Dịch giả Hương Lan nói về chủ nhân Nobel Văn học: Đọc Alice Munro khác nào xem vở kịch đời

14/10/2013 09:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nữ văn sĩ Alice Munro vừa được trao giải Nobel văn học 2013 - đây là cây bút đầu tiên của Canada nhận được vinh dự cao quý này. Là người “chuyên trị” truyện ngắn, Alice Munro là tên tuổi khá xa lạ với giới văn chương và các khoa văn học tại Việt Nam.

Cách đây 1 năm, tác phẩm Trốn chạy (Nhã Nam & NXB Văn học, 2012) do Trần Thị Hương Lan dịch từ Runaway (2004) đã được phát hành, nay thì thành tập truyện đầu tiên của Alice Munro có bản tiếng Việt.

Nobel văn học thường ưu ái thơ và tiểu thuyết, đây cũng là lần đầu tiên trong 113 năm nó “gật đầu” với truyện ngắn.

“Tôi không hề bất ngờ với việc Alice Munro được giải. Bà vốn là ứng viên giải Nobel từ lâu. Nhưng tôi hơi ngỡ ngàng vì mình lại là người dịch sách của bà. Phải có duyên nhé. Là người may mắn được sục sạo chân tơ kẽ tóc quyển sách của bà khi chuyển ngữ, tôi thấy kết quả này là chính xác và công bằng. Mong rằng, ở tuổi 82, bà còn đủ sức tới Thụy Điển nhận giải vào tháng 12 này” - dịch giả Hương Lan cho biết.


Dịch giả Hương Lan. Ảnh: Trần Hoài Nhân

Tôi được “đo ni đóng giày”

* Duyên cớ nào đưa chị đến quyết định dịch Alice Munro, thưa chị?

- Mảng tâm lý - xã hội vốn là thứ tôi mê thích; và tôi cũng khá thuận tay khi dịch mảng này. Những thứ máu me, giật gân đều khiến tôi tránh xa. Linh tính là kim chỉ nam cho tôi quyết định mọi điều. Khi cộng tác với Nhã Nam tôi chỉ nêu yêu cầu về đề tài, thể loại mình ưa dịch, để rồi họ “đo ni đóng giày”. Đọc qua bản gốc cộng tra cứu trên mạng càng khiến tôi tin chắc mình đã gặp đúng “món khoái khẩu”. Đơn giản thế thôi.

* Tại sao là Runaway, mà không phải là tác phẩm nào khác của văn sĩ này?

- Từng làm chân khai thác bản thảo - chỉ nhằm có cái nhìn tổng thể về quy trình xuất bản - tôi cũng rất quen với quy trình này. Tôi tin Nhã Nam đã đi theo những lộ trình của riêng họ.

Công việc dịch sách ngập đầu không cho phép tôi quan tâm tới các khâu khác. Vả lại, thời điểm đó tôi cũng đã chán dịch sách tâm lý với truyện kỳ ảo thiếu nhi, tôi háo hức dấn thân vào lãnh địa dịch thuật văn học.

Mổ xẻ và phản biện

* Lúc dịch, chị có trao đổi với Alice Munro không?

- Việc liên lạc với các nhà văn không đến nỗi bất khả thi - trừ phi họ đã mất! Mọi tài liệu về bà Alice Munro và về Runaway đều được tôi moi ra mổ xẻ hết. Từ lời bình của số đông độc giả đến bài phân tích của giới học giả. Kể cả bản Reading guide (hướng dẫn đọc hiểu) dành riêng cho Runaway với chùm câu hỏi chi tiết cho từng truyện ngắn, hệt như kiểu giáo viên hỏi học trò trong giờ tập làm văn ở trường.

Đúng kiểu tư duy phản biện: Ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao, thế nào? Trả lời từng câu hỏi giúp tôi bóc tách từng lớp, từng vỉa tâm lý nhân vật, để nhìn thấu tâm can họ. Tôi không cho phép mình du di bất kỳ chi tiết nào cần tra cứu. Dịch văn học không phải chuyện đùa. Nếu không nghiêm túc thì còn lâu mới hoàn thành tác phẩm, chứ đừng nói là có dịch ra ngô ra khoai gì không. 


Trốn chạy, bản dịch tiếng Việt đầu tiên của Alice Munro

* Theo chị, truyện ngắn của Alice Munro có những điểm nào đáng lưu ý?

- Hãy để những nhận xét về bút pháp, tư duy, văn phong này kia cho các nhà phê bình đi. Về cá nhân, tôi cảm nhận mỗi truyện ngắn của bà là một quyển sách giáo khoa tâm lý phụ nữ. Rất tự nhiên, nữ giới hiện hữu trong từng, trong mọi nhân vật của bà, chẳng còn cái gọi là khái niệm thời kỳ hay thời gian nữa. Dù chơi vơi hay kịch tính, dù tủn mủn hay khái quát, tất cả đều minh họa bản chất con người. Trong đó, một cách tài tình, bà để đàn ông trôi trôi như các mấu bám cho phụ nữ neo vào mà “lộ nguyên hình”.

Theo lý giải bằng ngôn ngữ của bà thì hành vi của phụ nữ dù có kỳ quặc, đồng bóng, hay trái khoáy tới đâu cũng là do tâm thức của họ dẫn lối đưa đường. Thế thì làm sao họ “né” được cơ chứ. Nên những danh xưng “phù thủy chữ nghĩa” hay “bậc thầy truyện ngắn”… không phải ngẫu nhiên bà có được. Đọc Alice Munro khác nào xem vở kịch đời thực đang được vén lên từng lớp lang - chính xác, thỏa đáng.

VĂN BẢY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm