Di sản văn hóa, không thể phục hồi tất cả

11/11/2013 09:31 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, tại ĐH RMIT (TP.HCM) diễn ra buổi thuyết trình Phục hồi và phát triển văn hóa vật thể cho sáng tạo của TS Trương Thị Kim Chuyên. Bằng ví dụ từ việc hồi sinh lụa Tân Châu (tỉnh An Giang), diễn giả đã đặt ra câu hỏi: Với di sản văn hóa đang hấp hối, cái nào cần cấp cứu, cái nào phải… thả trôi luôn?

Ví công việc phục hồi di sản như một con tàu, TS Trương Thị Kim Chuyên (nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng qua năm tháng, con tàu này chỉ có thể “vớt” được một phần di sản đang hấp hối và nổi trôi. Bởi theo quy luật sinh tồn, cái gì sinh ra cũng sẽ mất đi, lâu hay mau mà thôi. Qua đây, TS Kim Chuyên cũng xem xét lại mối quan hệ giữa không gian sống của di sản văn hóa với thực tế sáng tạo và cả các phương cách phục hồi.

TS Trương Thị Kim Chuyên

Sáng tạo là một lối thoát

Lý do để TS Kim Chuyên chọn lụa Tân Châu (thường gọi lãnh Mỹ A) làm ví dụ, có thể nhận thấy qua mấy góc độ. Thứ nhất, với lịch sử hơn trăm năm, lụa Tân Châu  từng trở thành trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam bộ từ trước năm 1945; đến thập niên 1960 thì làng lụa vẫn còn đến hơn 250 khung dệt và khoảng 90 máy nện. Từ đầu thập niên 1980 thì gần như mai một, mãi đến cuối thập niên 1990 mới được tái duy trì, khoảng 10 năm gần đây mới hồi sinh. Vì sao một chất liệu (văn hóa vật thể) tưởng chừng đã bị thả trôi lại được cứu vớt là điều rất đáng để xem xét?

Thứ hai, vai trò của những nghệ sĩ sáng tạo đương thời như NTK Võ Việt Chung (từng dùng lãnh Mỹ A thiết kế BST Mơ về châu Á - trình diễn tại Tuần lễ thời trang quốc tế Malaysia tháng 11/2004; và BST Sự hồi sinh - Tuần lễ thời trang châu Âu ở Đức tháng 7/2005) có ý nghĩa thế nào với việc phục hồi di sản văn hóa?

Bằng kiến thức liên ngành, TS Kim Chuyên đưa ra nhiều ví dụ về cách phục hồi tại nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản, khi sợi dây liên kết giữa di sản văn hóa quá khứ với nghệ sĩ sáng tạo đương thời và người tiêu dùng được thông suốt. Vấn đề của công việc phục hồi hiện nay là có sáng tạo được gì từ chính những di sản đã chết hay không? Bởi chỉ có sự sáng tạo mới giúp cho di sản quá khứ thêm một lần được sống động.

Lụa Tân Châu được đưa ra làm ví dụ cho việc phục hồi di sản văn hóa. Ảnh: TL

Những trở lực lớn

Còn xét từ góc độ xã hội học, TS Kim Chuyên cho biết với những nước đang phát triển như Việt Nam thường gặp 3 trở lực lớn trong việc phục hồi di sản. Thứ nhất, vì tâm lý vị chủng tộc (ethnocentrism) mà xem văn hóa của mình cao hơn các dân tộc khác, nên thấy không cần thiết phải bảo tồn, phục hồi sự đa dạng. Thứ hai, vì tâm lý sính ngoại (xenocentrism) mà xem văn hóa của mình là thứ đáng bỏ đi, nên càng xem thường sự bảo tồn, phục hồi bản sắc. Thứ ba, do quá trình “McDonald's hóa” mà những thứ có tính máy móc tự động, có thể dự đoán trước kết quả, hiệu năng cao… đã thủ tiêu dần sự đa dạng và dị biệt văn hóa, thủ tiêu sự sáng tạo riêng lẻ.

Hơn nữa, bất kì chính phủ nào cũng muốn có một chuẩn mực (thông qua Luật Di sản) về việc quản lý di sản, nhưng làm thế nào để bao quát và luôn phù hợp thì vẫn liên tục được thảo luận để cập nhật. Ngay cả các thiết chế hoạt động của bảo tàng di sản cũng cần phải thay đổi, để làm sao đưa được yếu tố bảo tàng vào các xưởng chế tác, nhằm giúp việc sáng tạo, phục hồi… có điểm tựa. Đồng thời, cũng phải đưa được xưởng chế tác vào bảo tàng để cung cấp sức sống mới. Đây là điều mà chúng ta có thể nhìn thấy qua: Bảo tàng Dân tộc Việt Nam (tại Hà Nội); Bảo tàng áo dài của NTK Sĩ Hoàng (tại TP.HCM); và Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (tại Hoà Bình)... Còn ngược lại, những bảo tàng có thể sẽ trở thành nghĩa địa của di sản…

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm