngay. Cố nhiên để đạt đến mức độ hiện nay và cao hơn, thì không tránh khỏi những quá độ, những bất cập về quy hoạch, những xô bồ về nếp sống, về trật tự và sự méo mó về chất lượng dân số mà giở báo chí hàng ngày đều đọc được. Nhưng như tôi đã nói, tôi thích sự chuyển mình này, và tôi cũng phấn khởi vì mình là một phần sẽ được lịch sử ghi nhận trong cuộc chuyển mình đó.
Vì tình yêu Hà Nội Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội được thành lập năm 2008 theo sáng kiến của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái nhằm tôn vinh sự nghiệp của họa sĩ và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội. Trong cơ cấu giải thưởng hàng năm, Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội là quan trọng nhất, được trao cho Tác giả có những đóng góp cho Hà Nội bằng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất