Dịch giả, PGS Phạm Vĩnh Cư: Người 'đưa' chữ thiên tài ra ánh sáng

13/10/2013 08:08 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) -Tâm (NXB Hội Nhà văn & Trung tâm VHNN Đông Tây ấn hành tháng 12/2012), thơ trữ tình chọn lọc của Marina Tsvetaeva, in song ngữ Nga Việt, do dịch giả - PGS Phạm Vĩnh Cư tuyển dịch từ nguyên bản tiếng Nga, là một cuốn sách xuất hiện một cách âm thầm và lặng lẽ, nhưng đã làm nên một dư chấn khi vừa đoạt giải dịch thuật văn học năm 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội.

Thật bất ngờ, tên tuổi của nữ thi sỹ Nga Marina Tsvetaeva lại chưa được nhiều người Việt biết đến như Anna Akhmatova và Olga Berggolz… có lẽ vì thơ của Marina Tsvetaeva chỉ xuất hiện ở Việt Nam qua những bản dịch giản đơn, lẻ và nhỏ, chưa có một tập thơ hoặc công trình nào nghiên cứu, giới thiệu một cách đầy đủ và toàn diện.

Tâm đã đến, thật đúng lúc, đáp trả những độc giả khó tính nhất muốn khám phá một nhà thơ đa thanh và phức điệu Marina Tsvetaeva – người được tôn vinh là “nhà thơ số một của thế kỷ XX”.

Sững sờ trước kiệt tác

Marina Tsvetaeva được đánh giá là một thiên tài lỗi lạc, không mấy ai có thể sánh được không chỉ trên thi đàn của nước Nga, mà còn cả nhân loại. Không phải ngẫu nhiên một nhà thơ đi trước là Voloshin, khi đọc xong tập thơ đầu tay của M.Tsvetaeva đã phải thốt lên: “Ở cô tiềm ẩn ít nhất bảy nhà thơ”.

Ngay cả Iosif Brodski (hay Joseph Brodsky, 1940-1996), nhà thơ Nga thứ hai sau Boris Pasternak nhận giải Nobel năm 1987 và là người am tường nghệ thuật thi ca thế giới, đã kiên trì tôn M.Tsvetaeva nhà thơ xuất sắc của nhân loại.

Dịch giả-PGS Phạm Vĩnh Cư


Tên Tâm trong nhan đề Việt ngữ là cách dịch thoáng của dịch giả Phạm Vĩnh Cư, theo liên tưởng, chùm thơ Pcyché được M.Tsvetaeva chọn làm tên cho một tập thơ riêng của bà in năm 1922. Qua trao đổi, dịch giả Phạm Vĩnh Cư cho biết những bản dịch của ông thuần túy theo đuổi mục đích chuyển tải sang tiếng Việt nội dung, ý tứ thơ M.Tsvetaeva như có thể nắm bắt chúng bên ngoài ngữ âm, ngữ pháp và trường ngữ nghĩa của nguyên tác. Trong dịch thuật học người ta gọi lối dịch này là “lối dịch ngữ văn học”  để phân biệt nó với lối dịch nghĩa chữ và dịch nghệ thuật.

Tập thơ Tâm dày dặn 539 trang, đóng bìa cứng, gồm có một phần viết về con người và thi nghiệp của M.Tsvetaeva, 140 bài thơ dịch được đánh số từ 1 đến 140 theo trật tự thời gian, trong đó phần thơ in song ngữ Nga – Việt.

Điều thú vị là trong phần cuối cuốn sách có thêm phần chú giải từ những bài thơ dịch được đánh số một cách có chủ ý. Hàng trăm chú giải công phu như vậy của dịch giả Phạm Vĩnh Cư làm cho người đọc tiếp cận văn bản thơ M.Tsvetaeva một cách dễ dàng, sáng tỏ và sâu sắc hơn.

Bìa tập thơ Tâm.


“Văn hiệu” Phạm Vĩnh Cư

Năm 1954, Phạm Vĩnh Cư đã được lựa chọn cùng với 100 học sinh “hạt giống đỏ”  để sang Moskva học tập. Cũng trong thời gian đó, ông đã kết nghĩa anh em với Marian Tkachev - một dịch giả lớn nhất có công dịch và giới thiệu văn học Việt Nam sang tiếng Nga, người mà sinh thời đã hơn 30 lần đến Việt Nam để nghiên cứu văn học. Năm 2012, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhà văn, dịch giả Nga Marian Tkachev.

PGS.TS Phạm Vĩnh Cư là một người đồng nghiệp lớp sau của GS Hoàng Ngọc Hiến, cũng là người giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du (giờ là Khoa Viết văn – Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) khi GS Hoàng Ngọc Hiến nghỉ hưu. Tên trường giờ đã thay đổi, nhưng văn hiệu Viết văn Nguyễn Du vẫn được nhiều thế hệ nhắc đến như một niềm tự hào bởi ngôi trường - nơi được xem là ngôi đền thiêng văn học duy nhất, nơi khởi tạo những giá trị văn chương, nơi ươm mầm những tài năng văn học.

Đã bước vào tuổi thất tuần, tóc đã bạc trắng, nhưng PGS Phạm Vĩnh Cư trông vẫn khỏe khoắn. Đi nhiều, nói nhiều, viết nhiều, tất cả vẫn mạnh mẽ đến kinh ngạc, dường như tuổi già lẩn thẩn chưa dễ giáp mặt trong những công trình văn chương đầy minh triết của ông. Cuốn Siêu lý tình yêu về triết gia, thi sỹ thiên tài Nga V.Soloviev mà Phạm Vĩnh Cư dịch đã được giới học thuật và xã hội ghi nhận khi trao giải Phan Chu Trinh năm 2009.

Có lần gặp Phạm Vĩnh Cư ở Thư viện L'Espace, ông đã say sưa nói về “lý thuyết đối thoại” của M. Bakhtin – nhà triết học Nga lỗi lạc từng bị lãng quên cuối thế kỷ XX: “Con người ta đang sống là đối thoại, không chỉ có đối thoại bằng lời nói mà bằng tất cả cuộc sống, đối thoại bằng lời nói chỉ là một biểu hiện của đối thoại”.

Đợt này, nhận giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội cho cuốn Tâm nhưng Phạm Vĩnh Cư đã không về kịp để nhận giải thưởng vì đang dự hội khóa, hội trường vào ngày 4/10 hàng năm ở Nga – nơi mà gần 60 năm trước thời niên thiếu của ông và bạn bè đã học tập, tích lũy những tri thức, giá trị sống.

PGS.TS Phạm Vĩnh Cư dành tình yêu cho tiếng Nga - nước Nga, cũng như tiếng Việt – nước Việt bền bỉ qua những năm tháng, bất chấp những biến động thăng giáng của thời cuộc. Cũng như người anh em của mình Marian Tkachev, Phạm Vĩnh Cư ham muốn bắc một nhịp cầu văn hóa giữa hai nước Việt – Nga.

Mà ở đó, trong đó là những gì tốt nhất, giá trị nhất, nhân bản nhất, những gì là trước tác tinh hoa văn chương của mỗi dân tộc phải được hiển thị. Trong đó, Tâm là một biểu hiện của lòng thành, một cách “đối thoại” của văn hiệu Phạm Vĩnh Cư: người “đưa” chữ thiên tài ra ánh sáng.

LÃNG MA
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm