Dịch giả Đỗ Khánh Hoan: Người chuyển ngữ từ Đông sang Tây

27/11/2013 16:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Lúc nhỏ học tiếng Pháp, thời trai trẻ học tiếng Anh nhưng bắt đầu sự nghiệp chuyển ngữ (thập niên 1960) lại ưu tiên cho văn chương Nhật hiện đại, mãi sau này ông mới bước sang văn chương cổ điển, rồi cổ đại. Các trứ tác của Plato, Homer, Shakespeare, Cervantes… đang lần lượt được xuất bản và phát hành tại Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ kinh qua nhiều ngôn ngữ, Đỗ Khánh Hoan đã âm thầm chuyển ngữ hơn 40 kiệt tác, trong đó có những tác giả và tác phẩm đã thành cột mốc của lịch sử dịch thuật Việt Nam.

TT&VH Cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng ông.


Dịch giả Đỗ Khánh Hoan. Ảnh do nhân vật cung cấp
Từ thơ Ấn Độ và văn học Nhật Bản

* Có lẽ xin bắt đầu câu chuyện với ông bằng thi tác của R.Tagore (Ấn Độ), dù được trao giải Nobel từ rất sớm (năm 1913), nhưng mãi tới giữa thế kỷ 20 tại Sài Gòn cũng rất ít người biết hay để ý. Một chàng trai vừa bước qua tuổi đôi mươi như ông, tại sao lại chú ý đến Tagore?

- Tôi đến với R.Tagore là chuyện khá hy hữu. Tôi di cư vào Sài Gòn khoảng năm 1954 - 1955 lúc đang học Faculté Des Letters. Trong một buổi giảng về văn chương Pháp hiện đại, Giáo sư Đoàn Quang Tấn (Giám đốc Thư viện Sài Gòn) phát cho mỗi sinh viên một tờ giấy in 3 bài văn xuôi ngắn ngủn. Thầy giảng liền 2 giờ, say sưa như lên đồng. Gần hết giờ thầy bảo đây mới thực là thơ.

Thực tình mà nói đám sinh viên chưa nắm hết ý thầy và có lẽ cũng chưa hiểu hết cảm xúc của thi sĩ. Cuối cùng thầy bảo tác giả 3 bài thơ các anh, các chị tưởng là văn xuôi là của R.Tagore, người Ấn Độ!

Nghe lời thầy tôi bắt đầu tìm hiểu R.Tagore. Nhưng không có tài liệu. Cuối năm đó tôi được học bổng du học do Chính phủ Úc cấp. Trong thời gian 2 tuần ở Singapore để chờ chuyến đi Darwin, bất ngờ và vô tình tôi mua được cuốn Complete Poetry Of R.Tagore. Đọc ngấu nghiến, dù chưa hiểu hết ý.

“Phải trách nhiệm đối với tác giả và với độc giả. Trong quá trình chuyển dịch, ai cũng biết nguyên tác là hay, là khó, là cao siêu, là phức tạp, tôi cố viết lại trung thực. Không thêm, không bớt, không xa vời, không lạc điệu. Nếu không nâng cao thì duy trì, chứ nhất định không hạ thấp giá trị tác phẩm”

(quan điểm của Đỗ Khánh Hoan)

* Tính đến nay 3 tập thơ Tagore do ông chuyển ngữ tái bản khoảng 35 lần, một trường hợp hiếm hoi của xuất bản. Lần đầu ra mắt bản tiếng Việt, hiệu ứng lúc đó thế nào, thưa ông?


- Ba tập thơ Tagore cũng là những tác phẩm xuất bản đầu tiên của tôi với tư cách dịch giả (năm 1968). Tôi không ngờ việc làm âm thầm đạt kết quả tốt như vậy, chỉ vài tháng sau tác phẩm tái bản. Nhiều người thích, mê “thơ Tagore do Đỗ Khánh Hoan dịch”. Dù tác phẩm tái bản nhiều lần, nhưng suốt thời gian đó tôi không viết lời nào giới thiệu thi sĩ.

Về sau này, khi 3 thi tập này được tái bản sau lần thứ 30 thì phải, theo lời đề nghị của đồng nghiệp, độc giả, tôi mới viết một bài khá dài về thi sĩ, thời đại ông, đất nước ông, địa vị ông trên thi đàn quốc tế, nhất là rung cảm, tài năng hiếm có của ông. Từ đó trở đi tôi cảm thấy yên tâm, vì đã trả món nợ vô hình, không ai đòi song thế nào cũng phải trả.

* Có phải vì Tagore mà trong thập niên 1960 ông đã dành nhiều ưu ái cho văn chương Nhật, cũng là một đại diện từ châu Á?

- Ở trường lúc ấy chỉ được học văn học Pháp, Anh, Mỹ thôi. Thế văn học các nước khác thì sao? Tôi bắt đầu tự tìm hiểu qua các văn tài, cụ thể là tìm kiếm những người viết có tác phẩm gây tiếng vang, trước đọc xem thế nào, sau nếu có thể thì giới thiệu với bạn đọc trong nước. Nói thật là vì vấn đề này tôi tốn tiền lắm. Phải gửi mua sách báo ở nước ngoài qua bạn hữu làm ở hàng không. Sau một thời gian, được bạn bè khuyến khích, tôi quyết định thực hiện công trình lâu dài. Trước một mình, sau mời bạn, sau nữa thành lập nhóm và chuyển ngữ mấy chục tác phẩm văn học Nhật Bản.

Hơn nữa, từ 1962 tôi dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, làm Trưởng ban Văn học Anh Mỹ. Chính vì vậy, việc chuyển ngữ văn chương Anh Mỹ đã là nhiệm vụ của tôi. Năm 1969, tôi xuất bản Lịch sử văn học Anh quốc (2 tập), năm 1974 là Khái niệm về ngôn ngữ và thi pháp Anh...

Bìa hai thi tập IliadOdyssey vừa được xuất bản tại Việt Nam. Đỗ Khánh Hoan mất nửa thế kỷ nghiền ngẫm và hơn 10 năm miệt mài chuyển ngữ, chú giải


Đến những tác phẩm của Tây Âu, Mỹ Latin

* Sau khi định cư tại Canada, được biết ông vẫn làm công việc như xưa?

- Đúng vậy. Tôi tiếp tục giới thiệu, chuyển dịch, tái bản sáng tác của R.Tagore, W.Shakespeare, Cervantes, Homer, Plato; viết sách về văn học Anh Mỹ (tiếng Việt, tiếng Anh), văn học châu Mỹ Latin và chuyển ngữ sáng tác của nhà văn nổi trội nơi này.

Cách nay vài năm, Học viện ICEVN ở Houston, Hoa Kỳ đề nghị tôi cộng tác dịch ra tiếng Việt nhằm giới thiệu tác phẩm kinh điển văn chương, triết học Tây Âu. Tôi đồng ý. Từ đó đến nay, rời lĩnh vực văn học, tôi đi vào triết học, giới thiệu Plato và chuyển ngữ trứ tác của ông. Tôi hứa với ICEVN tôi sẽ chuyển ngữ không chỉ một mà toàn bộ tác phẩm Plato. Đến nay tôi đã làm xong mấy cuốn và đã ra mắt bạn đọc.

“Thập niên 1960 tôi giới thiệu và chuyển ngữ mấy chục tác phẩm văn chương hiện đại Nhật Bản, trong số đó có 4 cuốn cộng tác với anh bạn Nguyễn Tường Minh. Quan điểm của tôi lúc ấy là ưu tiên cho kim văn trước, cổ văn sau, Đông trước, Tây sau. Lý do cũng khá đơn giản, cái gì gần gũi, dễ cảm hơn thì làm sẽ thuận lợi hơn. May mắn, sau nửa thế kỷ nhìn lại, những tác giả Nhật mà mình chọn lúc ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị văn chương”

- Đỗ Khánh Hoan chia sẻ.

* Quan điểm dịch vẫn thường xuyên gây tranh cãi ngay trong những dịch giả. Bản thân ông có quan điểm dịch thuật như thế nào: sát nghĩa hay uyển chuyển linh hoạt, hay…?

- Trong lời giới thiệu Odyssey, tôi có viết: Phải trách nhiệm đối với tác giả và với độc giả. Trong quá trình chuyển dịch, ai cũng biết nguyên tác là hay, là khó, là cao siêu, là phức tạp, tôi cố viết lại trung thực. Không thêm, không bớt, không xa vời, không lạc điệu. Nếu không nâng cao thì duy trì, chứ nhất định không hạ thấp giá trị tác phẩm. Chỗ nào khúc mắc, nghi ngờ tôi chú thích để độc giả tự mình nhận định.

Ví như khi dịch Homer, tôi đã xem hàng chục bản dịch tác phẩm này qua các ngôn ngữ khác như: Tây Ban Nha,  Đức, Pháp, Anh. Dẫu thế, xin thưa, nếu chẳng may vấp phải, do nhận thức còn hạn hẹp, vì phô diễn còn non nớt, tôi cúi đầu nhận lỗi.

* Do nghiên cứu nên buộc phải dùng phương pháp so sánh văn học, ông có bao giờ nghĩ về một tác phẩm nào đó của văn học Việt Nam mà có thể xứng tầm bậc thầy quốc tế không?

- Có chứ, mình có thể tự hào về văn học quá khứ của dân tộc. Nhìn nhiều mặt (chứ không so sánh), xem ra, thi sĩ mình không kém mà còn hơn thi sĩ họ là khác. Thử hỏi trên thế giới có thi sĩ nào làm thơ mà cả dân tộc thuộc lòng không, dù đó là người dân mù chữ? Nhưng vì hai lý do. Một là, người mình chưa dịch sang ngoại ngữ, và người mình chưa đủ khả năng văn chương chuyển dịch số giai tác đó sang ngoại ngữ. Ngày trước đã có mấy người dịch Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du sang Pháp văn, Anh văn, tôi có đọc, song nói thật chẳng thấy thơ chút nào. Tôi thầm nghĩ nếu biết tiếng Pháp, tiếng Anh và đọc dịch phẩm tác phẩm của mình chắc hẳn thi sĩ Nguyễn Du “hóa điên”!

Hai là, người ngoại quốc cũng vậy, vì sao đó cũng không đủ khả năng chuyển dịch giai tác của mình, kim văn chứ đừng nói cổ văn. Sở dĩ vậy, có lẽ vì họ không thích hoặc chưa thích, và có lẽ vì họ hiểu họ không đủ khả năng, nhất là tiếng Việt rất kỳ lạ, dễ thì dễ với tất cả, mà khó thì cũng khó không chừa một ai.

VĂN BẢY (thực hiện) 
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm