11/01/2013 11:00 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - "Mạc Ngôn được giải Nobel khi ông đi giữa giới hạn trắng và đỏ. Song trong văn học Trung Quốc, tác giả Lý Nhuệ còn là người làm điều ấy xuất sắc hơn. Và nếu công tâm, nhà văn Lý Nhuệ xứng đáng được Nobel hơn Mạc Ngôn" - dịch giả Trần Đình Hiến, người biên dịch Báu vật của đời, Đàn hương hình, Rừng xanh lá đỏ… của Mạc Ngôn nhận định trong buổi giao lưu định kỳ lần đầu tại Hội Nhà văn Hà Nội diễn ra hôm qua (ngày 10/1).
Dịch giả Trần Đình Hiến chia sẻ tại buổi giao lưu |
Trong buổi giao lưu với hàng chục nhà văn Hà Nội bàn về Nhà văn Mạc Ngôn, Nobel Văn học 2012, và văn hóa, văn nghệ Trung Quốc, dịch giả Trần Đình Hiến nhấn mạnh: “Mạc Ngôn quan niệm một nhà văn khi đã thành danh bao giờ cũng có một vùng quê của riêng mình. Anh ta sống lâu, thẩm thấu đời sống văn hóa ở mảnh đất ấy và đưa vào tác phẩm của mình. Tuy nhiên nếu cứ viết mãi về những văn liệu cũ sẽ dẫn đến tình trạng nhàm chán như "rang cơm nguội", nên nhà văn cần biến nó từ không gian địa chính thành không gian văn học. Hay nói khác đi, nhà văn cần xây dựng một không gian văn học của riêng mình như một vương quốc và anh ta là quốc vương. Mạc Ngôn đã làm được điều này khi ông dùng những chất liệu cuộc sống từ vùng Cao Mật quê ông để tạo lên những tác phẩm đạt giải Nobel. Đây là điều các nhà văn Việt Nam nên lắng nghe và suy ngẫm.
Cũng trong buổi giao lưu, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ với TT&VH: Hiện tượng nhà văn Mạc Ngôn được giải Nobel là câu chuyện lý thú đáng để mổ xẻ phân tích và học hỏi. Cũng từ năm 2013, Hội nhà văn Hà Nội sẽ tổ chức giao lưu định kỳ vào ngày 10 hàng tháng. Nội dung cuộc giao lưu sẽ bàn về mọi khía cạnh của cuộc sống trong và ngoài nước để các nhà văn và người yêu văn học có cơ hội nâng cao vốn hiểu biết. Cũng từ đó, Hội cũng mong muốn văn đàn Hà Nội có những tác phẩm sâu sắc, chân thực hơn.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất