18/03/2013 12:04 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) -Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm do NXB Quân đội nhân dân vừa được tái bản với nhiều nội dung mới được bổ sung, cập nhật. Một cuốn sách đáng để đọc, không chỉ vì liên quan đến một vấn đề “nóng” hiện nay là biển Đông và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của đất nước.
Sách Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm vừa được tái bản |
Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang và Nguyễn Mạnh Hùng đã sớm có tác phẩm đầu tay đề cập đến lịch sử quân thủy là một trong những đề tài nghiên cứu còn mới mẻ ở Việt Nam. Có thể nói cho đến thời điểm này, tuy tái bản lần hai nhưng dường như đây vẫn là cuốn sách nghiên cứu chuyên khảo “độc nhất vô nhị” về “quân thủy” ở nước ta.
Từ khi mới nhập lính hải quân, ngày 5/8/1972 ba chàng sinh viên năm cuối khoa Sử ấy đã bắt đầu phác thảo đề cương cuốn sách (5/8 cũng là ngày truyền thống của Bộ đội Hải quân). Nhưng phải 10 năm sau, cũng vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Hải quân, sau khi cả ba đã xuất ngũ về công tác tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học và báo chí quân đội, bản thảo mới được hoàn thành.
Ở lần tái bản này, cuốn sách được bổ sung thêm nhiều tư liệu mới và quý, trong đó đặc biệt đáng chú ý là tư liệu về tàu thuyền và các vũ khí liên quan. Đáng kể nhất là những hình vẽ quân tướng cùng vũ khí và tàu thuyền quân Nguyên thế kỷ XIII, khi tấn công Nhật Bản, những chiếc “hỏa hổ” người Nhật khai quật được còn khá nguyên vẹn, những súng pháo và tàu thuyền mới khai quật được ở Việt Nam và các nước láng giềng...
Hiểu biết về địa danh, nơi diễn ra các trận đánh cũng được cụ thể và chi tiết hơn nhờ công tác nghiên cứu lịch sử ở các địa phương đã phát triển, các tác giả đã có điều kiện đến tận nơi các địa danh: Bình Than, Vân Đồn, Rạch Gầm - Xoài Mút, Phú Xuân, Thị Nại... Thậm chí, trong cuộc khai quật khu mộ táng Động Xá (Hưng Yên) cùng các chuyên gia Đại học và Bảo tàng Quốc gia Australia, Tiến sĩ Nguyễn Việt đã trực tiếp khai quật phát hiện một phần chiếc thuyền gỗ cổ thời Đông Sơn có niên đại 2.100 năm cách ngày nay.
|
Quân thủy Việt Nam có lịch sử rất lâu đời. Có thể nói, quá trình hình thành Nhà nước Văn Lang từ ba - bốn nghìn năm trước đây cũng chính là quá trình hình thành những cơ sở vật chất đầu tiên của quân thủy cổ đại Việt Nam. Thuyền chiến khắc trên các trống đồng là hình tượng tiêu biểu cho quân thủy buổi bình minh đó. Vì vậy, lịch sử quân thủy cổ trung đại của nước ta còn là lịch sử của biết bao chiến công hiển hách, chói ngời tinh thần xả thân vì nước, dũng cảm hy sinh cũng như tài năng đánh thủy kiệt xuất của các thế hệ quân thủy Việt Nam.
Việt Nam phải trở thành cường quốc biển mới có thể hy vọng bảo vệ, quản lý và khai thác hiệu quả hơn 3.000km bờ biển, hàng nghìn hải đảo và một vùng hải phận rộng lớn |
Đọc sách Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, góp phần giúp chúng ta nhận biết rõ hơn bản chất và biểu hiện của truyền thống đánh thủy, càng tự hào một cách có cơ sở về tài thủy chiến của ông cha ta, về những tài năng xuất sắc cũng như những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng trên chiến trường sông nước. Nhận thức đúng bản chất và biểu hiện của truyền thống đánh thủy, quy luật đánh thủy trong lịch sử, chúng ta cũng nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của những truyền thống và quy luật đó, cả trong quá khứ cũng như trong hiện tại, để phát huy, đồng thời khắc phục.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất